Giữ gìn điệu then quê hương
Hát then - đàn tính xưa nay vốn là “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong đời sống văn hóa của các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở các tỉnh miền núi phía Bắc như: Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Lạng Sơn… Vào vùng đất Tây Nguyên lập nghiệp, bà con mang theo loại hình nghệ thuật độc đáo này và tiếp tục lưu giữ, phát triển.
Trong một chuyến công tác gần đây, chúng tôi tình cờ được tham dự một buổi sinh hoạt định kỳ của Câu lạc bộ (CLB) đàn tính - hát then thôn Ea Chiêu (xã Ea Tân, huyện Krông Năng). Tại đây, 10 thành viên của CLB đã kể về những kỷ niệm thời thơ ấu gắn liền với nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình, đồng thời trình diễn những làn điệu hát then, đàn tính mượt mà, sâu lắng có nội dung ca ngợi quê hương, đất nước, tình yêu lứa đôi… Anh Đàm Văn Sáu, Trưởng thôn Ea Chiêu cho biết: “Thôn hiện có 105 hộ, 280 khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày - Nùng từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào lập nghiệp từ hơn 20 năm trước. Những ngày đầu trên vùng đất mới, để nhớ về nguồn cội quê hương và quên đi những vất vả sau ngày làm việc, người dân thường chọn cây đàn làm bầu bạn tâm sự, dần dần phát triển lên thành câu lạc bộ, hoạt động quy củ hơn ”.
Một buổi tập luyện của CLB đàn tính - hát then thôn Ea Chiêu, xã Ea Tân. |
Anh Nông Văn Mạnh (SN 1966, Chủ nhiệm CLB) sinh ra ở Cao Bằng, từ nhỏ được nghe các nghệ nhân biểu diễn đàn tính và những làn điệu then trữ tình, từ đó đam mê lúc nào không hay. Cuộc sống khó khăn, anh theo gia đình vào mảnh đất Ea Tân lập nghiệp. Theo anh Mạnh, người dân trong thôn đa số là người Tày, Nùng và do xa quê lâu ngày cùng với những lo toan của cuộc sống đời thường khiến nhiều người không còn mặn mà với nghệ thuật truyền thống của dân tộc, những làn điệu then mai một dần, từ đó thôi thúc anh tìm mọi cách giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Năm 2010, anh Mạnh cùng chị Nông Thị Sạch vận động bà con trong thôn thành lập CLB đàn tính - hát then để mọi người có thể giao lưu, học hỏi và lưu giữ làn điệu then truyền thống. Hằng tuần, CLB lại tổ chức sinh hoạt, cùng nhau tập luyện, hát cho nhau nghe những làn điệu hát then, đàn tính từ những bài then cổ đến then mới. Khi mới thành lập CLB chỉ có vài thành viên tham gia, chủ yếu là người lớn tuổi, nhưng đến nay đã phát triển lên 10 thành viên, có cùng chung sở thích, say mê tiếng đàn tính quê hương . Từ khi thành lập đến nay, CLB đã tham gia biểu diễn tại nhiều hội thi và lễ hội, thường xuyên sưu tầm, tìm kiếm các điệu hát then cổ của dân tộc...
Nghệ nhân Đàm Văn Điền (SN 1970, quê tỉnh Cao Bằng) cũng là một trong những người có chung niềm đam mê và tâm huyết với nghệ thuật truyền thống của quê hương như anh Mạnh và chị Sạch. Dù chưa từng trải qua trường lớp nghệ thuật nào nhưng anh Mạnh đánh đàn rất hay và đặc biệt là tự chế tác các kiểu đàn tính. Tất cả đàn tính của đội dùng để luyện tập hay đi biểu diễn đều do anh tỉ mẩn chế tác. Từ những quả bầu “vô hồn” nhưng qua đôi bàn tay của anh đã trở thành những chiếc đàn giàu âm sắc. Là địa phương có đông đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, để gìn giữ, phát huy vốn văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn, chính quyền, cơ quan chức năng thường xuyên phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao các dân tộc thiểu số, trong đó hát then – đàn tính không thể thiếu vắng. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Krông Năng Phạm Ngọc Muộn cho biết: “Huyện Krông Năng luôn khuyến khích người dân thành lập và phát triển các CLB hát then - đàn tính. Toàn huyện hiện có 5 CLB, trong đó, xã Ea Tam có 3, Ea Tân 1 và Dliêya 1. Các CLB này hoạt động hiệu quả, thu hút đông đảo người dân quan tâm, qua đó góp phần lưu giữ, bảo tồn, phát huy tinh hoa giá trị văn hóa truyền thống dân tộc ở địa phương”.
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc