Multimedia Đọc Báo in

Những người giữ "mạch nguồn" văn hóa ở Krông Năng

08:58, 21/04/2019
Mê đắm tiếng đàn Tính, điệu hát Then quê hương từ khi còn nhỏ, để rồi khi xa quê lập nghiệp trên vùng đất mới, những người con Cao Bằng lại truyền niềm say mê đó cho thế hệ trẻ với mong muốn gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
 
Từ nhỏ, ông Hoàng Thanh Dong (SN 1954, dân tộc Tày, ở thôn Tam Đồng, xã Ea Tam, huyện Krông Năng) đã mê tiếng đàn Tính mượt mà cùng giai điệu Then ngọt ngào trong những buổi hội làng bản. Từ đó, ông mày mò học đánh đàn, ngâm nga hát theo và khi mới 15 tuổi đã đánh đàn thành thạo và thuộc rất nhiều bài Then cổ.
 
Năm 1990, ông cùng gia đình từ quê hương Cao Bằng vào Đắk Lắk lập nghiệp. Những ngày đầu trên quê hương mới, cuộc sống vô cùng khó khăn, vất vả nhưng đời sống tinh thần luôn lạc quan. Dù cả ngày công việc nương rẫy vất vả, mệt nhọc nhưng tối về bà con lối xóm cùng quê hương lại quây quần bên nhau gảy đàn Tính, ngâm nga hát Then để giải khuây và cũng là để vơi đi nỗi nhớ quê hương.
 
Sau gần 30 năm xây dựng kinh tế trên vùng đất mới, cuộc sống giờ đây khấm khá hơn rất nhiều, điệu hát Then và cây đàn Tính vẫn được ông Dong nâng niu, giữ gìn bởi đó chính là tình yêu với văn hóa quê hương mình. 
 
Không những là người hát Then và đánh đàn Tính hay, ông Dong còn là nghệ nhân chế tác đàn có tiếng ở địa phương. Đến nay, ông đã chế tác được gần 250 cây đàn Tính. Ông không làm đàn để kiếm tiền mà chủ yếu gửi tặng bạn bè và khi có người hỏi mua thì bán với giá từ 800.000 -1 triệu đồng/cây.
 
Anh Lý  Văn Hợi trình diễn một điệu Then do anh sáng tác.
Anh Lý Văn Hợi trình diễn một điệu Then do anh sáng tác.
Ông Dong tâm sự: “Để có những làn điệu Then trong trẻo, ấm áp thì cây đàn Tính là một yếu tố đặc biệt quan trọng. Cây đàn Tính hay còn gọi là Tính tẩu, xưa kia được đồng bào Tày chế từ quả bầu và gỗ lấy từ rừng, gồm 3 bộ phận chính là: bầu đàn, cần đàn và dây đàn.
 
Bầu đàn được làm bằng nửa quả bầu khô có đường kính khoảng 68 cm; người Tày thường chọn quả bầu khô to, già và tròn để làm bầu đàn; cần đàn làm bằng gỗ thập mấc hoặc cây ngô đồng có chiều dài khoảng 75 cm, có một đầu xuyên qua bầu đàn, đầu còn lại được uốn cong hình lưỡi liềm gọi là đầu đàn.
“Để khơi dậy niềm say mê văn hóa truyền thống ở thế hệ trẻ, việc thành lập CLB đàn Tính, hát Then thôn Tam Đồng của hai nghệ nhân Hoàng Thanh Dong và Lý Văn Hợi là rất cần thiết, cần được nhân rộng. Chúng tôi luôn khuyến khích và hỗ trợ để các nghệ nhân truyền dạy, đào tạo các cháu về đàn Tính, hát Then, qua đó góp phần bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống này” -  Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tam La Bế Thủy Trang.

Cây Tính tẩu cổ xưa có 12 dây, nhưng hiện nay thường được chế tác thành đàn Tính 2 hoặc 3 dây. Để hoàn thành 1 cây đàn Tính mất khoảng 15 ngày đến 1 tháng”. Hiện nay, ngoài giờ lên rẫy ông lại dành thời gian để truyền dạy đàn Tính, hát Then cho thế hệ trẻ ở địa phương. 

Anh Lý Văn Hợi (SN 1983) cùng quê hương Cao Bằng với ông Dong, vào Đắk Lắk lập nghiệp năm 1990 cũng là người đánh đàn Tính, hát Then rất hay. Cũng vì nặng lòng với đàn Tính, hát Then nên năm 2018, anh cùng nghệ nhân Hoàng Thanh Dong đứng ra thành lập Câu lạc bộ (CLB) đàn Tính hát Then xã Tam Đồng.
 
Hiện nay, CLB có 15 thành viên (6 nam, 9 nữ) duy trì tập luyện vào tối thứ bảy, chủ nhật hằng tuần. Mỗi khi địa phương có hoạt động giao lưu văn hóa - văn nghệ hay các dịp lễ, Tết, CLB lại mang tiếng đàn Tính, điệu hát Then đến góp vui. 
 
Bên cạnh đó, các nghệ nhân còn tận tình hướng dẫn, kèm cặp các em nhỏ trong thôn luyện tập. Ngoài tập những bài Then cổ mang tính nghi lễ, các nghệ nhân thường sáng tác nhiều bài Then mới theo các chủ đề ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, sự đổi thay trên quê hương mới…
 
Theo anh Hợi, Then có nghĩa là “thiên” (trời) và Then không chỉ là khúc hát cầu an lành, may mắn mà còn gắn liền với sinh hoạt tín ngưỡng. Trong hát Then, đồng bào Tày luôn dùng cây đàn Tính để tạo ra nhịp điệu cho bài hát, tạo không khí thêm vui tươi, sinh động. Vì vậy, điệu Then luôn được gìn giữ từ đời này sang đời khác và cây đàn Tính được bảo quản chu đáo, cẩn thận...
 
Chị La Bế Thủy Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tam cho biết: "Xã có 12 dân tộc anh em sinh sống, trong đó đồng bào Tày - Nùng chiếm gần 90%. Những năm gần đây, kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng cao và điều đáng quý là người dân vẫn gìn giữ gần như nguyên vẹn văn hóa truyền thống quê hương như: tục nấu rượu men lá, làn điệu Then quê hương, bảo tồn nhà sàn truyền thống.
 
Hằng năm, xã đều tổ chức Lễ hội dân gian văn hóa Việt Bắc nhằm lưu giữ bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc Tày - Nùng, làm phong phú văn hóa các dân tộc trên mảnh đất Tây Nguyên; đồng thời góp phần thực hiện công tác “Bảo tồn và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.       
       
Thế Hùng

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.