Multimedia Đọc Báo in

Tôn trọng tài nguyên để phát triển du lịch bền vững

10:18, 27/11/2018

Có thể nói ngành du lịch, nhìn từ mọi khía cạnh là một ngành kinh tế, trong đó lấy việc khai thác tiềm năng và lợi thế về lịch sử, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên để kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận. Vì thế, xét về xu hướng thì hoạt động du lịch và bảo tồn, phát triển tài nguyên lịch sử, văn hóa và cảnh quan thiên nhiên… là hai lĩnh vực trái ngược nhau về mặt lợi ích.

Đây chính là bài toán hóc búa và cũng là sự chọn lựa đầy khó khăn giữa một bên là sự thôi thúc bởi các lợi ích kinh tế đầy hấp dẫn và bên kia là gìn giữ, bảo tồn các giá trị tài nguyên trên. Bài toán nan giải này cần phải được các cấp có thẩm quyền tính đến trong khi hoạch định các chính sách phát triển kinh tế, xã hội của mỗi địa phương. Nếu không thì sẽ rơi vào tình trạng mất cân bằng, thiếu bền vững và không có tương lai trong tiến trình phát triển và hội nhập.

Thác Krông Kma (huyện Krông Bông), nơi có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp.
Thác Krông Kma (huyện Krông Bông), nơi có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp.

Có thể nói ở Đắk Lắk hiện nay, các dự án kinh tế với vỏ bọc "phát triển văn hóa” của các tập đoàn, tổng công ty lớn trong và ngoài nước chưa tìm đến săn lùng, khai thác những “miếng mồi ngon” – là tài nguyên văn hóa, di tích lịch sử và danh thắng để kinh doanh như một số địa phương khác, vì thế bài toán giữa bảo tồn và phát triển trong hoạt động du lịch ở đây được cho là chưa thật sự cam go, gay gắt lắm. Tuy nhiên, nhìn trên bình diện hẹp thì ở từng lúc, từng nơi cũng đã manh nha xuất hiện sự đánh đổi lợi ích một cách thiếu bền vững. Ví như Khu Du lịch Sinh thái thác Krông Kma (huyện Krông Bông), từng nổi lên như điểm đến hấp dẫn du khách nhờ vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên vốn có: là ngọn thác ầm ào tuôn chảy ngày đêm trong khu rừng nguyên sinh xanh thẳm, cùng khí hậu mát mẻ và thuần khiết quanh năm, rất thích hợp cho cho loại hình du lịch dã ngoại, cắm trại trong rừng. Song, kể từ khi danh thắng này được giao cho Công ty Lâm nghiệp Krông Bông (sau đó là một số cơ quan, đơn vị khác nữa) quản lý, khai thác du lịch thì mọi thứ bắt đầu thay đổi. Không kể đến việc Nhà máy thủy điện Krông Kma đã phá hỏng ngọn thác, mà cung cách làm du lịch ở đây cũng có phần hủy hoại không gian, cảnh quan môi trường chung quanh. Nhiều khoảnh rừng bị san ủi để xây dựng hàng chục ngôi nhà kiểu bungalow bằng bê tông nặng nề nhằm phục vụ cho du khách lưu trú. Tuy nhiên, không ít nhân viên đã từng làm việc ở điểm du lịch trên cho rằng, kể từ khi “bê tông hóa” khu vực xung quanh ngọn thác tuyệt đẹp này thì du khách thưa thớt hẳn. Không ai có nhu cầu nghỉ ngơi trong các bungalow lạc lõng kia, mà đa phần đều thích được khám phá, trải nghiệm trong những cánh rừng Krông Kma để cảm nhận và tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ vốn có. Tiếc là doanh nghiệp kinh doanh ngành “công nghiệp không khói” ở đây đã không hiểu điều đó, dẫn đến hệ quả là cảm xúc của du khách khi đến với danh thắng này bị tước bỏ - và dĩ nhiên một khi sản phẩm du lịch được tạo ra mà không mang lại cảm xúc gì thì không ai đến nữa.

Cắm trại và trải nghiệm trong rừng Yok Đôn (huyện Buôn Đôn) là sản phẩm du lịch được nhiều du khách lựa chọn.
Cắm trại và trải nghiệm trong rừng Yok Đôn (huyện Buôn Đôn) là sản phẩm du lịch được nhiều du khách lựa chọn.
 
“Nhiều tổ chức du lịch coi việc khai thác, thậm chí khai thác cạn kiệt các tài nguyên lịch sử, văn hóa và thiên nhiên ở mỗi địa phương, quốc gia là việc đương nhiên. Còn trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ và tôn tạo các tài nguyên ấy là công việc của chính quyền, của nhà nước. Họ nghĩ rằng đã hết trách nhiệm sau khi đóng thuế cho nhà nước”.
 
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển du lịch, Tổng cục Du lịch

Hoặc như quần thể danh thắng cấp quốc gia Hồ Lắk (huyện Lắk), trong đó có nhà nghỉ Bảo Đại được xây dựng từ những năm 50 của thế kỷ trước với kiến trúc đặc sắc, hài hòa của Pháp. Trải qua nhiều lần và nhiều đơn vị quản lý, khai thác du lịch khiến công trình này biến dạng đáng kinh ngạc. Thay vì bảo tồn, trùng tu nguyên trạng, thì người ta lại cơi nới, mở rộng tùy tiện như thay sàn gỗ bằng gạch men, ngăn chia không gian bằng đủ loại kính, đá… để tiện cho việc kinh doanh thuần túy. Nhiều người đến đây nhận xét, đáng ra phải giữ nguyên giá trị kiến trúc, không gian, cảnh quan của ngôi nhà để phục vụ nhu cầu lưu trú của du khách, hơn là mở nhà hàng, dịch vụ theo kiểu “ăn xổi ở thì” như vậy. May mà gần đây, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo cho chính quyền huyện Lắk cùng các sở, ngành chức năng chấn chỉnh tình trạng trên, đồng thời giao nhà nghỉ này cho đơn vị đủ năng lực, trình độ quản lý và khai thác theo  hướng bền vững hơn.

Rõ ràng, dù ở quy mô và tính chất nào đi chăng nữa thì việc thiếu tôn trọng tài nguyên (là di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên) trong quá trình phát triển du lịch đều mang lại nhiều hệ lụy tiêu cực, trong đó có yếu tố bền vững cho mỗi sản phẩm của ngành kinh tế quan trọng này.  

                                       Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.