Kỳ thú lặn biển
Có khá nhiều điểm lặn ngắm san hô trong vịnh Nha Trang, nhưng chúng tôi quyết định chọn điểm xa bờ nhất, đó là Hòn Mun. Theo giới thiệu của những doanh nghiệp làm dịch vụ lặn biển thì đây là khu có hệ sinh thái biển giàu đẹp bậc nhất Đông Nam Á, cũng theo lời họ thì du khách không cần biết bơi vẫn có thể lặn biển với sự kèm cặp, hướng dẫn trực tiếp theo kiểu “một kèm một” của những huấn luyện viên lặn biển giàu kinh nghiệm đã được cấp chứng chỉ. Chọn phương tiện từ bờ ra điểm lặn một cách nhanh nhất là ca nô cao tốc, chúng tôi đã có một trải nghiệm thật tuyệt vời khi lướt với nắng gió, với sóng nước, và hơn cả, là với thế giới cổ tích - hệ sinh thái biển. Thú thực, khi chuyển từ chiếc ca nô cao tốc sang chiếc tàu neo đậu dập dềnh giữa lao xao sóng nước bên vách đá hiểm trở của đảo Hòn Mun, cũng là điểm tập kết chuẩn bị cho việc lặn biển chúng tôi không khỏi có chút ngại ngần: giữa bao la sóng nước, mỗi người trở nên nhỏ bé, mong manh làm sao, biển cả mênh mông thế kia, nước xanh thăm thẳm thế kia… Nhưng sự nhiệt tình của đội ngũ hướng dẫn viên lặn biển với cung cách phục vụ chuyên nghiệp đã nhanh chóng xua tan những nỗi lo mơ hồ ấy. Sau khi được trang bị một bộ đồ lặn phù hợp vóc dáng, mỗi người được một huấn luyện viên kèm cặp ngay trên mặt nước, cùng với việc choàng lên người một lô “khí tài”: thắt chặt đai buộc chì nặng trịch quanh vòng hông, đeo bình ô xy trên lưng, ngậm ống tập thở bằng miệng, đeo kính lặn chuyên dụng là hướng dẫn cách làm quen với áp lực nước, cách giao tiếp dưới lòng biển thông qua ký hiệu bằng tay…
Thiết bị hỗ trợ kèm huấn luyện viên giúp cho chuyến lặn biển an toàn. |
Nghe thì có vẻ dài dòng nhưng thực chất thời gian huấn luyện chỉ khoảng vài phút, khi du khách tạm nắm rõ một số kỹ năng sơ đẳng như vậy là đã có thể buông tay khỏi dây neo, hoàn toàn thả lỏng trên mặt biển để cùng huấn luyện viên bắt đầu chuyến tham quan đáy biển. Tuyệt vời là hệ sinh thái biển Hòn Mun, mà tuyệt nhất là những rạn san hô, chỉ sâu xuống khỏi mặt nước vài ba mét đã gặp bạt ngàn vườn hoa rực rỡ đung đưa trong nước, mà mỗi nhánh san hô, thủy tảo như là một bông hoa, sóng nước mơn man là làn gió. Đúng như lời giới thiệu, ở nơi càng xa bờ, san hô càng đẹp; xuống càng sâu, hệ sinh thái biển càng phong phú, kỳ vĩ. Với sự hỗ trợ của thiết bị lặn và sự hướng dẫn của huấn luyện viên, chúng tôi có thể nhẹ nhàng rẽ nước, tăng giảm độ sâu theo địa thế rạn san hô. Dù đang ngậm chặt ống thở, mọi người vẫn không khỏi thầm reo trước khung cảnh thần tiên đang được chiêm ngưỡng, cố thu vào tầm mắt những hình ảnh vừa được lướt qua. Từng lớp, từng lớp san hô ôm bảy sắc cầu vồng lung linh thắp sáng làn nước trong xanh, trải rộng theo địa hình đáy biển, chỗ lô xô như rừng cây, chỗ cheo leo trên sườn đồi, hoặc cao vút trên đỉnh núi, lúc xoãi dọc xuống thung lũng, lúc lại uốn theo miệng hang động thành những mảng sáng tối đan xen kỳ bí. Mỗi nhánh, mỗi cụm san hô như những bông hoa đá đủ hình thù kỳ thú, có cụm hàng chục nhánh như hàng chục cánh hoa đủ màu sáng lấp lánh, được trang điểm bởi những cọng cỏ biển xanh mướt mềm mại đu đưa trong nước. Tô điểm cho những cánh đồng, cánh rừng hoa đá lung linh là từng đàn cá tung tăng uốn lượn “biểu diễn thời trang” với những bộ cánh là sự phối màu tuyệt tác của tạo hóa: huyết dụ pha lam thẫm, trắng ngà chen khoanh vàng, vàng chanh xen tím biếc… Đặc biệt, chúng không hề bận tâm trước sự xâm nhập của những sinh vật lạ - là con người - vào vương quốc của mình mà cứ cùng nhởn nhơ bơi lội, chỉ khẽ uốn lượn khi có người đưa tay định chạm vào.
Lạc vào thế giới hoa đá kỳ ảo trong lòng biển, tất nhiên ai cũng muốn kéo dài thời gian tận mắt chiêm ngưỡng, tận tay nâng niu những bông hoa, nô đùa với những chú cá đỏm dáng dạn dĩ, thậm chí hái bắt đem về làm kỷ niệm. Nhưng đó chỉ là ước mơ đẹp thôi. Những người làm du lịch, cụ thể là những huấn luyện viên ấy, họ “khôn” lắm, họ rất biết ngưỡng an toàn cho cả du khách và hệ sinh thái biển để canh độ sâu, thời gian phù hợp sao cho du khách vẫn được len lỏi trong thế giới san hô mà không bị ảnh hưởng của áp lực nước, không bị san hô cứa đứt da thịt. Những rặng san hô nhìn lung linh vậy chứ nhiều loài rất sắc, nên chỉ khi gặp loài san hô phù hợp, người hướng dẫn mới để du khách chạm tay vào một tý để cảm nhận sự mềm mại của loài hoa đá kỳ diệu ấy, còn lại đều giữ khoảng cách nhất định. Hơn nữa, san hô là loài sinh vật biển rất dễ bị tổn thương và phát triển chậm, có những loài một năm chỉ dài ra chừng 1 cm. Thiên nhiên phải mất hàng trăm hàng nghìn năm mới tạo thành công viên san hô kỳ diệu hôm nay, nhưng chỉ cần tác động không mong muốn của con người là chúng sẽ bị phá hủy. Vì vậy, bảo đảm an toàn cho cả du khách và san hô là điều mà những người làm du lịch ở đây luôn mong muốn. Nhờ vậy, chúng tôi đã có một chuyến thám hiểm an toàn và thú vị. Lên khỏi mặt biển, rời tàu về bến rồi mà mọi người vẫn còn lâng lâng sảng khoái xen lẫn ngẩn ngơ tiếc nuối …
Hoa Hồng
Ý kiến bạn đọc