Multimedia Đọc Báo in

Du lịch Đắk Lắk: Đến bao giờ mới hết kiểu làm tự phát?

08:04, 31/10/2015

Đắk Lắk là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch như các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, không gian văn hóa truyền thống… Tuy nhiên, do vẫn chưa thoát khỏi kiểu làm ăn tự phát nên du lịch Đắk Lắk vẫn chưa tạo được bước đột phá để phát triển.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 14 điểm, khu du lịch, hầu hết đều do một số doanh nghiệp (DN) thuê lại mặt bằng để quản lý, khai thác và kinh doanh các loại hình dịch vụ du lịch. Các điểm du lịch chủ yếu là do DN tự bỏ vốn đầu tư, khai thác tự do nên khó tránh khỏi tình trạng trùng lặp, bắt chước lẫn nhau. Ở đâu có dịch vụ gì thu hút khách thì điểm khác cũng làm để kéo khách về. Tại các điểm du lịch Vườn quốc gia Yok Đôn (huyện Buôn Đôn), Hồ Lắk (Lắk), thác Đray Sáp (Krông Ana), thác Đray K’nao (M’Đrắk)… đâu cũng thấy hình ảnh quen thuộc, đơn điệu như: quầy bán hàng lưu niệm (bán các sản phẩm của người dân tộc thiểu số bản địa), quán cà phê, nhà hàng (thiết kế theo lối kiến trúc nhà sàn của người Êđê), và nhân viên phục vụ cũng mang trang phục truyền thống giống nhau...

Điểm du lịch tại buôn Jul (huyện Lắk) nhiều lúc vắng khách.
Điểm du lịch tại buôn Jul (huyện Lắk) nhiều lúc vắng khách.

Tại điểm du lịch Hồ Lắk có ít nhất 3 DN thuê mặt bằng quanh hồ để đầu tư kinh doanh du lịch. Ông Bùi Văn Đức, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) du lịch Buôn Jun (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) cho biết, trong khuôn viên quản lý du lịch của HTX cũng được đầu tư các nhà sàn cho khách lưu trú, điểm bán hàng lưu niệm, các xã viên mặc trang phục truyền thống để phục vụ khách… Du khách đến tham quan chủ yếu là cưỡi voi, đi thuyền độc mộc qua hồ Lắk, xem biểu diễn cồng chiêng và thưởng thức những món ăn đặc trưng của người dân tộc thiểu số bản địa. Những dịch vụ này gần như chẳng khác gì so với 2 điểm kinh doanh du lịch còn lại trên hồ Lắk và khá tương đồng với khu du lịch Buôn Đôn. Lượng khách du lịch đến tham quan hồ Lắk không nhiều và chỉ tập trung vào những tháng có ngày lễ, Tết. Khách ngoại tỉnh cũng ít lưu trú qua đêm ở đây vì các dịch vụ kinh doanh còn quá “nghèo nàn”.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty dịch vụ du lịch Vietravel Chi nhánh Đắk Lắk, những năm gần đây lượng khách đặt tour du lịch đến Đắk Lắk rất ít, nguyên nhân là do sản phẩm du lịch nơi đây vừa thiếu vừa yếu. Các điểm tham quan du lịch không được đầu tư đúng mức, thiếu những sản phẩm đặc trưng. Ngay cả những DN như Vietravel của ông Thắng cũng không biết giới thiệu du lịch Đắk Lắk có gì nổi bật để thu hút khách. Nếu nói về thác, suối, hồ, các sản phẩm văn hóa truyền thống của người Êđê, M’nông… thì 5 tỉnh Tây Nguyên đều có. Ông Thắng cho rằng, du lịch ở Đắk Lắk làm “không giống ai”, người bán hàng rong thì có mặt khắp nơi chèo kéo khách, ăn xin trong khuôn viên du lịch; nhà vệ sinh bố trí không hợp lý, rác thải vứt bừa bãi… Khách đến 1 lần thường không muốn quay trở lại.

Khu Di tích lịch sử - văn hóa thác Đray Sáp thượng (huyện Krông Ana) hoang tàn vì đóng cửa kinh doanh.
Khu Di tích lịch sử - văn hóa thác Đray Sáp thượng (huyện Krông Ana) hoang tàn vì đóng cửa kinh doanh.

Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Du lịch (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho biết, những năm gần đây đã có nhiều điểm du lịch trên địa bàn tỉnh bị đóng cửa do kinh doanh vắng khách, và hàng loạt những điểm du lịch khác hiện làm ăn cũng không mấy hiệu quả. Thực trạng của các khu du lịch sinh thái đang khiến những người làm công tác quản lý ngành Du lịch tỉnh phải đau đầu: Làm thế nào để du lịch Đắk Lắk phát triển đúng hướng? Theo bà Hiếu, mặc dù Luật Du lịch đã có hiệu lực thi hành từ năm 2006, nhưng trong Luật lại không có chế tài xử lý loại hình du lịch sinh thái. Ngay quy chuẩn thế nào là một khu du lịch sinh thái và phát triển du lịch sinh thái theo hướng nào… cũng không được Luật đề cập đến mà chỉ định nghĩa chung: Du lịch sinh thái là hình thức du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hóa địa phương với sự tham gia của cộng đồng, nhằm phát triển bền vững… Chính sự “chung chung” này đã “giúp” một số DN thoải mái xin cấp phép hoạt động trong lĩnh vực này và huy động tiền đầu tư phát triển theo ý tưởng của riêng mình, rất khó quản lý.

Bà Hiếu cho rằng về mặt quy hoạch ngành du lịch, đã đến lúc cần thiết phải đặt ra quy định: Vùng nào có thế mạnh gì thì phát triển thế mạnh đó để tránh sự trùng lặp sản phẩm; tăng cường kêu gọi đầu tư với quy mô dự án lớn được quy hoạch cụ thể đối với các điểm, khu du lịch trên địa bàn tỉnh; chú trọng việc đào tạo, nâng cao nghiệp vụ du lịch cho đội ngũ quản lý, nhân viên phục vụ tại các điểm du lịch... Làm được điều này, trước hết, tỉnh cần quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng như điện, đường, thông tin liên lạc đối với các khu, điểm tham quan du lịch; có chủ trương, biện pháp cụ thể đối với việc kết hợp du lịch sinh thái với giáo dục môi trường, bảo đảm an ninh, an toàn xã hội và lưu ý việc tận dụng các làng nghề truyền thống vào phát triển du lịch sinh thái...

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.