Cùng đi lễ hội nghe em!
“Tháng ba mùa con voi xuống sông hút nước” ở Tây Nguyên nên lễ hội diễn ra nơi nơi, người xuôi, kẻ ngược, ai cũng háo hức. Năm nào tháng giêng hai chúng tôi cũng sắm nắm xe pháo ríu rít rủ nhau đi hội.
Có năm Hội Văn nghệ Đắk Lắk đưa các vị lão làng đi tận Lũng Cú ngắm sương giăng lưới nhện trên cành mận trắng đào hồng. Năm trước khai hạ nghe binh bong tiếng chiêng và câu xường làng Mường Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột). Năm sau đến Hội Lồng tồng và hội Xuân các dân tộc Việt bắc uống rượu men lá. Năm nay từ Phú Yên với hội làng Xí Thoại về, lại dự Lễ hội Hảng Pồ ở Ea Siên (TX. Buôn Hồ) để biết tập tục tặng quà cho lân lấy may. Rồi tiếp liền đến những ngày hội Văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số TP. Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Trong tháng 3 còn có Ngày hội văn hóa 5 tỉnh Tây Nguyên ở Kon Tum, rồi Lễ hội Buôn Đôn. Ôi chao là lễ hội!
Nhóm thổi đinh tút của phụ nữ Êđê biểu diễn tại Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số TP. Buôn Ma Thuột. |
Đi lễ hội, đến với văn hóa dân gian truyền thống của bất cứ một tộc người nào, mỗi lần bắt gặp sẽ lại “nhặt” được ra những điều thú vị đến ngỡ ngàng. Đây này: Rượu men lá của người Tày ở Ea Tam (Krông Năng), thứ rượu chỉ 25 độ, làm từ men gồm 19 loại nguyên liệu, uống vào vừa đủ lâng lâng cả tâm trí lẫn bước chân mà khách không say. Định cư ở Đắk Lắk hàng chục năm, bà con vẫn gửi lấy lá, củ rừng từ quê cũ và quê mới nấu rượu. Tiếp nữa, người Mường gọi là chiêng, bộ sáu chiếc có núm, chứ chưa bao giờ và ở đâu gọi là cồng. Dẫu có xa ngái mấy, nghe tiếng chiêng là phải nôn nao tìm về. Hội đông vui là thế, mỗi năm lần lượt thay nhau, một hộ gia đình được vinh dự làm cỗ cúng. Ở hội khai hạ Mường năm kia, mới biết thêm rằng người Êđê dời rẫy khi cây ớt đã hết vị cay. Đất cũ ấy đã sẻ chia cho người Mường, người Nùng chuyển cư đến hàng mấy chục năm về trước. Thêm nữa: Hảng Pồ, tiếng Nùng có nghĩa là hội trên đồi, nơi có vị trí cao. Nhưng nội dung lễ hội không chỉ là tạ ơn trời đất, cầu an, cầu mùa màng tươi tốt, mừng năm mới, mà còn dành cho những cặp đôi yêu nhau không được sống chung được một lần tỏ bày nỗi niềm, nhất là cho lớp trẻ tìm nhau để tiếp tục nên đôi.
Ngày hội Văn hóa các dân tộc thiểu số TP. Buôn Ma Thuột lại khác. Năm nay không còn cụm từ “các buôn đồng bào dân tộc”, mà là “đồng bào các dân tộc” nên mới có sự hiện diện xinh tươi của các em gái Mường trong bộ váy áo mà cô gái Bùi Thị Phương Thanh dự thi nam nữ thanh lịch kể rằng “chiếc mũ thể hiện sự trong trắng của phụ nữ Mường” và cả “lai lịch” chiếc khăn piêu lẫn sự phân biệt đâu là Thái đen, đâu Thái trắng qua trang phục, để các bạn Êđê cũng hiểu. Bài dân ca “Đập bòng bông” Mường với điệu múa xòe Thái nổi tiếng, cất lên sau làn điệu arei, chi riria cùng điệu múa chim Grứ Êđê... có khàn khàn hay vụng về lỡ nhịp đôi chút, nhất là dàn đing tút của những người mẹ lâu lắm mới thấy góp lời, luôn nhận được những tràng pháo tay rầm rộ cổ vũ. Rất thú vị khi lần đầu tiên trong lịch sử 9 mùa lễ hội có sự hiện diện của chàng trai Y Dhông Buôn Yă bên chiếc khung dệt “thấy bà với mẹ làm hoài những hoa văn rất đẹp, em thích lắm nên ráng học. Vừa để giữ gìn, vừa muốn tự mình làm được những hoa văn đó”. Trên những khung dệt ấy, có những loại hoa văn con kỳ đà, hai con chuột cắn nhau… đã vắng bóng từ lâu nay hiện diện dưới bàn tay tài hoa của các mẹ, các chị. Và thích nhất là những bữa trưa có hàng chục món ăn đặc trưng ẩm thực dân tộc được các mẹ, các chị khoe tài với kiến vàng chua, hoa bí ngọt, cà đắng, thịt khô nướng thơm phức; cá, gà nấu trong ống nứa, bọc lá chuối um trong than lửa...
Nhất là rượu cần, rượu đắng dành cho đàn ông, rượu ngọt dành cho phụ nữ, rượu nếp cái hoa vàng của người Thái, người Mường và phụ nữ Tày... Thật thú vị khi thấy một bà lão tóc bạc phơ tựa vào cây gậy chống ngồi say sưa xem biểu diễn. Dù là cụm Ea Nao hay Ea Kao, không thiếu cả nhà cùng đưa nhau dự hội. Vui nữa là nghe một lãnh đạo TP. Buôn Ma Thuột thiết tha mong các nghệ nhân cao tuổi hãy truyền nghề cho lớp trẻ không chỉ đánh ching, mà còn biết làm và trình diễn nhạc cụ; dặn các bạn thanh niên học để hát được nhiều dân ca hơn, hay hỏi ý kiến người dân các gia đình có thể có mỗi người một bộ trang phục truyền thống không.
Có gì chưa vui không? Ở Lễ hội dân gian Việt Bắc (Krông Năng), chỉ thấy bóng váy Mông lượn qua các gian hàng ngó bạn Tày đua tài. Còn hội Hảng Pồ, giá có thêm sự góp tiếng của dàn ching và đội múa Sê Đăng hay câu hát Dao cùng ngụ tại Ea Siên, thì còn hay hơn biết mấy. Buồn nữa là ở Ngày hội Văn hóa các dân tộc thiểu số TP. Buôn Ma Thuột nhiều buôn phải đưa đến các nghệ nhân cao niên đã cả chín lần tham gia ngày hội vì các đội ching trẻ năm nay ít hơn và thanh niên các buôn, chỉ thấy khoe giọng bằng nhạc mới là nhiều, dân ca hầu như chỉ do các cụ, các mẹ hát.
Dù có phôi pha đi ít nhiều, nhưng những cuộc liên hoan thế này vẫn rất cần thiết bởi đây là một trong những dịp để ching chêng và dân ca lên tiếng, để trang phục truyền thống các dân tộc trình diễn, khoe sắc.
Vậy nên năm sau mình vẫn đi lễ hội nghe em!
Linh Nga Niê Kđăm
Ý kiến bạn đọc