Multimedia Đọc Báo in

Xem phim tại rạp: Thêm nhiều lựa chọn cho khán giả

16:17, 01/09/2015

Vào cuối tháng 7 vừa qua, Tập đoàn giải trí đa phương tiện CJ CGV (Hàn Quốc) đã chính thức khánh thành và đưa vào hoạt động cụm rạp chiếu phim có trên CGV Buôn Ma Thuột. Đây là rạp thứ 26 trong hệ thống rạp CGV ở Việt Nam.

Theo chị Nguyễn Thị Trà My, Quản lý Rạp CGV Buôn Ma Thuột cho biết, CGV Buôn Ma Thuột có diện tích 2.340m2, tại tầng 5, Trung tâm thương mại Nguyễn Kim, số 01 Nguyễn Chí Thanh, phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột), được xem là lớn nhất hiện nay ở Buôn Ma Thuột, với 5 phòng chiếu có tổng số 779 ghế ngồi, được trang bị hệ thống chiếu đạt chuẩn quốc tế 2D, 3D thế hệ mới, kết hợp với hệ thống âm thanh vòm đem lại sự trải nghiệm thú vị. Đặc biệt, hệ thống màn hình của rạp được thiết kế cong, bảo đảm cho khán giả ngồi ở mọi góc nhìn đều có thể xem được trọn vẹn khung hình của bộ phim. Là cụm rạp mới nên để  thu hút khán giả, rạp CGV Buôn Ma Thuột đã triển khai nhiều dịch vụ xung quanh rạp như: phục vụ các suất ăn nhanh, nước uống, đăng ký thẻ thành viên với nhiều ưu đãi giảm giá, bốc thăm trúng thưởng... Chị Trà My cho biết thêm: “Hiện tại, ưu thế lớn nhất của CGV trong việc thu hút khách chính là thời gian trình chiếu những bộ phim. CGV là đơn vị cung cấp phim cho các rạp trên cả nước, do đó để tăng sức cạnh tranh, CGV Buôn Ma Thuột còn thực hiện các suất chiếu sneakshow (suất chiếu sớm), so với ngày công chiếu một số bộ phim “bom tấn” đang nổi tiếng trên toàn thế giới, qua đó tăng sức cạnh tranh so với các rạp trên địa bàn”.

Ngoài CGV Buôn Ma Thuột thì tại TP. Buôn Ma Thuột vào cuối năm 2014, Công ty CP Truyền hình cáp NTH cũng đã khai trương Trung tâm giải trí công nghệ cao Starlight. Trung tâm Starlight được xem là có vị trí rất thuận lợi tọa lạc tại tầng 6, tòa nhà Vinatex, 78 đường Lý Thường Kiệt, nằm ngay giữa trung tâm TP. Buôn Ma Thuột, gồm 4 rạp phim, có thể phục vụ gần 500 lượt khán giả mỗi suất chiếu, với công suất 18 suất chiếu/ngày. Đặc biệt, dịch vụ xung quanh rạp của Starlight được xem là đa dạng nhất hiện nay như: quán cà phê, khu vui chơi... nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí trước khi vào rạp của khán giả. Anh Trần Đức Anh, Quản lý Trung tâm Starlight cho biết, nắm bắt được xu thế và nhằm đáp ứng được nhu cầu giải trí ngày càng cao của người dân ở khu vực Tây Nguyên, Công ty CP Truyền hình cáp NTH đã mạnh dạn đầu tư xây dựng một trung tâm giải trí phức hợp. Trung tâm Starlight có mục đích là nhắm đến giới trẻ, học sinh, sinh viên nên thường xuyên thực hiện các ưu đãi với giá vé đặc biệt dành cho các đối tượng này.

Khán giả đến xem phim tại rạp CGV Buôn Ma Thuột.
Khán giả đến xem phim tại rạp CGV Buôn Ma Thuột.

Sự xuất hiện của các hệ thống rạp chiếu phim tại TP. Buôn Ma Thuột đã làm cho sức cạnh tranh giữa các rạp truyền thống với những rạp mới thêm sôi động. Ông Phạm Xuân Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh cho biết, Trung tâm quản lý hai rạp chiếu phim là Hưng Đạo và Kim Đồng có sức chứa hơn 800 chỗ ngồi. Tuy nhiên, hiện tại cơ sở vật chất của hai rạp cũng đang xuống cấp, suất chiếu cũng ít hơn so với các rạp khác. Bên cạnh đó, các dịch vụ hỗ trợ cũng không có nên trong thời gian qua, lượng khách đến xem phim tại hai rạp đã giảm rõ rệt. Như trong dịp Tết 2014 lượng khách đến rạp vào khoảng 800 vé thì Tết 2015 vừa qua, lượng khách chỉ đạt gần 200; ngoài ra các suất chiếu vào những ngày cuối tuần cũng chỉ đạt từ 20 đến 30 vé. Và để thu hút khán giả đến với rạp, hiện nay giá vé tại các rạp Hưng Đạo và Kim Đồng chỉ vào khoảng 40.000 đồng/vé, thấp hơn so với giá bình quân của các hệ thống rạp khác; thế nhưng về lâu dài, để thu hút khán giả đến rạp, đặc biệt là giới trẻ với nhu cầu giải trí cao thì hệ thống rạp của Trung tâm rất cần được nâng cấp, đầu tư về hệ thống chiếu phim cũng như dịch vụ bổ trợ xung quanh.

 Hoàng Gia


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.