Du lịch miền Trung – Tây Nguyên hướng tới đẳng cấp, thương hiệu
Trong khuôn khổ Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI – 2017 diễn ra từ ngày 9 đến ngày 14-6 tại TP. Tam Kỳ, Hội An và một số địa phương khác trên địa bàn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đã phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức “Diễn đàn Du lịch miền Trung – Tây Nguyên hướng tới đẳng cấp, thương hiệu” nhằm biến “ngành công nghiệp không khói” ở khu vực này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030 với lộ trình và tốc độ phát triển đồng bộ, bền vững hơn.
Diễn đàn đã thu hút nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết từ các nhà quản lý, khoa học, doanh nghiệp từ Trung ương và nhiều địa phương miền Trung – Tây Nguyên. Trong đó vấn đề hợp tác và liên kết vùng trong việc hoạch định chính sách phát triển du lịch được nhiều người đặc biệt quan tâm. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, thời gian qua, một số tỉnh, thành trong khu vực đã tạo được sự hợp tác, liên kết để phát triển ngành kinh tế quan trọng này. Có thể kể đến như Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế ký kết với nhau chủ đề “Ba địa phương - một điểm đến”; hoặc như Đắk Lắk – Phú Yên – Gia Lai – Lâm Đồng – Quảng Nam với mô hình “Lên rừng xuống biển”, “Con đường xanh Tây Nguyên” hay “Hành trình Di sản miền Trung – Tây Nguyên”… đã từng bước tạo ấn tượng cho du khách bằng chuỗi sản phẩm mang đậm dấu ấn liên kết, phát triển trên toàn vùng. Ngoài ra, những địa phương trên còn mở rộng liên kết ra các tỉnh, thành khác trong cả nước, kể cả những đô thị lớn đóng vai trò trung tâm như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng nhằm từng bước định vị thương hiệu của mình trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Đại diện lãnh đạo Tổng Cục Du lịch, UBND tỉnh Quảng Nam và các cơ quan Trung ương tham gia diễn đàn. |
Có thể nói hiệu quả đạt được từ sự hợp tác, liên kết ấy là không thể phủ nhận, tuy nhiên ở cấp độ rộng lớn hơn, đòi hỏi sự tham gia của nhiều cấp, ngành thì du lịch miền Trung – Tây Nguyên vẫn còn tình trạng “mạnh ai nấy làm”, nhất là trong chiến lược phát triển, xây dựng sản phẩm cũng như quy hoạch liên kết vùng. Do đó, nói như ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng là cần phải có vai trò “nhạc trưởng” của cơ quan Trung ương tham gia nhằm xâu chuỗi mọi hoạt động chung, cũng như xây dựng chương trình phối hợp giữa các địa phương một cách thống nhất và đồng bộ. Qua đó, xem địa phương nào có “cái gì” và phải liên kết ra sao theo hướng lợi thế so sánh để tránh sự sao chép và trùng lặp. Bên cạnh đó, vai trò của doanh nghiệp cũng rất quan trọng, vì thế Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Bởi doanh nghiệp trực tiếp đứng ra xây dựng, khai thác sản phẩm, nhưng vai trò của họ hiện rất mờ nhạt, thiếu tiềm lực để tạo sức bật cho cả vùng. Một số đơn vị làm du lịch miền Trung – Tây Nguyên nhìn nhận vẫn còn quá ít thương hiệu mạnh để nâng cao năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp cùng ngành nghề ở hai đầu đất nước và quốc tế.
Còn dưới góc nhìn của ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Nam thì miền Trung – Tây Nguyên là nơi có tiềm năng du lịch rất lớn và nổi trội, lâu nay có phát triển nhưng chưa đồng đều. Ngoài Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng phát triển tương đối thì một số nơi như Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An và các tỉnh Tây Nguyên… mới có bước khởi động theo hướng đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm tại mỗi điểm đến là chính, chứ chưa thể định danh được đẳng cấp, thương hiệu thật sự.
Theo TS. Trần Du Lịch – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP. Hồ Chí Minh và PGS - TS. Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương thì hạn chế của du lịch miền Trung – Tây Nguyên hiện nay, ngoài sản phẩm, nguồn nhân lực còn là vấn đề về hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống giao thông như đường sá, cảng biển, sân bay… vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu liên kết và đồng bộ nên mục tiêu hướng tới đẳng cấp, thương hiệu khó trở thành hiện thực. Các tỉnh, thành phố trong khu vực cần phải tính toán và quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề trên nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội nói chung và du lịch nói riêng. Theo đó phải làm tốt công tác truyền thông một cách chuyên nghiệp, sâu rộng hơn để thu hút mọi nguồn lực đầu tư vào đây, từ đó tạo “cú hích” cho vùng du lịch giàu tiềm năng này phát triển đúng lộ trình và mục tiêu đặt ra.
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, giai đoạn 2011 – 2015, vùng Tây Nguyên đón hơn 1,9 triệu khách quốc tế và hơn 25 triệu khách nội địa. Tốc độ tăng trưởng ngành du lịch đạt xấp xỉ 30%. So với cả nước, tổng thu du lịch vùng Tây Nguyên chỉ chiếm 4,3%. Khó khăn và hạn chế lớn nhất khiến du lịch khu vực này phát triển chưa tương xứng với tiềm năng là hạ tầng giao thông, tính kết nối, nguồn nhân lực, công tác xúc tiến, quảng bá còn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức và đồng bộ. |
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc