Multimedia Đọc Báo in

Những ngôi đền biểu tượng truyền thống hiếu học của người Việt

15:32, 16/11/2018

Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng tôi thực hiện chuyến hành trình về thăm những ngôi đền trên miền Bắc biểu tượng cho truyền thống hiếu học, “tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt Nam...

Thiên Cổ Miếu, nơi thờ sự học đầu tiên

Tọa lạc trên một khoảnh đất rộng của thôn Hương Lan, xã Trưng Vương (Việt Trì, Phú Thọ), Thiên Cổ Miếu là nơi thờ sự học đầu tiên của đất Việt.

Theo cuốn “Ngọc phả đình thôn Hương Lan”, chuyện kể rằng vào thời Hùng Vương thứ 18 niên hiệu Hùng Duệ Vương, từ vua đến dân rất quan tâm đến việc học hành, “tôn sư trọng đạo”, tu thân và lập thân của con người. Vì thế, Vua Hùng Duệ Vương đã mời vợ chồng thầy cô Vũ Thê Lang và Nguyễn Thị Thục (quê Bắc Ninh) vào cung dạy học trực tiếp cho hai công chúa mà nhà Vua rất mực yêu quý là công chúa Tiên Dung và công chúa Ngọc Hoa.

Khi thầy cô tạ thế, Vua Hùng cùng người dân thôn Hương Lan nhớ ơn công đức của hai thầy cô nên đã an táng ngay tại địa điểm thầy cô mở lớp dạy học, táng cùng một ngôi mộ. Nhà vua cũng cho phép thôn Hương Lan lập miếu để thờ cúng, hương hỏa cho thầy cô. Đến nay, hàng nghìn năm đã trôi qua nhưng ngôi mộ của thầy Vũ Thê Lang và cô Nguyễn Thị Thục vẫn không hề di dịch dù chỉ một gang tấc, ngôi mộ hiện nằm ở giữa gian chính điện của ngôi đền.

Thiên Cổ Miếu - biểu tượng cho sự học thời Hùng Vương.
Thiên Cổ Miếu - biểu tượng cho sự học thời Hùng Vương.

Trước đây, Thiên Cổ Miếu chỉ là một ngôi miếu nhỏ, người dân vẫn thường gọi là Miếu Hai Cô vì trong miếu có thờ cả công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa. Thiên Cổ Miếu nằm trong quần thể di tích lịch sử cùng với Đình Hương Lan, Lăng mộ ba đô sĩ thời Hùng Vương. Trong điện thờ, có một bức hoành phi nhỏ ghi “Thiên Cổ Miếu” cùng hai câu đối bằng gỗ mộc dài chừng một mét, viết bằng chữ Hán: “Hùng lĩnh trung chi thắng tích/Nam thiên chích khí linh từ” (Đền thiêng thờ người có chí khí mạnh mẽ, lớn lao của trời Nam). Trải qua hơn 3.000 năm, ngôi đền Thiên Cổ Miếu vẫn là biểu tượng thiêng liêng cho sự học của nước Việt Nam từ khởi thủy, là di tích khắc ghi truyền thống “tôn sư trọng đạo” của người Việt.

Đền thờ thầy giáo Chu Văn An

Thầy giáo Chu Văn An, người thầy đạo cao đức trọng là biểu tượng thiêng liêng về đạo học của dân tộc Việt Nam. Thầy giáo Chu Văn An tên hiệu là Tiều Ẩn, tên chữ là Linh Triệt, người làng Văn Thôn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là huyện Thanh Trì, Hà Nội). Theo thần tích đình làng Thanh Liệt, nơi thờ ông làm thành hoàng thì ông sinh năm Nhâm Thìn (1292) và mất năm Canh Tuất (1370).

Học sinh  thắp hương  tưởng nhớ  thầy giáo  Chu Văn An tại  Đền thờ ông ở  Côn Sơn  (Chí Linh, Hải Dương).
Học sinh thắp hương tưởng nhớ thầy giáo Chu Văn An tại Đền thờ ông ở Côn Sơn (Chí Linh, Hải Dương).

Đền thờ Chu Văn An tọa lạc trên đồi thông thuộc núi Phượng Hoàng, Côn Sơn (Chí Linh, Hải Dương) - nơi gắn liền với thời gian ông rời chốn quan trường về nơi thanh vắng để mở trường dạy học, sống cuộc đời thanh bạch. Ngôi đền thờ uy nghi tựa lưng vào núi, mặt hướng về một không gian thoáng đãng với rừng thông xanh thẳm. Đền được xây dựng bằng gỗ lim với lối kiến trúc chữ đinh. Ở bậc cấp dẫn lên đền là một đôi rồng đá lớn, có chữ “Học” được viết theo kiểu thư pháp tiếng Việt. Lăng mộ của Chu Văn An ở vị trí cách đền khoảng 600 m. Khi đến đây, du khách vừa chiêm bái đền thờ, thắp hương tri ân thầy giáo Chu Văn An và tưởng niệm thầy tại lăng mộ.

Đền thờ thầy giáo Chu Văn An ở Chí Linh là biểu tượng thiêng liêng cho sự học của dân tộc Việt Nam, là nơi đời đời các thế hệ hôm nay và mai sau hướng về để lắng lòng mình trong những lời dạy còn nguyên giá trị của thầy.

Đền thờ nữ tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam

Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ là người phụ nữ đầu tiên có học vị cao nhất của dân tộc Việt Nam. Dù sống trong xã hội phong kiến với quan niệm “trọng nam khinh nữ” nặng nề nhưng bà đã vượt lên để học hành thành danh, có nhiều đóng góp cho đất nước.

Nguyễn Thị Duệ còn có tên là Nguyễn Thị Du, Nguyễn Thị Ngọc Toàn, hiệu Diệu Huyền là một người con gái tài sắc của xã Kiệt Đặc (nay là xã Văn An, huyện Chí Linh). Bà sinh vào cuối thế kỷ 16. Năm 20 tuổi, bà cùng cha lên Cao Bằng theo nhà Mạc. Vốn là người thông minh, ham hiểu biết, Nguyễn Thị Duệ ăn mặc giả trai, tìm thầy học tập, không bao lâu sau đó đã có tri thức sâu rộng, thuộc nhiều kinh sách, văn chương. Tại Cao Bằng, khi nhà Mạc mở kỳ thi hội, bằng cách cải trang, Nguyễn Thị Duệ đã lọt được vào trường thi và đỗ đầu kỳ thi. Khi nhà Mạc mất, Nguyễn Thị Duệ về quê ở ẩn  và mở trường dạy học. Vua Lê Thần Tông biết bà là người có tài, có sắc đã trọng dụng, tiến cử bà làm nữ học sĩ, Lễ sư để dạy học cho các cung phi. Trong thời gian này, bà Nguyễn Thị Duệ đã có nhiều đóng góp cho triều đình với những hiến kế quan trọng cho nhà vua. Sau khi mất ở tuổi 80, bà Nguyễn Thị Duệ được an táng trên núi Tri Ngư ngay tại quê hương của bà (Chí Linh, Hải Dương).

Để ghi ơn công đức của bà Nguyễn Thị Duệ, năm 2006, UBND tỉnh Hải Dương đã khởi công xây dựng đền thờ bà với các hạng mục như đền chính, Tả hữu vu, tam quan và am hóa vàng. Đền chính được xây dựng theo kiểu chữ Đinh gồm tiền tế năm gian chồng diêm và hậu cung. Đền thờ và lăng mộ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ thuộc “Chí Linh bát cổ” (một trong tám di tích nổi tiếng của đất Chí Linh), là biểu tượng thiêng liêng cho hình ảnh người phụ Việt Nam với phẩm chất mạnh mẽ, giàu nghị lực, hiếu học, vượt lên sự hà khắc của lễ giáo phong kiến.

Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.