Qua đèo Mã Phục
Đèo Mã Phục dài 3,5 km, cao khoảng 700 m so với mực nước biển. Đèo quanh co, uốn lượn theo triền núi đá vôi. Từ chân đèo lên đến đỉnh đèo tính ra có đến 7 tầng dốc gấp khúc. Một bên đèo là vách núi cao chót vót, một bên là vực sâu với những khe núi hẹp. Đèo Mã Phục là con đường độc đạo, là cửa ngõ đi các huyện phía đông của tỉnh Cao Bằng. Truyền thuyết kể rằng, vào thế kỷ thứ 11, thủ lĩnh của vùng đất Cao Bằng là Nùng Trí Cao đã lãnh đạo nhân dân đánh dẹp quân Tống xâm lược, bảo vệ biên cương Tổ quốc. Trong một lần đi đánh trận trở về, vượt qua bao núi đồi, người và ngựa đều đã rã rời, mệt mỏi. Khi đi ngang qua một thung lũng, Nùng Trí Cao thấy ở phía xa có các nàng tiên đang vẫy gọi, mời chàng vào nghỉ ngơi. Tuy vậy, chàng không dừng chân mà vẫn cố thúc ngựa đi. Đến khi gặp đèo cao quanh co, dốc đá dựng đứng, con chiến mã của Nùng Trí Cao không đủ sức để đi tiếp nữa. Ngựa khuỵu xuống, phủ phục ngay dưới chân đèo. Vì thế đèo mới có tên là Mã Phục (ngựa nằm, quỳ); còn thung lũng gần đó, nơi có các nàng tiên vẫy gọi Nùng Trí Cao, gọi là Lũng Riệc (tiếng Tày riệc có nghĩa là vẫy gọi). Dưới chân đèo có một thung lũng khác có tên là Lũng Rặp (tiếng Tày rặp có nghĩa là đón tiếp), tương truyền là nơi bà con dân bản đón tiếp người anh hùng thắng trận trở về.
Làng bản dưới chân đèo Mã Phục đẹp như một bức tranh. |
Qua đèo Mã Phục, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những cảnh đẹp vừa hùng vĩ vừa nên thơ mà bình dị của một vùng biên ải. Thung lũng dưới chân đèo trải rộng với những nương đậu, rẫy bắp tươi tốt. Những bản nhỏ bên đường có hàng rào đá bao quanh vững chãi và đẹp mắt. Lên đến đỉnh đèo, cả một vùng nước non hùng vĩ thu vào trong tầm mắt. Núi tiếp núi nhấp nhô, trùng trùng, điệp điệp. Những thửa ruộng bậc thang xanh tốt nhuộm vàng trong nắng chiều. Cảnh sắc vừa thơ mộng, bình yên vừa hùng vĩ khiến du khách không nỡ rời chân…
Hoàng Minh Sơn
Ý kiến bạn đọc