Bảo tồn văn hóa bằng... cha truyền con nối
Trước nguy cơ mai một, việc lưu giữ bằng hình thức “cha truyền con nối” từ mỗi gia đình sẽ là một giải pháp, cách bảo tồn văn hóa truyền thống hữu hiệu...
Nối dài nhịp chiêng
Giữa cuộc sống tất bật, hiện đại, gia đình nghệ nhân Y Xuân Ayun (buôn Kwang A, xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ) vẫn miệt mài bảo tồn văn hóa cồng chiêng.
Trong ngôi nhà dài truyền thống, hằng ngày ông Y Xuân đều cố gắng truyền dạy từng nhịp chiêng cho người con trai út của mình là Niê Quốc Sơn (25 tuổi) với mong muốn lưu truyền giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc cho muôn đời sau.
Càng học Sơn càng thêm yêu thích loại hình văn hóa này cũng như hiểu thêm giá trị của cồng chiêng trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào mình. Sau khóa học, Sơn đã có thể đánh được các bài chiêng cơ bản và thường xuyên tham gia vào đội cồng chiêng trẻ của xã đi biểu diễn.
Nghệ nhân Y Xuân truyền dạy cồng chiêng cho người dân trong buôn Kwang A (xã Cư Bao). |
Đam mê và gắn bó với cồng chiêng, ông Y Xuân bày tỏ, cồng chiêng không chỉ là một loại nhạc cụ mà nó còn là linh hồn, sợi dây linh thiêng nối liền giữa con người và thần linh. Chính niềm tin đó, nghệ nhân Y Xuân đã dìu dắt, truyền đạt cho nhiều lớp chiêng trẻ ở địa phương để các em biết và tham gia các liên hoan, hội thi, hội diễn. Ngoài cồng chiêng, ông còn biết hát ay ray, thổi kèn đing năm. Đặc biệt, năm 2019, nghệ nhân Y Xuân vinh dự được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Được biết, ngoài gia đình nghệ nhân Y Xuân, trên địa bàn xã Cư Bao hiện còn một số gia đình có 2 - 3 thế hệ biết đánh cồng chiêng; đặc biệt còn rất nhiều gia đình lưu giữ các bộ chiêng quý để lưu truyền cho con cháu đời sau.
Ngân vang điệu then, đàn tính
Rời quê hương Cao Bằng vào xã Ea Sar (huyện Ea Kar) lập nghiệp đã gần 25 năm, vợ chồng ông Đàm Minh Phương (dân tộc Tày) luôn mang theo tiếng đàn tính cùng những điệu hát then để làm phong phú thêm đời sống văn hóa ở vùng đất mới. Niềm đam mê đó lớn dần theo năm tháng xa quê để rồi năm 2000 ông quyết định đứng ra thành lập Câu lạc bộ đàn tính hát then thôn 3 để tập hợp những người đam mê và muốn lưu giữ loại hình nghệ thuật này. Không chỉ thế, vợ chồng ông còn truyền dạy cho người con trai đầu là anh Đàm Văn Hùng (32 tuổi).
Vợ chồng ông Phương truyền dạy đàn tính hát then cho con trai và cháu nội. |
Bà Dương Thị Thương (vợ ông Phương) cũng đam mê điệu then từ năm 16 tuổi, đến năm 2009 bà được chồng dạy đàn tính. Chỉ sau hơn 3 tháng theo học, bà có thể đàn hát được tất cả các làn điệu cùng với chồng. Còn đối với anh Hùng, niềm đam mê đó chỉ mới bắt đầu một vài năm trở lại đây khi anh thường xuyên được nghe bố mẹ đàn hát. Từng lời then mượt mà, trầm ấm và đầy xúc động dần đi vào tâm thức để rồi nhiều đêm anh say sưa ôm đàn tính tập từng nốt nhạc quên cả thời gian. Mục tiêu anh hướng tới nữa là sau này khi con cái lớn, mình có thể truyền dạy lại để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
Hiện tại, mỗi tuần vợ chồng ông dành từ 3 - 4 buổi tối để truyền dạy đàn tính hát then cho 4 người trẻ. Theo ông Phương, những người già biết hát then, đánh đàn tính ngày càng ít đi, trong khi đó, lớp trẻ dường như không ai biết và không được truyền dạy. Do đó, khi có người đến xin học ông vui vẻ, nhiệt tình chỉ dạy mà không kể ngày đêm. Hiện nay, CLB đàn tính hát then thôn 3 có 7 thành viên và thường tập hợp để đi giao lưu với các địa phương trong tỉnh. Khi những tiếng đàn, lời ca cất lên, mọi người như xích lại gần nhau hơn.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc