Multimedia Đọc Báo in

Khi lễ hội vào "thực đơn" du lịch

06:03, 09/09/2017
Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch của các huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh đều đề cập nội dung điều tra, khảo sát và chọn lọc các lễ hội truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số tại chỗ nhằm đưa vào phục vụ hoạt động du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
 
Vấn đề đặt ra ở đây là một khi lễ hội được đưa vào “thực đơn” du lịch thì điều gì sẽ xảy ra giữa bảo tồn và phát triển vốn văn hóa của các dân tộc tại chỗ?
 
Những tiết mục đặc sắc của Lễ hội đường phố (nằm trong chương trình Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ VI năm 2017) thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách.    Ảnh: H. Gia
Những tiết mục đặc sắc của Lễ hội đường phố (nằm trong chương trình Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ VI năm 2017) thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách. Ảnh: H. Gia
 
Sức hút của lễ hội
Trong vốn văn hóa phi vật thể của bất kỳ dân tộc nào, thì lễ hội truyền thống được coi là một loại hình di sản tiêu biểu, có tính chất bao quát toàn bộ đời sống sinh hoạt, phong tục, tập quán và tín ngưỡng của một cộng đồng cư dân nhất định. Vì thế nó có sức hút đặc biệt đối với những ai muốn tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm với loại hình di sản này. Việc đưa lễ hội vào phục vụ du lịch đang là hướng đi phù hợp của nhiều địa phương trong bối cảnh giao lưu, hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay. Bởi thông qua đó, chủ nhân của mỗi nền văn hóa có cơ hội giới thiệu, quảng bá bản sắc của mình – và ngược lại họ nhận được sự chia sẻ lợi ích vật chất từ ngành du lịch mang lại để đáp ứng cho mục tiêu bảo tồn, phát huy hơn nữa di sản lễ hội cộng đồng trước đời sống đương đại. 
 
Với Đắk Lắk, hơn 10 năm qua, du khách trong nước cũng như quốc tế đã biết đến những lễ hội truyền thống đặc sắc như các hoạt động về voi, cồng chiêng và gần đây – hiện đại hơn là Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột. Mỗi kỳ diễn ra các lễ hội, số lượt khách đến đây tăng khá cao so với bình thường. Ví như trong dịp Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ VI và Lễ hội Văn hóa Cồng chiêng Đắk Lắk – 2017 được tổ chức vào trung tuần tháng 3 vừa qua đã thu hút hơn 35.000 lượt khách tham dự, chiếm gần 10% tổng lượt khách du lịch đến vùng đất này trong 6 tháng đầu năm 2017. Sức hút ấy là không thể phủ nhận và trên thực tế nó đã đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng bình quân hàng năm của ngành Du lịch Đắk Lắk. Tuy nhiên, khi nhìn vào góc độ bảo tồn và phát huy giá trị của các lễ hội trên với tư cách là sản phẩm du lịch thì vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm. 
 
hg
Lễ cúng sức khỏe cho voi tại Lễ hội Văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn năm 2016. Ảnh: H. Gia

Nguy cơ “ăn mòn” di sản

Thực tế cho thấy phần lớn các lễ hội được tổ chức nhằm thu hút du khách nói chung trên địa bàn tỉnh đang rơi vào tình trạng “áp đặt” hoặc “đóng khung” theo ý đồ của một tổ chức, đơn vị nào đó đứng ra tổ chức khiến sức lan tỏa, sự cố kết trong cộng đồng trở nên lỏng lẻo và phai nhạt. Chẳng hạn, Hội voi Buôn Đôn được chính quyền địa phương tổ chức định kỳ 2 năm/lần theo kịch bản không hề thay đổi: Tập hợp các chủ sở hữu đàn voi nhà lại để diễu hành, cúng sức khỏe, sau đó đua voi trên cạn lẫn dưới sông… nhằm thỏa mãn nhu cầu của người xem. Còn chiều sâu của lễ hội – là nơi tinh thần, ý thức của cộng đồng cần được bày tỏ thì không được chú trọng, thậm chí bỏ qua. Điều đó, nói như ông Y Ka Byă – một trong những người trực tiếp tham gia tổ chức các kỳ lễ hội trên là việc khai thác di sản theo kiểu bề nổi như thế thì dần dà trở nên nhàm chán, nghèo nàn.    
 
Thứ nữa là một khi lễ hội được đưa vào “thực đơn” du lịch, nếu chỉ bằng lòng và dừng lại ở những gì có sẵn, mà không tiếp tục nghiên cứu để bồi đắp thêm cho giá trị văn hóa ấy, thì chắc chắn sẽ dẫn tới nguy cơ “ăn mòn di sản” của cha ông để lại. Dẫn chứng như Lễ hội Văn hóa Cồng chiêng ở Đắk Lắk được tổ chức, khai thác phục vụ cho ngành “công nghiệp không khói” ở đây trong nhiều năm qua đã cho thấy nguy cơ trên. Văn hóa Cồng chiêng với tư cách là sản phẩm du lịch, chỉ được khai thác trước sau vẫn là hình thức, hiệu quả âm nhạc mang lại mà thôi, chứ du khách chưa được hiểu thêm về di sản này với đầy đủ các giá trị tạo nên phức hệ toàn vẹn của nó: là môi trường diễn xướng, nghệ thuật trình tấu, vũ điệu, trang phục và đặc biệt là tinh thần, tâm linh, tín ngưỡng cổ xưa chứa đựng trong đó. 
 
Lễ hội ở đây là tài nguyên của du lịch, nó được đính kèm với thực tế khai thác và phát huy. Một khi khai thác mà không gắn liền với phát huy thì  tất yếu sẽ dẫn tới tình trạng cạn kiệt tài nguyên. Với hệ thống lễ hội ở đây, khi nhìn trong chuỗi hoạt động du lịch nói chung thì sự cạn kiệt ấy không hiện hữu về mặt số lượng, mà ở mặt chất lượng, bởi nó đã biến đổi quá nhiều, bất chấp nguyên tắc kế thừa để phát triển. Có thể nói, những yếu tố cốt lõi ấy, nếu không được quan tâm, chú trọng đúng mức thì “bài toán” giữa bảo tồn và phát triển vốn văn hóa truyền thống của các dân tộc tại chỗ thông qua hoạt động du lịch và ngược lại… càng trở nên khó giải quyết.
 
Phương Đình

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.