MÙA XUÂN CAO NGUYÊN
Khi mưa rừng đã tạnh hẳn, cái lạnh se se luồn qua mọi cánh rừng biếc xanh tràn về các buôn, bon, kon, plei miền cao nguyên đất đỏ, cũng là lúc mùa màng đã xong, lúa vàng mẩy hạt đã chất đầy các kho lúa (sang mdiê), hạt bắp no tròn lủng liểng trái treo kín dọc xà nhà sàn, là mùa “ăn năm uống tháng” (hoă blăm mnăm thun), hay là “tháng nghỉ ngơi” (khai ning nơng) cũng đến với mọi nhà.
Mùa “ăn năm uống tháng, mùa nghỉ ngơi”, mùa của các lễ, hội ấy coi như là mùa Tết của người Tây Nguyên, sẽ kéo dài từ tháng 11 cho đến hết tháng 3 của năm sau, khi những cơn mưa đầu mùa lại mang nước mát lành tới cho đất trời, chuẩn bị một mùa rẫy mới.
Một số gia đình có thể cúng sớm ngay từ lúc suốt được gùi lúa chín vàng đầu tiên. Lúa dùng để cúng Giàng phải do người phụ nữ chủ gia đình tự tay gieo hạt, làm cỏ và ngắt (suốt) những bông chín vàng trĩu nặng đầu tiên, nấu nồi cơm mới trong chiếc nồi đồng nhỏ dùng để cúng, dâng lên các vị Giàng linh thiêng, để tỏ lòng thành kính.
Thông thường, các già làng, thầy cúng và trưởng các dòng họ sẽ tụ tập lại nhà chủ buôn, bon, kon, plei, khề khà gật gù bên ghè rượu cần đắng ngọt men lá, củ rừng để bàn chuyện tiến hành các lễ, hội, nhà nào trước, nhà nào sau, cho ai ai cũng tham gia được. Việc của một nhà là việc của cả làng. Sẽ có các lễ ăn cơm mới của người Êđê, Sê Đăng, K’ho hoặc lễ rước hồn lúa của người M’nông, lễ mở cửa, đóng cửa kho lúa của người Bana… Nhà nào thu hoạch xong sớm nhất sẽ làm trước, rồi lần lượt các bếp lửa khác, cho đến khi mọi gia đình đều đã hoàn tất nghĩa vụ thiêng liêng của mình với các Giàng. Xong lễ đón lúa, người Sê Đăng ở Kon Tum sẽ kéo cả làng nối bước chân nhau khỏa thân vào rừng từ vài ngày cho đến một tuần, trở về với thiên nhiên, với đời sống cội nguồn nguyên thủy xa xưa.
Hội xuân của người Châu Mạ. |
Một lễ khác quan trọng không kém mà cộng đồng, tộc người nào ở Tây Nguyên cũng phải có là lễ cúng bến nước hoặc còn được gọi là lễ uống nước giọt. Lễ cúng bến nước thường song hành cùng lễ cúng sức khỏe cho chủ buôn, người có công tìm ra nguồn nước ngọt mát, trong lành cho cộng đồng. Những ngôi làng cận kề rừng còn phải có lễ cúng tạ thần rừng để các đội săn vào mùa bẫy thú… Lễ vật cho các cuộc hiến sinh, dâng tặng, nhà nghèo thì chỉ chuẩn bị gà, vịt, heo, bếp khá hơn hoặc vụ thu hoạch lớn có khi là vài con trâu, bò… Các loại măng đắng, măng ngọt lớn nhỏ được gùi từ rừng về, muối từng hũ lớn. Trái đu đủ, dọc cây môn, cà đắng, ớt cay… - những loại rau quen thuộc cũng trĩu nặng gùi từ rẫy về làng.
Suốt những tháng diễn ra lễ hội này, hương rượu cần men lá ngọt ngào, mùi thơm cơm gạo mới đằm sâu, mùi thịt nướng đậm đặc quyến rũ lan khắp không gian buôn, bon, kon, plei gọi mời khách xa khách gần nhanh chân về dự hội. Váy áo, khố, khăn choàng, cả tiếng lách cách rộn rã của khung dệt cho những tấm chăn, áo thổ cẩm nhiều sắc màu đỏ đen rực rỡ chuẩn bị lễ vật cưới hỏi, làm cái nắng vàng óng mùa khô cao nguyên thêm ấm áp. Và tất nhiên không thể thiếu âm điệu rộn ràng của các dàn ching chêng. Ching tùng ching. Tiếng ching luồn qua rừng già, lan tỏa khắp núi đồi, vút cao tận chín tầng mây, thấm sâu dưới bảy tầng đất, gọi những vòng suang smơk, suang arap uyển chuyển cánh tay, rầm rập những đôi chân trần của gái trai “da nâu mắt sáng vóc dáng hiền hòa” nối bước nhau theo nhịp điệu rộn ràng. “Trống gọi trống, ching gọi ching ” gọi nước sông Đăk Bla, Sê San, Sêrêpốk sóng dậy, lan sang cả đồng cỏ M’Đrắk dạt dào gió, gọi núi Lang Biang, đỉnh Tà Đùng nghiêng xuống lắng nghe. Cho má em thêm hồng, trái tim anh thêm nao nức, mái đầu bạc phơ mây núi của người già lắc lư theo vũ điệu ngả nghiêng của chiếc cần rượu; tiếng đing tut của các mẹ, các chị thủ thỉ thầm thì, đing buốt của các tráng niên tự sự nỗi niềm…
Tết của người miền núi Trường Sơn - Tây Nguyên xưa là thế đấy.
Vui hội cùng buôn làng. |
Ngày nay, với sự chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng từ sản xuất lúa rẫy sang trồng cây công nghiệp dài ngày hoặc cây lúa nước, những lễ hội truyền thống gắn với nông lịch hay vòng đời cổ truyền còn rất ít, bà con ăn Tết Nguyên đán theo tập quán chung của người Việt.
Tháng ba, mùa xuân Tây Nguyên cũng là tháng các địa phương khắp Tây Nguyên thường tổ chức các lễ hội văn hóa, tuần văn hóa thể thao, liên hoan văn hóa ching chêng như hội xuân Liêng Nung (Đắk Nông), hội xuân Kon Tum… Đây là dịp những nét đẹp của văn hóa dân gian cổ truyền được phô bày. Các bộ trang phục thổ cẩm rực rỡ hoa văn đỏ đen truyền thống được khoác lên mình các cô gái duyên dáng hay các chàng trai dũng mãnh trong cuộc thi trang phục dân tộc đẹp; các trò chơi dân gian như đua voi, đẩy cây, bắn nỏ, đi cà kheo, xâu cườm, thi hát múa dân gian… dành cho lớp trẻ; thi hát kể trường ca - sử thi, xem ai kết nan đan gùi, căng chỉ dệt vải, đục đẽo tạc tượng gỗ nhanh hơn, đẹp hơn dành cho những bậc trung niên và cao niên… Đặc biệt là hội thi ẩm thực, nào rượu cần, nào các món ăn ngon ngày lễ như vếch, canh thụt, canh bồi, xôi, thịt nướng ống nứa, măng đắng xào lá bép, gỏi kiến vàng… dành các nữ chủ nhân gia đình đua tài. Đây cũng là nét mới trong ngày Tết hiện tại ở Tây Nguyên.
Hội Hãng Pồ của người Nùng ở Buôn Hồ. |
Ở những vùng đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc di cư vào Tây Nguyên, Tết Nguyên đán đến rộn ràng hơn với nhiều tập tục còn được gìn giữ trong tiếng chày giã giò, giã bánh dày, quay heo, tụ họp phụ nữ trong dòng họ làm các loại bánh gói lá, hay quây quần quanh bếp lửa than hồng đượm với nồi rượu ấm nồng hương men nhiều loại lá rừng. Các trò chơi tung còn, đánh cờ, bắn nỏ, chơi đu đơn, đu đôi… náo nức gọi mời. Trước Tết Nguyên đán, những vùng tập trung đông người Hmông ở Đắk Nông, Đắk Lắk còn tổ chức Hội Gàu Tào trong tiếng khèn dìu dặt nâng bước chân vũ điệu xếnh xáng váy xòe của các cô gái. Người Thái đón bạn vui hội cơm mới kin khẩu mừ.
Sau Tết Nguyên đán, tiếp tới các lễ hội Háng Pô, Sinh Minh với vũ khúc múa lân rộn rã đua tài của người Nùng, những đường cày sớm mai đầu tiên trong hội xuống đồng lao động (Lồng tồng) của người Tày, điệu nhảy sạp náo nức gái trai trong Hội xuân của người Thái, lễ hạ nêu cởi bỏ sợi dây ràng buộc các dụng cụ lao động của người Mường, thường tổ chức từ mùng 6 tết đến rằm tháng Giêng tại khắp các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng... Những vùng còn giữ được lễ hội truyền thống của các tộc người Tây Nguyên cũng sẽ tiếp tục diễn ra lễ cúng bến nước Êđê, cúng sức khỏe J’rai, ăn con dúi bắc máng nước Bana, Sê Đăng…
Tuy không còn phong phú, hấp dẫn như những mùa lễ hội truyền thống xưa kia, nhưng không khí đón xuân, đón Tết ngày nay ở cao nguyên vẫn rộn ràng và đầm ấm, khiến con người gần gũi, thân thiết với nhau hơn.
H'Linh Niê
Ý kiến bạn đọc