Bảo tồn văn hóa-cần sự chung tay của cộng đồng
Về một số địa phương để tìm hiểu việc gìn giữ, bảo tồn vốn văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số tại chỗ, tôi được hầu hết cán bộ văn hóa xã, phường (kể cả thôn, buôn, khối phố) hướng dẫn tìm gặp toàn những người già.
Bởi theo họ, đó là đối tượng duy nhất trong cộng đồng còn lưu giữ được ký ức về văn hóa truyền thống của mình và có ước vọng gìn giữ, bảo tồn nó… còn giới trẻ và những người bình thường khác, dường như không được quan tâm và thường ít xuất hiện như những chủ thể tích cực trong quá trình này.
Trước thực tế ấy, tôi nghĩ nếu xem văn hóa như sản phẩm của quá trình sáng tạo, thực hành và duy trì bởi cộng đồng, thì quá trình đó (gìn giữ, bảo tồn) sẽ là một vấn đề rất đáng lo ngại. Bởi, thứ nhất, qua cách nhìn nhận trên cho thấy mạch nguồn văn hóa của cộng đồng người ở đó đã bị đứt gãy, do không thấy sự tiếp nối và kế thừa của chủ thể, nhất là lớp trẻ hiện nay, khiến một khoảng trống lớn đã lộ ra trong quá trình gìn giữ, bảo tồn vốn văn hóa truyền thống trong mỗi cộng đồng dân tộc. Thứ hai, về mặt nhận thức thì kể cả mọi thành viên trong cộng đồng cũng như những người làm công tác văn hóa ở cơ sở đều mặc định: việc gìn giữ và bảo tồn vốn văn hóa ấy là của người già, bởi họ mới thực sự nắm giữ các giá trị di sản từ tổ tiên, ông bà để lại.
Nghệ nhân đội cồng chiêng buôn Kô Siêr (TP.Buôn Ma Thuột) biểu diễn nhạc cụ truyền thống. Ảnh Nguyên Hoa |
Điều đó là hiển nhiên, song nhìn dưới góc độ trao truyền vốn văn hóa truyền thống từ thế hệ này sang thế hệ khác của các tộc người thiểu số ở đây thì nhiều người băn khoăn: không lẽ sứ mệnh thiêng liêng ấy đã đặt dấu chấm hết đối với lớp người già hiện còn sống trong các buôn làng kia? Anh A Mang, Phó trưởng Phòng Văn hóa – Thể thao huyện Cư M’gar là người làm công tác văn hóa khá lâu năm lý giải rằng, trong sự vận động nội tại của các cộng đồng người dân tộc thiểu số nói chung để tồn tại và thích ứng với điều kiện và hoàn cảnh mới thì không hẳn là thế - người ta vẫn tự thân nỗ lực nhằm thực hiện sứ mệnh trên. Tuy nhiên, do đời sống xã hội đã thay đổi quá nhiều, khiến những “mắt xích” (là văn hóa, tinh thần, phong tục, tập quán, tín ngưỡng) vốn có chức năng và sức mạnh cố kết cộng đồng ngày càng rời ra và nới rộng thêm khoảng cách giữa các thế hệ, khiến mọi nỗ lực trở nên yếu ớt, vô vọng… Những người già dần trở thành “bảo tàng sống” của cộng đồng, mà ở đó thế hệ tiếp nối - là con cháu của họ hầu như không quan tâm.
Anh A Mang cũng như nhiều người khác có tâm huyết trước sự mất – còn trên cho rằng, để khơi dòng ký ức lịch sử, văn hóa từ người già tuôn chảy và thấm sâu trong mọi thành viên, cộng đồng thì cần có sự “tiếp sức” từ nhiều phía: gia đình, dòng tộc, xã hội và chính quyền các cấp. Trong đó đặc biệt là những người làm văn hóa, nhất là ở cơ sở phải thật sự am hiều, chia sẻ và đề xuất những giải pháp thiết thực nhằm rút ngắn khoảng cách giữa các thế hệ, thành viên về nhận thức, trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn vốn văn hóa truyền thống của mình sao cho phù hợp, hiệu quả theo nguyên tắc tiếp nối, thực hành và sáng tạo bởi cả cộng đồng, chứ không phải của riêng ai.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc