Multimedia Đọc Báo in

Hấp dẫn Khu du lịch sinh thái Buôn Wing

07:59, 28/01/2019
Nằm cách TP. Buôn Ma Thuột khoảng 45 km về hướng Bắc, Khu du lịch sinh thái Buôn Wing - thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Wing tại thôn 15 (xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar) đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn bởi vẻ đẹp hài hòa của cảnh sắc thiên nhiên và những công trình kiến trúc độc đáo.

 Tọa lạc trên khu đất rộng hơn 10.000 m2, như một bán đảo nhỏ giữa lòng hồ Buôn Wing với diện tích lên đến 32 ha, nước trong xanh quanh năm, không khí luôn trong lành và mát mẻ, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Wing đã đầu tư xây dựng những căn nhà nổi, các bến thuyền, những căn nhà dài truyền thống của người Êđê... Trên những con đường quanh co của Khu du lịch được trồng rất nhiều loài hoa như bằng lăng tím, hoa liễu, lộc vừng, cúc quỳ... ngày ngày khoe sắc tô điểm cho khung cảnh nên thơ.

Khu du lịch sinh thái Buôn Wing.
Khu du lịch sinh thái Buôn Wing.

Đến với Khu du lịch sinh thái Buôn Wing có rất nhiều hoạt động vui chơi giải trí để du khách lựa chọn và khám phá. Đầu tiên du khách có thể thưởng thức những giọt cà phê nguyên chất và ngắm nhìn hồ nước rộng mênh mông, xa xa là những nếp nhà truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số nép mình trong vườn cà phê, vườn tiêu xanh mướt. Cùng với đó du khách có thể thả hồn mình vào mặt hồ xanh biếc cùng với các trò trơi: chèo thuyền Kayak, đạp vịt trên mặt hồ và cảm giác mạnh hơn nữa đó là trò mô tô nước lướt trên mặt sóng sẽ mang đến cho du khách cảm giác như đang được tận hưởng bầu không khí của một Vinpearl Nha Trang thu nhỏ. Du khách còn được đắm mình cùng những con suối thiên nhiên nước trong xanh, hai bên cây cối xanh tươi xen lẫn trong đó là những ghềnh đá, thác nước gập ghềnh, hùng vĩ.

Ở Khu du lịch sinh thái Buôn Wing không chỉ đem đến cho quý khách cảnh sắc nên thơ mà còn được trải nghiệm, khám phá những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc sinh sống nơi đây. Đến đây, du khách có thể được thưởng thức những bản hòa tấu cồng chiêng độc đáo của người Êđê; múa sạp, múa xòe, múa chai của dân tộc Thái… Ông Trần Anh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Wing chia sẻ: “Xã Ea Kuêh có nhiều dân tộc sinh sống với nhiều nét văn hóa đặc sắc. Để góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tăng nguồn thu nhập cho bà con nhân dân và tạo thêm sản phẩm du lịch để phục vụ du khách, đơn vị đã làm việc với cộng đồng các thôn, buôn để biểu diễn các tiết mục nghệ thuật truyền thống khi du khách muốn hòa mình vào nét đẹp văn hóa truyền thống tại nơi đây”. 

Du khách chèo thuyền Kayak tại Khu du lịch sinh thái Buôn Wing.
Du khách chèo thuyền Kayak tại Khu du lịch sinh thái Buôn Wing.

Cùng với các hoạt động vui chơi giải trí, Khu du lịch cũng phục vụ du khách nhiều món ăn ngon miệng, hấp dẫn. Còn gì bằng được ngồi trên nhà nổi dập dềnh, thưởng thức những món ăn ngon, đặc sắc của vùng đất nơi đây như: xôi nếp nương, gà nướng, khau nhục, cơm lam, các món ăn chế biến từ cà đắng, cá hồ Buôn Wing… cùng với đó là nhâm nhi rượu cần của người Êđê, người Thái. Dọc theo bờ hồ, khu du lịch có những khoảng không gian dành cho việc đốt lửa trại và cắm trại qua đêm.

“Khu du lịch sinh thái Buôn Wing được Công ty đưa vào khai thác gần  một năm nay. Với phương châm mang đến cho du khách những loại hình du lịch đặc sắc, chất lượng phục vụ tốt nhất, thời gian qua, đơn vị đã nỗ lực đầu tư, đa dạng hóa các loại hình du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ để làm “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Tuy nhiên hiện nay, con đường từ thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar) đi đến Khu du lịch và từ Khu du lịch đi huyện Ea H’leo nhiều đoạn đã hư hỏng ảnh hưởng đến việc đi lại của du khách. Để hoạt động du lịch ở đây có điều kiện thuận lợi phát triển, rất mong các cấp quan tâm đầu tư, sửa chữa tuyến đường này”, ông Trần Anh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Wing tâm sự.  

Bảo Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.