Multimedia Đọc Báo in

Dư âm Ngày hội Văn hóa - Thể thao đồng bào các dân tộc thiểu số Buôn Ma Thuột: Độc đáo văn hóa ẩm thực

09:55, 31/03/2018

Đến tham dự Ngày hội Văn hóa – Thể thao đồng bào dân tộc thiểu số vừa diễn ra tại TP. Buôn Ma Thuột, du khách như lạc giữa “thiên đường” ẩm thực với các món ăn hấp dẫn do các mẹ, các chị người Êđê, Tày, Thái, Mường… nấu nướng, bài trí.

Đồng bào Êđê ở buôn K’Bu, xã Hòa Khánh mang đến hội thi 3 món ăn gồm: Canh cà đắng, thịt nướng lá chuối và lá mì xào. Amí Ying, một thành viên trong đội thi, cho biết đây là những món ăn trong bữa ăn hằng ngày của người Êđê. Qua đây nhóm mong muốn giới thiệu cho du khách phương xa biết đến nhiều hơn ẩm thực của dân tộc mình. Nguyên liệu chế biến chủ đạo như lá mì, cà đắng, ớt xiêm, rau thơm… trồng sẵn trong vườn nhà, chỉ có cá, thịt là đi mua. Trong 3 món kể trên thì món thịt nướng lá chuối cách chế biến kỳ công hơn cả. Thịt xương sụn bằm nhuyễn, ướp gia vị, sau đó bỏ vào lá chuối quấn lại nhiều lớp rồi nướng trên than củi gần tiếng đồng hồ cho thịt chín đều. Khi nào ăn mới bỏ lớp lá ra, mùi của lá chuối quyện với mùi thịt tạo cho món ăn thơm ngon hấp dẫn, ăn một lần nhớ mãi.

Món ăn được trình bày, trang trí mộc mạc nhưng không kém phần đẹp mắt.
Món ăn được trình bày, trang trí mộc mạc nhưng không kém phần đẹp mắt.

Với người Mường ở thôn 3, xã Hòa Thắng, Táp bò là món ăn không thể thiếu trong các dịp lễ hay bữa tiệc quan trọng. Ông Phan Văn Hiền, một người dân ở đây giải thích: “Táp” được hiểu là nướng sát vào lửa làm cho lớp thịt bên ngoài cháy sém vàng, còn bên trong vừa chín tới, khi ăn thịt sẽ mềm, có vị ngọt tự nhiên. Để món táp thêm ngon, người ta trộn thịt với riềng đập nát thái nhỏ, mùi thơm của riềng giúp thịt bò đậm mùi vị hơn.

Trong khi đó, món xôi tím của người Thái ở thôn 1 (xã Hòa Phú) khiến không ít du khách tò mò khi được đồ trong chõ gỗ rất kỳ công. Bà Lò Thị Lôi, tác giả của món xôi cho hay nấu món xôi này bà phải vo gạo nếp sạch, ngâm trong nước từ 6 đến 8 giờ để hạt gạo có độ nở vừa phải. Tiếp đến hái cành, lá khẩu cắm rửa sạch rồi đem luộc đến khi nước chuyển sang màu tím, để nguội rồi cho gạo nếp vào ngâm thêm 2 đến 3 giờ để nhuộm cho xôi có màu tím. Nhuộm xong, vớt gạo nếp ra cho vào chõ đồ. Đồ xôi tím phải đồ bằng lửa củi, chõ gỗ mới có được mùi vị thơm ngon. Đồ đến khi gạo nếp chín mềm, xới từng lớp xôi thấy màu tím tươi, bóng, hạt xôi dẻo mà không dính, có mùi thơm ngào ngạt là được. Xôi thường được chấm kèm với các loại nước mắm chế biến từ các món cá, ruột cá.

Món xôi tím của đồng bào Thái xã Hòa Phú.
Món xôi tím của đồng bào Thái xã Hòa Phú.

Chỉ với một số món ăn trên đây đã cho thấy nhiều nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực của mỗi dân tộc. Các món ăn tuy dân dã, không phải “cao lương mỹ vị” nhưng với những cách chế biến khéo léo, thông minh đã trở thành các đặc sản ẩm thực. Đó chính là một nét văn hóa truyền thống độc đáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên mảnh đất Buôn Ma Thuột.

Huỳnh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.