Multimedia Đọc Báo in

Đau đáu giữ nhịp chiêng buôn làng

16:14, 10/11/2018

Đam mê cồng chiêng, mong muốn truyền lại nét đẹp truyền thống của cha ông cho thế hệ trẻ, những già làng, người cao tuổi am hiểu về cồng chiêng ở xã Cư Huê (huyện Ea Kar) đã dành trọn tâm huyết chỉ dạy cho thanh thiếu niên trên địa bàn.

Ở xã Cư Huê không ai không biết ông Y Đhok Du (SN 1965, buôn M’hăng). Ông Y Đhok có tên thường gọi là thầy Thóc, là người M’nông (huyện Lắk), năm 1989 ông được phân công về huyện Ea Kar giảng dạy. Ông kể: "Bố tôi là người đánh chiêng rất giỏi, nên từ nhỏ tôi đã được bố truyền dạy rất kỹ càng từ cách đánh chiêng cơ bản đến nghệ thuật biểu diễn. Để con trai có thể "lĩnh hội" hết cái hay, cái đẹp của cồng chiêng, bố thường xuyên đưa tôi đến các buổi biểu diễn lớn nhỏ trong và ngoài buôn làng để tôi được xem, được đắm chìm trong không gian biểu diễn cồng chiêng, từ đó tôi đam mê cồng chiêng lúc nào không hay". Không chỉ giỏi biểu diễn cồng chiêng, ông Y Đhok còn biết chỉnh chiêng, sáng tác bài hát, điệu múa dân tộc…

Ông Y Đhok Du hướng dẫn học viên tập đánh chiêng.
Ông Y Đhok Du hướng dẫn học viên tập đánh chiêng.

Dù đã rời nơi chôn rau cắt rốn sang lập nghiệp tại buôn làng mới với dân cư phần lớn là đồng bào Êđê nhưng ông Y Đhok vẫn dành tình cảm, thời gian tìm hiểu về văn hóa, đặc biệt là cồng chiêng của người Êđê. Cũng như nhiều người lớn tuổi trong buôn, ông Y Đhok trăn trở khi thấy nhiều giá trị văn hóa truyền thống của cha ông ngày càng bị mai một. Thế nên, ông tự nhủ việc truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ không chỉ là mong muốn của cá nhân mà còn là trách nhiệm đối với thế hệ đi trước.

Theo ông Y Đhok Du, tại địa phương chỉ còn rất ít nghệ nhân thông thạo đánh cồng chiêng và họ đều đã lớn tuổi. Trước đây, xã có mở một số lớp dạy đánh cồng chiêng cho người trung niên nhưng vì nhiều lý do mà các học viên không thể theo đuổi đến cùng, không học được cặn kẽ. Mới đây, xã Cư Huê tiếp tục được  UBND huyện tạo điều kiện mở hai lớp truyền dạy cồng chiêng, mời ông cùng với một nghệ nhân khác trong xã đến chỉ dạy khiến ông rất vui. Trân trọng cơ hội đó nên ông không tiếc thời gian, công sức truyền dạy cho con cháu biết gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc.

Xã Cư Huê có 18 thôn, buôn, trong đó 7 buôn, hiện còn lưu giữ khoảng 33 bộ cồng chiêng.

Hiện, hai lớp truyền dạy cồng chiêng có 14 em (7 nữ, 7 nam) học vào các tối thứ bảy, chủ nhật hằng tuần. Hầu hết các em đều chưa biết đánh cồng chiêng, nhưng được các già làng chỉ dạy nên đã tiến bộ rất nhanh. Và để giúp các em tự tin, nhiều lần ông Y Đhok Du đưa các em đi biểu diễn tại một số chương trình văn nghệ tại địa phương. Không chỉ vậy, các em còn được gia đình bà H’Buốt Mlô (buôn M’Oa) - một người yêu mến cồng chiêng cho mượn trang phục truyền thống, cồng chiêng để tham gia biểu diễn.

Một buổi tập đánh chiêng của các học viên nữ.
Một buổi tập đánh chiêng của các học viên nữ.

Là học viên lớn tuổi nhất trong lớp học, chị H’Xinh Mlô (SN 1985, buôn M’Oa) cho biết, học viên của lớp học chủ yếu là học sinh tiểu học và trung học cơ sở, chỉ duy nhất mình chị là lớn tuổi nhất. Ban đầu, đi học cũng hơi ngại nhưng do đam mê cồng chiêng và mong rằng rồi một ngày mình cũng có thể tham gia biểu diễn nên chị vượt qua sự tự ti để đến lớp học cùng các em nhỏ tuổi. Không chỉ thế, mỗi khi đi học đánh chiêng chị cho hai con của mình là H’Anh Mlô (học sinh lớp 5), Y Quốc Mlô (lớp 3) tham gia học và nay đã thành thạo cả chiêng đồng và chiêng tre.

Có một số em nhà ở sâu trong rẫy cà phê như em H’Hân Niê (SN 2004, buôn M’Oa) nhà cách lớp học  5 - 7 km nhưng vẫn đạp xe đi học đều. Em H’Hân cho hay, dù cùng một bài chiêng nhưng cách giữ chiêng ở độ nghiêng khác nhau cho âm sắc khác nhau nên tại lớp em và các bạn được dạy rất tỉ mỉ về nghệ thuật biểu diễn, từ giữ độ nghiêng của chiêng, giữ nhịp để âm sắc tốt hơn, tập đánh các tư thế quỳ, ngồi, đứng… sao cho hay, đẹp mắt nhất. Khi một người đánh sai, rớt nhịp thì cả lớp lại đánh lại từ đầu đến khi nào đánh chuẩn, hay rồi mới dừng lại. Để học được cồng chiêng cần sự đoàn kết của cả lớp học, lòng kiên trì của từng cá nhân, nên đam mê thật sự mới theo đuổi được đến cùng, vì vậy dù mưa hay nắng em vẫn cố gắng đến học không bỏ buổi nào.

Sự tâm huyết, tận tâm của người dạy, cùng quyết tâm của người học tin rằng nhịp chiêng ở những buôn làng của xã Cư Huê sẽ được nâng niu, ngân vang.

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.