Lúa rẫy trong đời sống của người dân Đắk Phơi
Trong đời sống của người M’nông tại xã Đắk Phơi (huyện Lắk), lúa rẫy là loại lương thực ưa thích, được người dân sử dụng để phục vụ nhu cầu hằng ngày và trong các dịp lễ hội.
Vào tháng 5 hằng năm, khi trời bắt đầu có mưa, đồng bào M’nông lại cùng nhau lên rẫy trỉa lúa trên các sườn núi. Cây lúa lấy dinh dưỡng từ trong lòng đất, cứ thế lớn lên mà chẳng cần bón phân, mỗi mùa lúa người dân chỉ đi nhổ cỏ chừng hai lần. Đến tháng 11, người dân lên núi thu hoạch, tự tay tuốt lúa rồi gùi về nhà, phơi khô, cất giữ để sử dụng dần.
Bà H’Ziang Cil (buôn Du Măh) sử dụng gạo rẫy để phục vụ bữa ăn cho gia đình. |
Những năm tháng theo bố mẹ lên rẫy tuốt lúa đến rát tay, chảy máu luôn là ký ức đẹp của bà H’Ziang Cil (buôn Du Măh). Bởi đó là những lúc được mùa, tuy mệt mỏi nhưng đổi lại là những gùi lúa đầy ắp, không phải lo đói ăn. Nay bà H’Ziang đã hơn 60 tuổi. Bà không còn lên rẫy làm việc mà ở nhà trông mấy đứa cháu và lo nấu ăn phụ con cháu. Gia đình bà có hơn 1 ha rẫy trên khu vực đồi Đắk Hiu để trồng lúa rẫy, mỗi năm thu được gần 40 bao lúa. Bên cạnh đó gia đình bà còn làm thêm 2 sào lúa nước để không bị đói mùa giáp hạt. Mỗi sáng khi các con đi làm, bà ở nhà nấu đồ ăn.
Bà H’Ziang chia sẻ: “Các món ăn tôi nấu rất đơn giản, đều được làm từ gạo rẫy, khi thì cháo trắng, sang hơn thì “cháo bầu” (là cháo được nấu từ gạo rẫy có thêm măng rừng, cà đắng, sả, ớt) bỏ sẵn vào các quả bầu khô để tầm trưa con trai về lấy đưa lên rẫy cho mọi người ăn trưa. Giữa trưa nắng nóng, sau khi làm việc mệt mỏi mọi người cùng ăn cháo bầu, cảm giác mát ngọt, chua chua, dễ nuốt giúp họ lấy sức làm việc đến chiều. Thế nên, dù gia đình tôi có hai loại gạo từ lúa nước và lúa rẫy nhưng đối với tôi vẫn thích sử dụng lúa rẫy hơn”.
Gạo rẫy hạt to, khi nấu nở nhiều, cứng nên không bị nhão, khê nên bên cạnh nấu cháo, cơm… gạo rẫy được phụ nữ M’nông ưa chuộng chọn để nấu rượu cần. Rượu cần được nấu từ gạo rẫy có hương vị ngon hơn gạo làm từ lúa nước. Vì vậy, mỗi mùa, gia đình chị H’Zin Cil (buôn Jiê Yuk) chỉ có tầm 15 – 16 bao lúa rẫy, một phần để cất giữ làm giống cho mùa sau, số còn lại chỉ để rượu cần. Chị H’Zin cho hay, quy trình nấu rượu cũng khá đơn giản, chỉ cần cơm, men và một ít trấu, trong đó, cơm và men là quan trọng nhất.
Đối với cơm, chị luôn chọn gạo rẫy để nấu vì cơm nấu từ gạo rẫy sẽ cứng, không nhão nên rượu sẽ ít khi bị khê, chua. Đặc biệt, có một bí quyết trong quy trình làm rượu là những người phụ nữ M’nông thường để dưới đáy ché một lớp gạo rang, để rượu dậy thêm mùi thơm. Nhưng đối với gạo rẫy, gạo không cần rang thì rượu cũng sẽ rất thơm. Trung bình mỗi tháng, chị H’Zin đều nấu từ 5 – 6 ché rượu làm từ gạo rẫy để phục vụ cho nhu cầu hằng ngày của gia đình và bán cho một số người dân địa phương.
Rượu cần được làm bằng gạo rẫy của chị H’Zin Cil (bên phải) buôn Jiê Yuk. |
Hiện nay, tại xã Đắk Phơi vẫn còn khá nhiều hộ trồng lúa rẫy, tập trung tại khu vực buôn Jiê Yuk, Đung, T’long, Du Măh... Tuy diện tích trồng hạn chế vì trên vùng đồi núi cao lại khá vất vả do các công đoạn đều phải làm bằng tay, sản lượng thấp, nhưng đồng bào M’nông trong xã vẫn yêu thích loại lúa này, coi đó là một loại lương thực quý giá. Thế nên, giống lúa rẫy được người dân nâng niu, gìn giữ từ đời này qua đời khác cho đến tận bây giờ. Mỗi năm lúa rẫy chỉ có một mùa, lại được người dân địa phương yêu thích nên rất ít khi đem bán.
Thùy Dung
Ý kiến bạn đọc