Multimedia Đọc Báo in

Về thăm làng chiếu Định Yên

09:21, 21/04/2019
Cạnh bờ sông Hậu mênh mang của Đồng bằng sông Cửu Long trù phú có một làng nghề dệt chiếu rất lâu đời và ngôi chợ hơn 100 năm tuổi thuộc huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Chợ chiếu Định Yên còn được người dân địa phương gọi là chợ “ma” bởi sinh hoạt khá lạ lùng của nó!
 
Qua khỏi thị trấn Lấp Vò (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) chừng 3 km, rẽ trái về phía sông Hậu thêm 10 km sẽ tới làng chiếu Định Yên và chợ “ma”. Du khách cũng có thể đi từ bến phà Cần Thơ cũ theo Tỉnh lộ 54 ngược nguồn sông Hậu chừng 50 km đến thẳng làng chiếu. Nếu xuất phát từ miệt Long Xuyên, Rạch Giá, du khách phải qua phà Vàm Cống vượt sông Hậu và đi thêm một đỗi nữa về phía nam mới tới Định Yên.
 
Làng chiếu Định Yên là làng nghề thủ công truyền thống có từ lâu đời. Những người bản địa cố cựu cũng không biết làng nghề có tự bao giờ. Theo các nhà nghiên cứu thì cư dân làng chiếu Định Yên có gốc gác từ đồng bằng ven biển Bắc Bộ (Thái Bình, Nam Định). Khi vào phương Nam, lưu dân đã mang theo nghề dệt chiếu truyền thống; các hoa văn, họa tiết và kỹ thuật dệt, in trên mặt chiếu đã chứng minh điều này.
 
Nghề dệt chiếu ở Định Yên được lưu truyền theo kiểu “cha truyền con nối”. Chiếu được dệt bằng những sợi lát do thương lái mang đến từ miệt Sa Đéc, Vĩnh Long, Cần Thơ. Ở làng chiếu Định Yên, du khách sẽ thấy những sợi lát màu sắc sặc sỡ treo khắp đường đi; tiếng khung dệt kêu lạch cạch, lách cách từ đầu thôn đến cuối xóm nghe vui tai, ấm áp… 
 
Người dân làng Định Yên dệt chiếu.
Người dân làng Định Yên dệt chiếu.
Chị Ngô Thị Kim Mười, chủ cơ sở sản xuất chiếu Thanh Hùng cho biết: Công việc dệt chiếu đòi hỏi sự khéo léo, cần cù và nhất là lòng yêu nghề. Mỗi động tác dệt được kết hợp nhịp nhàng, ăn khớp giữa người “chùi” lát và người ép lát. Một chiếc chiếu thành phẩm phải trải qua nhiều công đoạn như chọn lát, nhuộm màu, phơi, thiết kế hoa văn, dệt, bẻ vành, viền…
 
Trong các loại chiếu thì chiếu hoa và chiếu vảy ốc là khó dệt nhất bởi nó đòi hỏi sự phân bố, bắt chữ sao cho đẹp và tinh xảo. Thu nhập của nhân công dệt chiếu hiện nay khoảng 80.000 đồng/ngày; hai người có thể dệt mỗi ngày được 3 đôi chiếu. Nghề dệt chiếu dù không cho thu nhập cao nhưng đã tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương. Ở Định Yên có tới hơn 70% hộ dân theo nghề làm chiếu.
Mới đây, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Kế hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị hai Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia là “Nghề đóng xuồng, ghe” (xã Long Hậu, huyện Lai Vung) và “Nghề dệt chiếu” (xã Định An và Định Yên, huyện Lấp Vò) giai đoạn 2017 - 2020. Hy vọng, với sự đầu tư của cơ quan chức năng, nghề làm chiếu Định Yên tiếp tục được duy trì, phát triển và chợ “ma” độc đáo sẽ được phục dựng, tái hiện lại phục vụ cho văn hóa và du lịch.

Chiếu Định Yên gồm có các loại chiếu trắng, chiếu in hình hoa văn, chiếu con cò, chiếu cưới trang trí lộng lẫy. Sản phẩm chiếu đủ loại, đa dạng về màu sắc, hoa văn; từ chiếu trắng thường đến chiếu bông (vảy ốc, trà niên, con cờ...) với giá bán khác nhau tùy theo mẫu mã và chất lượng sản phẩm (từ 80.000 - 150.000 đồng/đôi)…

Năm 2013, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã chính thức công nhận làng nghề dệt chiếu Định Yên là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
 
Đến làng chiếu Định Yên, du khách sẽ được nghe kể về ngôi chợ “ma” lạ lùng ở nơi này. Sở dĩ gọi là chợ “ma” bởi giờ giấc họp chợ không giống như những chợ bình thường. Giờ họp chợ đêm sau được quy định ở đêm trước và thay đổi luôn nhưng người mua, kẻ bán bao giờ cũng nắm được giờ giấc. Chợ đêm Định Yên mỗi phiên có hàng trăm ghe thương hồ buôn chiếu từ nhiều nơi đến lấy hàng.
 
Trong ánh sáng lung linh, mờ ảo của những ngọn đèn chong leo lét, vật vờ trong gió là cảnh ghe thương hồ cắm sào đậu san sát dưới bến sông; người mua kẻ bán lầm rầm bên những ngọn đèn, dưới những tàng cây trâm cổ thụ um tùm. Bóng những cô gái quê trong tà áo bà ba, tóc dài, mờ ảo không rõ mặt, ôm bó chiếu thấp thoáng trong làn sương mỏng, đi đi lại lại gợi cho người ta nhớ đến chuyện “Liêu trai chí dị” của Bồ Tùng Linh! Những thanh âm nhẹ nhàng, trầm lắng giữa không gian trầm mặc trước cổng ngôi chùa cổ An Phước đã hình thành nên nét độc đáo, lạ lùng và cả lãng mạn của chợ “ma”.
 
Thông thường, mỗi ghe mua chiếu đậu tại bến chợ vài đêm; sau khi mua được chừng một “thiên” (1.000 chiếc) chiếu là nhổ sào đi. Chiếu được các ghe bỏ mối ở những chợ đồng bằng; có khi những ghe thương hồ ấy lênh đênh theo con nước, bán dạo khắp vùng sông nước Cửu Long.
 
Ngày nay, do môi trường xã hội đã có nhiều thay đổi, chợ “ma” không còn được duy trì nữa. Nét đẹp văn hóa ấy bây giờ chỉ còn trong ký ức của những người đã từng được tham dự những phiên chợ lạ lùng.
 
Hoàng Thám
 

Ý kiến bạn đọc