Lễ cúng tổ nghề thuốc nam của người Vân Kiều
Người Vân Kiều có nhiều loại dược thảo quý dùng để làm thuốc như lá cây a-năng dùng làm thuốc tránh thai, củ me chữa bệnh hiếm muộn, các bộ phận của loài cây rỗ dùng chữa bệnh dạ dày hoặc lá cây khôi trị bệnh đại tràng…
Những loài thảo dược mà người Vân Kiều tinh tuyển rồi đúc kết thành bài thuốc dân gian để chữa bệnh đều được lấy từ núi rừng mà theo họ là của Giàng cai quản. Bởi thế, gốc rễ sâu xa lễ cúng tổ nghề thuốc nam của người Vân Kiều trước hết là để tạ ơn Giàng, vị thần không chỉ nắm trong tay mùa màng no đủ mà còn ban phát những cây thuốc quý chữa bệnh cho con người.
Lễ cúng tổ nghề thuốc nam được thầy lang Vân Kiều tổ chức 3 năm một lần vào những thời điểm mà dân bản rảnh rang nhất trong năm sau khi ruộng nương đã được chăm bón hay lúc vụ mùa đã gặt hái xong. Vị thầy thuốc vừa biết bắt bệnh vừa bốc được thuốc đông y thường rất hiếm. Ngày thường, ở các bản làng xa gần của người Vân Kiều, nếu được mời mọc thì vị này đều sẵn lòng băng rừng vượt suốt để đến với người ốm. Vậy nên, đến kỳ cúng tổ nghề, người bệnh đã lành, thân nhân bệnh nhân và cả dân bản khắp vùng đều tề tập về nhà vị thầy lang của mình để dự lễ.
Thầy lang Hồ Văn Nhoa ở bản Khe Ngang, xã Trường Xuân (Quảng Ninh, Quảng Bình) trong lễ cúng tổ nghề thuốc nam. |
Đồ vật bài trí và lễ vật bày cúng được thầy lang Vân Kiều chuẩn bị rất công phu. Trước hết là dựng một cây nêu ở gian giữa ngôi nhà sàn, trên cây nêu có treo một bộ cung tên, một chiếc gùi tre, một lưỡi rìu, một lưỡi liềm, một cặp con ong, một đôi ve sầu và cái trống tượng trưng được làm bằng một đốt ống lồ ô. Ấy là những con vật, công cụ được cho là gắn với cuộc đời bốc thuốc của thầy lang. Xung quanh cây nêu là bốn chum rượu cần được lên men và ủ vùi từ nhiều tháng trước. Mở đầu lễ cúng, thầy lang sẽ bưng lễ vật đặt trước bàn thờ tổ nghề bao gồm 1 con gà luộc, 2 mâm gạo nếp, 20 trứng gà. Tiếp đến là nghi lễ tỏ bày tấm lòng thành kính cũng như báo cáo công trạng hành nghề với vị sư tổ của mình rồi kết thúc bằng hành động cúi lạy mời vị tổ nghề chính thức về dự lễ cúng. Cuối buổi, những bệnh nhân từng được thầy lang cứu chữa, thân nhân người bệnh, bà con, dân bản xa gần đều đến đông đủ. Họ sẽ được thưởng thức rượu cần với thịt heo rừng nướng, vừa ăn uống vừa hát Tà-oải, Si-nớt, những khúc dân ca truyền thống của tộc người Vân Kiều kèm theo tiếng đàn sáo du dương. Đến đêm khuya, khi ai nấy đều đã ngà ngà ngấm rượu mới lần lượt về nhà. Suốt thời gian lễ cúng diễn ra, là ai đi chăng nữa nếu đến đúng dịp cũng được chủ lễ trân trọng mời vào nhà, tham dự đủ quy trình lễ cúng để hiểu hết ý hướng của kỳ lễ.
Lễ cúng tổ nghề thuốc nam của thầy lang Vân Kiều bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng đa thần của tộc người này. Thiên về ý niệm cảm mộ và đúc kết kinh nghiệm nghề nghiệp, nhưng lễ cúng tổ nghề vẫn nằm trong chiều kích tâm linh trong sáng và dòng chảy văn hóa đậm đà sắc thái bản địa của người Vân Kiều.
Nguyễn Tiến Dũng
Ý kiến bạn đọc