Multimedia Đọc Báo in

San Sả Hồ mùa măng xuống núi

10:41, 25/09/2016

Vào thời điểm đầu tháng 9, tiết trời mùa thu mát mẻ, loài măng trúc ở vùng núi San Sả Hồ (Sa Pa, Lào Cai) bắt đầu nở rộ. Mùa này, người Mông, người Giáy, người Dao lên núi cao hái măng và mang xuống bày bán tại chợ phiên.

Đến Sa Pa, dọc đường vào điểm du lịch Thác Bạc, du khách sẽ mua được những bó măng trúc tươi ngon do người dân địa phương bày bán ở hai bên đường và ở chợ phiên.

Được thiên nhiên ưu đãi, tiết trời quanh năm mát mẻ nên loài măng trúc ở San Sả Hồ mọc nhiều và quanh năm xanh tốt. Trên núi cao, đặc biệt là những nơi có suối chảy, ẩm ướt, măng trúc mọc thành từng vạt rừng. Cây măng trúc thon nhỏ, ngọn dài. Khi măng mọc vươn lên khỏi mặt đất, người dân mới đeo gùi lên núi hái măng. Ngọn măng trúc ở San Sả Hồ khá hấp dẫn. Màu sắc bên ngoài nâu tím, bóc bỏ vỏ bên trong là màu xanh tươi và màu trắng nõn. Măng Trúc San Sả Hồ ngọn nhỏ, dài, ăn ngọt.

Măng trúc được bày bán ở chợ phiên.
Người dân đi lấy măng trúc

Mùa măng trúc ở San Sả Hồ thật đông vui tấp nập. Chiều chiều, dưới ánh nắng vàng của mùa thu chênh chếch bên sườn núi, những cô sơn nữ đeo gùi sau lưng lên núi hái măng. Khi gùi đầy măng, họ xuống núi, bó măng và bán luôn cho du khách tại phiên chợ nhỏ dưới chân Thác Bạc. Nhìn những bó măng trúc tươi non, bạn sẽ cảm nhận được sự tươi mới, dạt dào sức sống của núi rừng và cuộc sống nơi đây. Măng trúc là một thức quà vùng cao rất được du khách mọi miền ưa chuộng.

Mùa măng trúc xuống núi, Sa Pa có thêm một dư vị đậm đà đầu thu. Măng trúc xào, luộc, nấu canh hay nướng trên than củi đều trở thành những món ăn hấp dẫn lòng người. Thưởng thức măng trúc San Sả Hồ như lắng nghe được thanh âm trong trẻo của núi rừng, cảm nhận được dư vị hoang hoải nơi miền Tây Bắc xa xôi.

Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.