Phát triển du lịch sinh thái ở Vườn Quốc gia Chư Yang Sin: Vẫn còn đang bỏ ngỏ
Có hệ sinh thái đa dạng, là nơi tập trung đầu nguồn các sông, suối lớn nhỏ…, Vườn Quốc gia Chư Yang Sin có nhiều thế mạnh về phát triển du lịch sinh thái. Tuy nhiên, hoạt động khai thác du lịch ở đây vẫn gần như còn bỏ ngỏ…
Vườn Quốc gia Chư Yang Sin được thành lập vào tháng 7 năm 2002, có diện tích tự nhiên trên 59.000 ha, nằm trên địa bàn 2 huyện Lắk và Krông Bông. Với 9 kiểu rừng hình thành trên nền khí hậu nhiệt đới gió mùa đã tạo cho Vườn có hệ sinh thái khá đa dạng, bước đầu đã xác định có 951 loài thực vật, trong đó, một số loài đặc trưng cần bảo tồn như pơ mu, thông đỏ, kim giao núi đất, đỗ quyên, lan kim tuyến… Hệ động vật với 762 loài, trong đó còn nhiều loài đặc hữu quý hiếm ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới: bò tót, chà vá chân đen, báo hoa mai, gấu ngựa, báo gấm… Bên cạnh đó, Vườn còn nằm trong vùng chim đặc hữu cao nguyên Đà Lạt với 220 loài, trong đó có 16 loài trong sách đỏ Việt Nam, 9 loài trong sách đỏ thế giới, 4 loài đặc hữu của Việt Nam, 7 loài đặc hữu hẹp, 2 loài đang bị đe dọa toàn cầu ở mức nguy cấp là khướu đầu đen má xám và họa mi Núi Bà. Địa hình núi cao, chia cắt mạnh và được rừng che phủ từ độ cao 600-2.442 m đã tạo cho Vườn quốc gia này nhiều phong cảnh ngoạn mục với 50 dãy núi cao, thấp khác nhau, nhiều sườn dốc, thảm rừng mênh mông cùng đa dạng hệ thống sông suối, thác ghềnh đan xen. Bên cạnh cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hệ sinh thái động, thực vật đa dạng, nơi đây còn là vùng đất giàu bản sắc của cộng đồng 25 dân tộc anh em sinh sống, tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu. Với nhiều tiềm năng như vậy, Vườn có thể khai thác các loại hình du lịch như tham quan nghiên cứu, trekking chinh phục đỉnh cao nhất 2.442m, tham quan rừng bằng xe đạp địa hình, leo núi cắm trại, du thuyền độc mộc trên sông Krông Nô và Krông Bông, tham quan rừng và quan sát động vật hoang dã, du lịch văn hóa – cộng đồng…
Du khách trong chuyến leo núi lên đỉnh 2.442 m của Vườn Quốc gia Chư Yang Sin. |
Để từng bước khai thác loại hình kinh doanh du lịch này, mới đây Vườn đã giới thiệu các tuyến du lịch tham quan dã ngoại nhằm thu hút, kêu gọi hợp tác đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tuyến thứ nhất là từ trung tâm TP. Buôn Ma Thuột - thác Krông Kmar - hồ thủy điện Krông Kmar - suối ngã ba Hương Lời với nhiều bãi đá bằng phẳng, nhiều suối nước trong rất thích hợp cho thư giãn, ngắm cảnh, dã ngoại cuối tuần. Tuyến thứ 2 là Buôn Ma Thuột – thác Krông Kmar – Hương Lời - đỉnh Chư Yang Sin 2.442 m (3 ngày, 2 đêm), du khách có thể ngắm vẻ đẹp của núi non trùng điệp cùng với sông suối, thác nước đẹp và chinh phục đỉnh núi cao nhất… Bên cạnh đó, có thể khai thác các tuyến du lịch kết nối với Vườn Quốc gia Biduop Núi Bà (Lâm Đồng) bằng các tuor như: Krông Kmar – Chư Pan Phan – suối Đắk Cao – Biduop núi bà (5 ngày). Tuyến này du khách có thể quan sát cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ với quần thể pơ mu ngàn năm tuổi, hệ thống sông suối Đắk Kao – sông Krông Nô; Tuyến Yang Mao - Đông Trường Sơn – Biduop Núi Bà (5 ngày), có thể quan sát quần thể bò tót, xem thú về đêm ở các khu rừng thông, cắm trại nghỉ dưỡng, tắm suối Đắk Gui… Với nhiều tuyến, điểm hấp dẫn như vậy nhưng để đưa vào khai thác vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. Trong chuyến tham quan, giới thiệu về tuyến, điểm du lịch do Vườn Quốc gia Chư Yang Sin tổ chức vào giữa tháng 9-2015, các doanh nghiệp du lịch – lữ hành như Sài Gòn Tuorist, Viettravel… đều trầm trồ và thích thú trước núi non hùng vĩ, suối nước nên thơ nơi đây nhưng khi trao đổi về vấn đề đầu tư du lịch, thì dường như ai cũng quan ngại bởi nhu cầu vốn khá lớn, hơn nữa đây là Vườn Quốc gia nên yêu cầu bảo tồn cao, không cho phép cải tạo, tác động... và bị ràng buộc nhiều cơ chế. Bên cạnh đó, ngay như đội ngũ quản lý và phát triển du lịch của Vườn đang trong quá trình xây dựng nên thiếu về số lượng và hạn chế về kinh nghiệm. Ngoài ra, chưa có chương trình lớn nào quảng bá tiềm năng và phát triển sản phẩm du lịch của Vườn, chưa liên kết được với các công ty du lịch lớn mang khách trong vùng, quốc gia và quốc tế đến tham quan…
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc