Độc đáo điệu múa "Sư tử mèo"
09:05, 21/04/2019
Xa quê nhiều năm, người Tày - Nùng ở Tây Nguyên vẫn lưu giữ nguyên vẹn điệu múa “Sư tử mèo” truyền thống trên vùng đất mới.
Đánh trống cho các nam thanh niên biểu diễn điệu múa “Sư tử mèo” phục vụ Lễ hội Hảng Pồ 2019 (lễ hội đầu xuân lớn nhất trong năm của người Tày - Nùng), anh Phan Văn Thìn (32 tuổi) cho biết gia đình anh vào xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ sinh sống đã hơn 20 năm.
Ở vùng đất mới, anh và nhiều người con xa quê vẫn lưu giữ điệu múa truyền thống như một cách để nhớ về quê hương, nguồn cội. Cứ gần đến ngày hội, thanh niên trong thôn lại rủ nhau mang sư tử ra tập luyện. Người biết chỉ người chưa biết, tập múa cho đến thuần thục.
Người lớn, trẻ nhỏ ai múa sư tử cũng được chỉ cần thích và có sức khỏe. Bởi các bài múa sư tử đều có những động tác múa võ vừa nhanh, vừa uyển chuyển theo nhịp trống chiêng, chũm chọe. Người múa phải di chuyển sư tử lên cao, xuống thấp, xoay vòng đúng tiết tấu. Một bài múa chỉ kéo dài 7 phút, nhưng đòi hỏi kỹ thuật điêu luyện của người biểu diễn.
Theo anh Thìn, người Tày - Nùng rất xem trọng con sư tử bởi chúng là chúa sơn lâm, vua của các loài vật. Sư tử đi đến đâu sẽ xua đuổi điều xấu, mang hạnh phúc, no đủ và niềm vui đến đó. Vậy nên các dịp lễ hội, ngày trọng đại của thôn bản luôn có sự hiện diện của điệu múa “Sư tử mèo”, nhất là ngày đầu năm mới.
Điệu múa “Sư tử mèo” trình diễn trong Lễ hội Hảng Pồ 2019 tại xã Ea Siên. |
Tùy vào không gian, địa điểm, mục đích để chọn bài múa như: Múa đi đường, bài cầu may, múa chào thần thánh, múa chúc mừng năm mới… đi cùng là những trò diễn phù hợp (múa võ, nghệ thuật chồng hình, nhào lộn…). Mỗi bài múa đi kèm một điệu nhạc, người múa chỉ cần nghe chuyển nhạc gõ là biết trình diễn múa bài tương thích.
Mỗi dịp trình diễn điệu múa “Sư tử mèo”, người xem không chỉ ấn tượng những vũ điệu múa khỏe khoắn, uyển chuyển mà còn thích thú với “ngoại hình” lạ mắt của các chú sư tử. Ông Nông Văn Liện (thôn 1, xã Ea Siên) lý giải, đầu sư tử không giống với các loại thông thường khác bởi chiếc đầu có hình dáng gần giống sư tử, nhưng khuôn mặt lại của con mèo nên điệu múa này có tên gọi “Sư tử mèo”.
Vào các ngày hội tổ chức tại xã Ea Siên, phần thu hút đông đảo người dân, du khách xem nhất là điệu múa “Sư tử mèo”. Đây là điệu múa truyền thống, thể hiện sức mạnh, tinh thần thượng võ của người Tày - Nùng.
|
Trong quá trình làm đầu sư tử, khâu khó là chọn đất làm khuôn mặt. Đất sét phải mịn, để khô không bị vỡ nứt. Đất thường được lấy ở gần suối, nơi hiếm người lui tới. Khi nặn mặt xong, phần đất dư phải đem bỏ ở nơi hẻo lánh, không được để bất kỳ ai bước ngang đầu sư tử vì như vậy sẽ mất thiêng. Nặn xong khuôn mặt, thợ cho nung qua lửa, phơi nắng đủ độ rồi dùng sơn, mảnh vải trang trí.
Đầu sư tử hoàn chỉnh có hình tròn giống chiếc nón vành rộng, đường kính khoảng 50 cm, có mắt mũi to, mồm rộng, tai nhỏ, có râu, lông mày, có 3 chiếc sừng, lưỡi và râu mép… trông rất dữ. Phía trong đầu có 2 thanh ngang bằng gỗ để làm tay cầm khi múa. Mỗi con sư tử có khuôn mặt, sắc thái riêng, không con nào giống nhau.
Thân sư tử được may bằng nhiều lớp vải đen - xanh - đỏ - tím - vàng xen kẽ nhau dài từ 1,5 - 2 m. Trong đội múa thường có 2 đầu sư tử: Một đầu lớn (Sư tử mèo) và một đầu sư tử con. Điểm nhận biết con “Sư tử mèo” ngoài hình dáng, kích thước to hơn còn có băng vải đen đeo ở cổ.
Người nào giỏi võ, múa điêu luyện mới được phép điều khiển con “Sư tử mèo”, còn người ít kinh nghiệm hơn sẽ múa sư tử con (có miếng vải xanh quấn trên cổ). Ngoài sư tử ra còn có thêm mặt nạ đười ươi, khỉ, báo… trộng rất ngộ nghĩnh. Chúng cũng được làm bằng giấy hoặc đất sét và sơn thành hình thù bắt mắt.
Theo ông Liện, làm trọn bộ sư tử rất tốn thời gian. Một người làm không xuể, phải 3 - 4 người cùng làm mới nhanh. Làm thì ai cũng làm được song để tạo ra con sư tử có hồn thì phải là người có kinh nghiệm, khéo tay. Đàn ông chủ yếu làm khuôn, trang trí mặt nạ; phụ nữ khéo tay đảm nhận việc may vá phần thân sư tử. Một bộ sư tử dùng được 2 - 3 năm, cứ hết lễ hội người dân lại đưa sư tử về cất kỹ trên gác cao.
Huỳnh Thủy
Ý kiến bạn đọc