Nghe di tích kể chuyện
Những ngày thu Tháng Tám, đến TP. Buôn Ma Thuột ghé thăm những di tích lịch sử để hiểu thêm một phần quá khứ của đô thị này cũng là điều lý thú. Ở đó, những di tích sẽ kể cho ta nghe câu chuyện của quá khứ đau thương, nhưng rất đỗi hào hùng diễn ra trên mảnh đất này.
Đầu tiên là Nhà đày Buôn Ma Thuột, một trong những nhà tù nổi tiếng tàn ác của thực dân Pháp ở Đông Dương. Ở đây, suốt từ năm 1930 - 1945, hàng nghìn lượt tù chính trị yêu nước đã bị giam giữ, đày ải dưới chế độ hung bạo và hà khắc nhất thời bấy giờ. Nhưng cũng chính tại nơi tăm tối, giam hãm này, những người cộng sản kiên trung như Võ Chí Công, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu… vẫn giữ vững chí khí chiến đấu và niềm tin tất thắng của cách mạng Việt Nam. Cách mạng Tháng 8-1945 thành công, Nhà đày Buôn Ma Thuột được giải bỏ, tù nhân được tự do. Sau năm 1954, đế quốc Mỹ nhảy vào xâm lược nước ta, chúng tiếp tục sử dụng Nhà đày này để giam giữ những người đấu tranh cách mạng dưới tên gọi mới là Trung tâm cải huấn, chúng còn xây dựng thêm một số công trình khác như: nhà nguyện, dãy xà lim và khu tra tấn tù nhân tàn bạo hơn. Đến năm 1980, Nhà đày Buôn Ma Thuột được Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT-DL) xếp hạng là di tích cấp quốc gia – một trong những địa chỉ hấp dẫn du khách gần xa khi đến Đắk Lắk tham quan và đây cũng là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Khách tham quan Nhà đày Buôn Ma Thuột. |
Một điểm đến nữa là Biệt điện Bảo Đại được xây dựng vào những năm 1933 – 1938 tại trung tâm Buôn Ma Thuột, nơi để ông vua cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam cùng quan quân triều thần nhà Nguyễn đi - về ngẫm nghĩ cho thế cuộc suy vi khi thực dân Pháp xâm lược nước nhà. Năm 1923, tỉnh Đắk Lắk được thành lập và khi thực dân Pháp chính thức đặt ách đô hộ lên vùng đất Tây Nguyên thì Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm hành chính của tỉnh lỵ miền núi này. Đây cũng là nơi đặt bộ máy cai trị hà khắc của chính quyền thực dân để bóc lột và vơ vét của cải, tài nguyên vốn giàu có ở đây. Theo đó, những đồn điền cà phê, cao su được mở ra như CADA cùng với máu xương của hàng vạn người lao động làm thuê đổ xuống để làm giàu cho nước Pháp “mẫu quốc”, còn Buôn Ma Thuột vẫn heo hút và xác xơ nghèo vì sự giam hãm, kềm kẹp của kẻ thù.
Sau Hiệp định Giơnevơ 1954, Mỹ bắt đầu thay chân Pháp xâm lược miền Nam Việt Nam. Chúng gây ra bao nhiêu cảnh chết chóc, ly tán trên mảnh đất này. Quân dân cả nước đứng lên tiếp tục cuộc kháng chiến trường kỳ và thần thánh để giành độc lập dân tộc - và Buôn Ma Thuột đã trở thành một trong những chiến trường khốc liệt, nhưng cũng anh dũng và hào hùng nhất. Chiến thắng Buôn Ma Thuột 10-3-1975, mở màn cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đô thị nhỏ bé trên cao nguyên này đã ghi tên mình vào mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh của dân tộc.
Đến nay, trải qua hơn 100 năm lịch sử, Buôn Ma Thuột bao giờ cũng được coi là vùng đất có tính chất “bản lề” cho mọi sự thay đổi và phát triển. Bởi đây là địa bàn đặc biệt, có tầm ảnh hưởng rộng khắp cả vùng Trung - Nam bộ Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Dương. Những di tích ghi dấu lịch sử đấu tranh cách mạng của quân và dân ta ở đô thị miền núi này luôn là niềm tự hào đối với các thế hệ tiếp nối.
Ông Trần Hùng – Trưởng Ban Quản lý di tích (Sở VH-TT-DL) cho hay: Thời gian qua, chính quyền địa phương đã nỗ lực đầu tư, tôn tạo và phát huy không ngừng vốn di sản quý báu đó để xứng đáng với những gì mà cha ông đã để lại. Đến nay, mặc dù hiện vật có được tại các di tích trên chưa nhiều và chưa thật sự đầy đủ để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu của mọi người về vùng đất giàu truyền thống cách mạng này. Vì vậy, rất mong sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa từ Trung ương đến địa phương trong việc sưu tầm, phục dựng các hiện vật có giá trị, liên quan đến di tích để những địa chỉ đỏ ấy tiếp tục kể câu chuyện lịch sử của mình một cách đầy đủ và sinh động nhất với mai sau.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc