Đặc sắc văn hóa ngày Tết của người Tày, Nùng ở Ea Wy
Như bao gia đình người Tày khác, chị Lương Thị Oanh (thôn 6B) năm nào cũng sắm sửa một cái Tết thật ấm cúng theo đúng phong tục tập quán của dân tộc mình. Chị Oanh cho biết, Tết là dịp con cháu về tụ họp đông đủ nhất, cùng đại gia đình chuẩn bị những thứ cần thiết để đón Tết. Từ ngày 27, 28 tháng chạp những người phụ nữ trong gia đình bắt đầu gói bánh. Ngoài các loại bánh thông thường như bánh chưng, bánh dày… thì Khẩu sli (bánh khảo) là loại bánh không thể thiếu trong mâm cỗ của người Tày, Nùng. Làm bánh khảo không quá khó, nhưng phải trải qua nhiều công đoạn và đòi hỏi người làm phải khéo léo, tỉ mẩn. Khách đến chúc Tết, việc đầu tiên là gia chủ mời dùng bánh khảo để tỏ lòng mến khách.
Bà con đi chợ phiên ngày Tết không quên mua sắm thêm nông cụ sản xuất, hy vọng một năm mới dao bén cuốc bền, mùa màng bội thu. |
Trong khi mọi người làm bánh, người đàn ông có vị trí cao nhất trong gia đình dọn dẹp bàn thờ để chào đón năm mới. Bàn thờ tổ tiên được lau chùi sạch sẽ, dán giấy đỏ, rửa các ống hương bằng nước lá thơm. Tất cả sự chuẩn bị phải xong trước ngày 30 Tết, để bữa cơm chiều cuối năm cả nhà quây quần vui vẻ và cùng thức đón giao thừa. Đúng giờ phút sang Xuân, trước bàn thờ nghi ngút mùi hương trầm thoang thoảng, chủ nhà thành kính khấn vái cầu mong gia đình gặp vạn sự tốt lành.
Sáng mùng 1 Tết, mọi nhà đều kiêng không quét nhà, giặt giũ, không sử dụng cối chày… để cả năm không gặp xui xẻo. Từ chiều mùng 1 trở đi mới được sang thăm và chúc Tết nhau. Ngày mùng 2, cả gia đình về nhà ngoại chúc Tết, đây được gọi là nghi lễ Pây tái, thể hiện tình cảm của con gái đã đi lấy chồng và con rể nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục, cũng là dịp hai bên gia đình thông gia hiểu nhau hơn, gắn kết hơn trong cuộc sống. Quà Pây tái thường là con gà trống thiến, cân thịt heo, bánh khảo hay cặp bánh chưng hoặc cặp rượu do nhà nấu, được gia đình bên nội chuẩn bị từ ngày hôm trước.
Để chuẩn bị cho lễ hội đầu Xuân, hằng năm Ban công tác Mặt trận của mỗi thôn trích quỹ 1 triệu đồng để tổ chức các trò chơi dân gian. Anh Ngôn Tiến Hùng, Phó Bí thư Đoàn xã chia sẻ, trong lễ hội mừng Xuân không thể thiếu được hội tung còn. Tung còn được tổ chức sau 3 ngày Tết chính: một cột tre cao, trên đỉnh buộc một vòng tròn lớn có đường kính 30-40 cm được dựng ở giữa bãi. Trên bãi cỏ xanh, nam thanh nữ tú tham gia tung còn và rất đông người trẩy hội đứng chật kín xem. Những quả còn cứ thế chao đi liệng lại vun vút, mỗi khi còn trúng hồng tâm của vòng tròn tiếng hoan hô, reo hò lại nổi lên làm ngày xuân thêm tưng bừng, náo nhiệt. Bà con tâm niệm, quả còn xuyên qua hồng tâm nhiều, năm đó sẽ mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Tết cổ truyền là dịp để gia đình sum họp, tưởng nhớ tổ tiên, mọi người dẹp bỏ mọi lo toan sau một năm làm việc vất vả để vui chơi, an hưởng hạnh phúc. Những nét văn hóa ngày Tết giàu bản sắc dân tộc của người Tày, Nùng như tô điểm thêm sắc Xuân trên vùng đất bazan Ea Wy yên bình.
Thùy Linh
Ý kiến bạn đọc