Multimedia Đọc Báo in

Tâm sự từ những làng nghề (Kỳ 1)

09:54, 31/03/2018

Đắk Lắk vốn có những làng nghề khá nổi tiếng, sản phẩm làm ra từng nuôi sống người dân bao đời và trở thành niềm tự hào của mỗi cộng đồng dân tộc. Song, cũng vì nhiều yếu tố đời sống khách quan chi phối khiến làng nghề dần bị mai một.Vì thế, việc tìm cách làm sống lại những làng nghề ở đây là vấn đề đáng quan tâm.

Kỳ 1: Gốm M’nông - Bao giờ cho đến… ngày xưa?

Qua các đợt khảo cổ tại cánh đồng Buôn Triết (huyện Lắk) và Yang Reh (Krông Bông) vào những năm 1995 – 2000 của Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Đắk Lắk đã thu được nhiều mảnh gốm có niên đại hàng trăm năm tại đây. Điều đó khiến nhiều người nhận định rằng cư dân trong vùng từ lâu đã làm gốm để sử dụng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.

Một thời nức tiếng

Nhận định trên ngày càng được chứng thực một cách sinh động và rõ ràng thông qua hoạt động làng nghề làm gốm của người M’nông sinh sống quanh vùng. Tiêu biểu là nghề làm gốm bằng tay của cộng đồng người M’nông Rlăm ở buôn Dơng Băk, xã Yang Tao, huyện Lắk ngày nay. Buôn này có hơn 140 hộ và hầu hết họ đều biết làm gốm từ thời cha ông truyền lại. Ông Y Nê Buôn Krông cho hay, nặn gốm là nghề truyền đời của cư dân ở đây. Gốm Dơng Băk được mang đi bán, hoặc trao đổi với các dân tộc khác ở khắp nơi, từ phía Nam của dãy Cư Yang Sin - giáp ranh hai tỉnh Đắk Lắk - Lâm Đồng, cho đến vòng cung Đông - Tây mạn Hồ Lắk và Krông Bông bây giờ.

Nghệ nhân làm gốm tại buôn Dơng Băk, xã Yang Tao, huyện Lắk.  Ảnh: M. Thông
Nghệ nhân làm gốm tại buôn Dơng Băk, xã Yang Tao, huyện Lắk. Ảnh: M. Thông

Bởi vậy, không lạ gì khi thấy trong các gia đình người Êđê (các nhánh M’thul, Dhăm, Bih), người M’nông Kuênh, M’nông Gar và cả người K’ho cư trú quanh vùng đều sử dụng sản phẩm gốm (ghè rượu, nồi, niêu, ấm, chén) của làng nghề buôn Dơng Băk. Gốm từ đây đi ra khắp nẻo và có mặt trong đời sống sinh hoạt của nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Theo TS. Lương Thanh Sơn - nguyên Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk, đồng thời là người bỏ ra nhiều công sức tìm hiểu, gắn bó với gốm M’nông nhận định: Điều đặc biệt là sản phẩm gốm của người dân  buôn Dơng Băk làm ra rất giống với đặc điểm những mảnh gốm được các nhà khảo cổ học đã tìm thấy ở Buôn Triết và Yang Reh vào những năm 1995 – 2000. Đó là gốm được nặn bằng tay (chứ không phải bàn xoay), sau đó nung bằng củi và được tạo men một cách tự nhiên, tùy vào độ chín của gốm. Những cứ liệu trên chứng tỏ nghề gốm của người M’nông Rlăm ở buôn Dơng Băk đã từng có một thời khá hưng thịnh. Giờ thì nghề làm gốm ở đây trở nên eo sèo và ảm đạm, chỉ quanh quẩn trong buôn, phục vụ cho nhu cầu tối thiểu trong những gia đình không có điều kiện mua sắm vật dụng sinh hoạt đắt tiền.

Bao giờ hồi sinh?

Những nghệ nhân nức tiếng như bà H’Duenh, H’Dieh… vẫn còn tươi nguyên ký ức với những tháng năm sống cùng nghề gốm: Ấy là tiếng giã đất thình thịch suốt đêm, sáng ra khi ông mặt trời thức dậy cũng là lúc mọi nhà nặn gốm. Những bàn tay, bước chân không biết mỏi, cứ miệt mài để tạo ra những sản phẩm tinh khôi từ khối đất dẻo thơm được lấy về nơi bãi bồi phù sa, dọc các triền sông suối. Và cung đoạn nung gốm, lên men cho gốm bằng củi và trấu, sau đó dùng đá mài bóng một cách tỉ mẩn cho từng sản phẩm là khoảng thời gian đáng nhớ nhất trong đời làm gốm của họ.

Nghệ nhân giới thiệu về  sản phẩm gốm M'nông.
Nghệ nhân giới thiệu về sản phẩm gốm M'nông.
 

“Thời gian qua, cũng đã có nhiều đoàn nghiên cứu văn hóa, đơn vị kinh doanh du lịch, thương mại đến buôn Dơng Băk để tìm hiểu nghề làm gốm. Những dịp như thế, một vài sản phẩm đặt trước được bán đi, sau đó không thấy họ quay lại nữa, khiến người làm gốm mong chờ”. 

 
 
Ông Y Khương Hlong, Phó Chủ tịch UBND xã Yang Tao, huyện Lắk

Những hình ảnh nhộn nhịp, sinh động của làng nghề trên đã không còn. Bà con không mặn mà, thiết tha với gốm vì sản phẩm làm ra chẳng có ai mua. Người lớn, thanh niên cứ hết công việc nương rẫy là đi làm thuê khắp nơi, thành ra buôn làng vắng ngắt. Chỉ thi thoảng có người trên Bảo tàng Đắk Lắk xuống đặt làm một vài sản phẩm thì các bà, các chị mới động chân, động tay. Tiền công chẳng đáng là bao, nhưng đổi lại cũng đỡ nhớ nghề, nhớ thời gốm theo chân người M’nông đi muôn nẻo.

Đến bao giờ gốm ở đây hồi sinh? TS. Lương Thanh Sơn chia sẻ, gốm M’nông sẽ sống lại một khi tìm được đầu ra trong thời buổi công nghệ “nhôm nhựa” đầy ắp này. Và khi còn công tác tại Bảo tàng Đắk Lắk, chị đã cố gắng thực hiện điều đó bằng việc xin kinh phí từ Trung ương, địa phương để mời các nghệ nhân trong buôn Dơng Băk mở lớp làm gốm cho gần 20 thanh thiếu niên ở đây. Theo đó, chị cũng cất công tìm hiểu và giới thiệu sản phẩm gốm độc đáo này đến với một số khách sạn, nhà hàng, công ty du lịch trên địa bàn trong và ngoài tỉnh để từng bước mở đường tiêu thụ.

Tuy nhiên, để tìm đường cho gốm M’nông sống được không phải là chuyện dễ dàng, cần có thêm nhiều người, nhiều ngành quan tâm vào cuộc. Ví như kết hợp làng nghề này với hoạt động du lịch để xây dựng buôn Dơng Băk thành điểm đến tham quan, trải nghiệm hấp dẫn cho du khách. Đồng thời tìm cách kích cầu việc mua bán, trao đổi gốm dưới nhiều hình thức (tập trung sản xuất hàng hóa, tiêu thụ theo nhu cầu và phân khúc của thị trường dành cho sản phẩm này) thì mới mong có ngày hồi sinh cho gốm M’nông. 

Đình Đối 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.