Buôn làng đã khác...
Cơn lốc đô thị hóa ở Buôn Ma Thuột đã nhanh chóng đẩy các buôn làng của người dân tộc thiểu số tại chỗ lùi xa, hoặc “biến dạng” đáng kinh ngạc. Nhiều người ở thành phố này cho rằng, chỉ cần không đến đó (buôn, làng) trong thời gian ngắn sẽ không nhận ra gương mặt vốn rất đặc sắc của nó nữa…
Nhận xét trên quả không sai, buôn Ea Nao (xã Ea Tu-TP. Buôn Ma Thuột) là một dẫn chứng cho điều đó. Buôn này cách trung tâm thành phố 6-7 km về hướng đông - bắc. Vốn dĩ buôn rất đẹp và thanh bình nhờ những khu vườn cây trái, hồ nước, dòng suối tự nhiên đan xen. Trong không gian rộng rãi, thoáng đãng ấy là những ngôi nhà dài truyền thống của người Êđê thấp thoáng, hài hòa. AMí Hin sinh sống ở đây từ rất lâu còn nhớ trước đây (khoảng 10-15 năm thôi), những ngôi nhà dài vẫn còn khá nhiều và được bà con giữ gìn hầu như nguyên vẹn. Xung quanh nhà nào cũng có cây cối tươi tốt quanh năm, nên ai vào thăm chơi cũng bảo buôn này thật đẹp, thật nguyên sơ. Vậy mà bây giờ, nhà xây bê tông, cốt thép đủ kiểu mọc lên san sát trên những khu vườn bị “băm nhỏ” và không còn những khoảng xanh mênh mông như trước, làm nhiều người lầm tưởng đó là những dãy phố hiện đại chẳng khác gì ở trung tâm Buôn Ma Thuột.
Còn Buôn Jù (xã Hòa Thuận) cũng không lấy gì làm lạc quan lắm trong việc gìn giữ, bảo tồn buôn làng truyền thống của cha ông. Bởi theo ông Y Ngoan Niê, trước đây quỹ đất của buôn dồi dào, nhà nào cũng có vườn cà phê để canh tác dưới sự hỗ trợ, giúp đỡ của Công ty cà phê Buôn Ma Thuột. Nay công ty không còn, việc nương rẫy có phần chểnh mảng. Nhiều người nghĩ ra việc này, dịch vụ nọ để kiếm sống… thế là người ta tự ăn vào đất đai như “ăn vào da thịt” của mình vậy! Nhà sàn được hạ xuống để xây nhà như người Kinh, tiện cho việc buôn bán, mở dịch vụ các thứ… Còn vườn rẫy được “chia năm xẻ bảy” cho con cháu và anh em dòng họ để mở trang trại nuôi heo, gà… thành ra mạch sống và sinh hoạt trong buôn đã khác trước rất nhiều. Và cũng chính sự “lạc điệu” này là nơi bắt đầu cho sự biến dạng theo hướng thiếu tích cực trong buôn làng hiện nay- ông Y Ngoan lưu ý.
Dù làm bằng vật liệu mới, nhưng những ngôi nhà dài truyền thống ở buôn Akô D’hông (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn được bà con giữ gìn, tạo không gian văn hóa cho buôn làng. |
Tình trạng này cũng đã và đang diễn ra đáng báo động ở trung tâm TP. Buôn Ma Thuột, nơi có hàng chục buôn làng truyền thống của người Êđê sinh sống lâu đời. Đến giờ điểm lại còn bao nhiêu “cơ thể” lành lặn, khỏe khoắn thì hẳn chỉ đếm được số lượng chưa bằng đầu ngón tay! Theo quan sát chung, chỉ trong vòng 10 -15 năm qua, trên địa bàn Buôn Ma Thuột đã có gần chục buôn làng với những ngôi nhà truyền thống hoặc đã biến mất, hoặc đã mất khả năng tồn tại đúng nghĩa, như các buôn: Kô Siêr, Kô Tam, Păn Lăm, Dhă Prong, Alê A, Alê B, Ea Nao… chỉ còn lại là cái tên trong ký ức của nhiều người. Bởi bất kỳ ai vào thăm các buôn này đều nhận thấy không gian truyền thống xưa bị phá vỡ ngày càng nặng nề hơn. Vườn tược, cây cối và đặc biệt là những ngôi nhà dài truyền thống gắn bó mật thiết với bến nước, rừng đầu nguồn… tiếp tục bị triệt hạ không thương tiếc để nhường chỗ cho không biết bao nhiêu nhu cầu hiện đại nảy sinh, khiến không gian buôn làng trở nên bức bối.
Còn nhớ, tại Hội thảo tổng kết 10 năm Di sản Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên do Bộ VH-TT-DL chủ trì vừa mới tổ chức tại TP. Kon Tum vào trung tuần tháng 3-2016, nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Nguyễn Quang Tuệ (Bảo tàng Gia Lai) cũng như nhiều ý kiến tham luận khác của nhà khoa học, quản lý trên địa bàn cho rằng: Những tác động mạnh mẽ và dữ dội từ đời sống hiện đại vào không gian truyền thống buôn làng đã khiến nó bị tổn thương nghiêm trọng. Dấu ấn và “cung đường” gây ra sự tổn thương ấy - đầu tiên là từ những nơi có đời sống văn minh hiện diện, sau đó chạm dần đến các vùng xa xôi, hẻo lánh như một “mầm bệnh” có sức lây lan, công phá ghê gớm mà buôn làng truyền thống - được xem như một “cơ thể” sống trong bối cảnh đương đại đã không còn khả năng đề kháng.
Đến nay, vẫn chưa có con số thống kê chính thức nào cho biết Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung có bao nhiêu buôn làng bị biến dạng hoặc biến mất do những tác động tiêu cực trên. Tuy nhiên, thực trạng này đang và vẫn diễn ra đáng báo động trên cả phương diện nhận thức lẫn quy hoạch, tổ chức của người dân và chính quyền sở tại trong quá trình thực hiện các mục tiêu xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội ở từng địa phương.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc