Độc đáo trang phục truyền thống của phụ nữ Mông
Từ cuối những năm 1990, đồng bào Hmông từ các tỉnh phía Bắc di cư đến lập nghiệp tại huyện Krông Bông và đã mang theo nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc, góp phần làm cho bức tranh văn hóa các dân tộc của địa phương càng thêm phong phú, đa dạng.
Trong đó, một trong những nét văn hóa độc đáo của đồng bào Hmông, tạo nên bản sắc riêng có của cộng đồng này là trang phục truyền thống của phụ nữ. Trang phục chính là đặc điểm đầu tiên để nhận diện được đâu là người Hmông hoa, Hmông trắng, Hmông đen, Hmông đỏ hoặc Hmông xanh.
Nếu trang phục của phụ nữ Hmông trắng thiên về màu lạnh như trắng, xanh lá cây, xanh da trời làm chủ đạo thì trang phục của phụ nữ Hmông hoa, Hmông đen và Hmông xanh thường có những màu nóng như đỏ và vàng làm chủ đạo. Theo ông Giàng Mí Lình, phó thôn Ea Khiêm (xã Hòa Phong), ngày nay, qua quá trình giao thoa giữa cộng đồng các dân tộc Hmông, phụ nữ Hmông đen, Hmông xanh thường may thêu áo, váy theo người Hmông trắng, Hmông hoa nên trang phục truyền thống của phụ nữ Hmông đen và Hmông xanh không còn nhiều. Để phân biệt được người Hmông đen và Hmông xanh, người ta chỉ cần chú ý quan sát khăn quấn đầu, nếu khăn màu xanh là người Hmông xanh còn màu đen là Hmông đen, hoặc quan sát thông qua các họa tiết hoa văn trang trí trên hai ống tay áo và phía trước ngực, các hoa văn thường là hình bông hoa, hình vuông, hình chữ nhật và hình tam giác. Người Hmông hoa và Hmông trắng thì thường thêu hoa văn hình chữ nhật, hình vuông, hình thoi, hình xoắn ốc. Những họa tiết, hoa văn không có hình mẫu mà đều do trí tưởng tượng, sáng tạo của người phụ nữ Hmông; người có trí tưởng tượng càng phong phú thì sẽ thêu, dệt nên nhiều hoạ tiết đẹp, lạ mắt, độc đáo.
Phụ nữ Hmông trắng trong trang phục truyền thống. |
Bà Dương Thị Mỵ (90 tuổi), dân tộc Hmông trắng ở thôn Noh Prông (xã Hòa Phong) còn nhớ như in cách dệt may váy áo truyền thống của ông bà xưa kia. Bà kể, làm ra được một bộ trang phục cho phụ nữ rất cầu kỳ và công phu. Người Hmông tự trồng cây lanh (tiếng Hmông là cây maj) để lấy sợi dệt vải, cây lanh được gieo sạ dày để Độc đáo... (Tiếp theo trang 6)
tạo cho cây mọc thẳng đứng mới có chất lượng tốt hơn. Đến thời kỳ thu hoạch, bà con cắt bó về phơi nắng từ 7 ngày đến nửa tháng cho khô rồi mang tước thành sợi, đưa vào cối giã mềm, sau đó nối lại, cuốn thành từng cuộn tròn và mang giặt sạch. Công đoạn tiếp theo là luộc cho tới khi sợi lanh mềm và trắng thì mang phơi rồi guồng chia sợi trước khi mắc vào khung cửi. Một bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Hmông đầy đủ gồm: mũ hoặc khăn xếp, áo xẻ ngực, váy, thắt lưng và xà cạp. Mũ của các cô gái hay phụ nữ trẻ giống nón quai thao nhưng có nhiều tầng, nhiều màu, được đính cườm rất đẹp, còn người lớn tuổi thì đội khăn xếp rộng vành hoặc khăn quấn theo kiểu mũ nồi đen. Áo có cổ phía trước hình chữ V, hai bên được nẹp thêm vải màu tùy thích, phía sau áo của người Hmông hoa là một bức thêu hình chữ nhật được trang trí hoa văn, còn áo người Hmông trắng là một bức thêu dày, cứng và cong lên phía hai vai của người phụ nữ. Hai ống tay áo thường thêu hoa văn là những đường vằn ngang với đủ màu sắc hồng, xanh vàng, tím… Đây là nơi hoa văn tập trung nhiều nhất làm nổi bật chiếc áo. Váy của phụ nữ Hmông là váy mở, không may liền như váy của phụ nữ Êđê, Mnông, mà có nhiều nếp gấp, rộng, khi xòe ra mềm mại như cánh hoa, trên nền váy may những sợi chỉ to với nhiều màu sặc sỡ, ở giữa váy được thêu nhiều hoa văn cầu kỳ, dưới chân váy là phần tập trung các họa tiết và được trang trí tinh xảo nhất. Phần cạp váy được khâu xếp lại cho vừa một vòng bụng và có hai dây để buộc, có một tấm vải che trước váy thể hiện ý tứ và sự kín đáo của người phụ nữ. Chiếc thắt lưng là một miếng vải rộng khoảng 6 - 7cm và dài 2 m, đoạn giữa được thêu các hoa văn, màu đẹp, quấn ngang bụng làm tôn thêm vẻ đẹp của người phụ nữ, làm cho các thiếu nữ có vóc dáng đẹp hơn.
Bộ trang phục của phụ nữ Hmông hoa. |
Bà Vàng Thị Mai (70 tuổi), người Hmông hoa ở thôn Ea Khiêm (xã Hòa Phong) lý giải: Trong bộ trang phục truyền thống của người Hmông không thể thiếu xà cạp, do phụ nữ Hmông thường mặc váy ngắn ngang hoặc dưới đầu gối chừng 20 cm, đồng bào lại sống ở trên các rẻo núi cao thời tiết lạnh. Vì thế, quấn xà cạp càng to, càng dày vừa để ấm hai bắp chân, vừa làm đẹp và đồng thời còn thể hiện sự mạnh mẽ đôi chân của người phụ nữ, đây cũng là tiêu chí để các chàng trai lựa chọn cho mình một người vợ khỏe mạnh.
Người Hmông đánh giá tài năng, vẻ đẹp của người phụ nữ qua khả năng thêu, dệt và bộ trang phục. Vì vậy, ngay từ khi 9, 10 tuổi, các bé gái đã được các mẹ, các chị dạy cho cách thêu thùa, may vá; đến khi lấy chồng, các cô gái dù giàu hay nghèo đều tự may một bộ trang phục truyền thống làm của hồi môn.
Ngày nay, với sự tiến bộ của công nghệ dệt may, nhiều chất liệu mới được bày bán trên thị trường nên nghề trồng cây lanh dệt vải không còn phổ biến, phụ nữ Hmông thường mua vải về thêu, may thành những bộ trang phục có đính hạt cườm, kim tuyến rất lộng lẫy. Dù được làm bằng chất liệu nào thì bộ trang phục của phụ nữ Hmông cũng vẫn giữ nguyên được cái hồn, tạo nên một sắc thái riêng khó nhầm lẫn với các dân tộc khác.
Mai Viết Tăng
Ý kiến bạn đọc