Hát Then - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Mới đây, vào ngày 12-12-2019, tại Phiên họp Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của UNESCO diễn ra ở Bogotá (Colombia), di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính thức được Ủy ban Văn hóa - Khoa học và Giáo dục Liên hiệp quốc (UNESCO) ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Theo UNESCO, hồ sơ đề cử Di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để ghi tên vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hội đồng di sản đánh giá rất cao những giá trị của loại hình di sản độc đáo này với nhận định: “Thực hành Then ở Việt Nam tạo thành một phần cơ bản trong đời sống tinh thần của người Tày, Nùng, Thái; phản ánh mối quan hệ giữa con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ; thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc; góp phần giáo dục đạo đức, lối sống nhân đạo và bảo vệ các phong tục và truyền thống văn hóa ở Việt Nam”.
Theo số liệu thống kê của Cục Di sản, hiện có 817 thầy Then (213 nam, 604 nữ), trong đó có 439 người Tày, 328 người Nùng, 23 người Thái và 27 người ở các dân tộc khác như Hoa, Cao Lan, Dao... Hình thức diễn xướng của loại hình nghệ thuật dân gian này hấp dẫn người xem là do có sự kết hợp giữa múa Then và hát Then. Nhạc cụ chủ yếu là cây đàn tính - đây là cây đàn thiêng vì gắn với sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng. Thầy Then mặc lễ phục, vừa hát vừa gảy đàn tính (tính tẩu), xóc nhạc và phất chiếc quạt giấy khởi đầu buổi lễ Then.
Lễ Then diễn tả hành trình thầy Then (Ông Then, Bà Then) điều khiển âm binh đi từ Mường Đất lên Mường Trời để dâng lễ vật và thỉnh cầu đến thần linh. Đồng bào quan niệm Then là “thiên”, là khúc hát thần tiên, những Ông Then, Bà Then chính là sứ giả của thần thánh, là người giúp họ gửi vía cầu thần, chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của con người, gia chủ tới thần linh. Do đó, Then được duy trì, thực hành chủ yếu trong các nghi lễ vòng đời người mang yếu tố tâm linh như lễ giải hạn, lễ nối khố, lễ cấp sắc, lễ cúng tổ tiên, cầu sức khỏe, mừng nhà mới, mừng thọ ông bà, cha mẹ….
Cô gái Thái trắng với cây đàn tính tẩu. |
Hát then cũng gắn bó chặt chẽ với đời thực, dùng để chúc phúc, cầu được mùa, vui chơi khi tết đến xuân về cầu chúc may mắn, an lành, trao đổi tâm tình lứa đôi, bày tỏ tình yêu quê hương, bản làng, đất nước. Lời hát Then cầu mong điều tốt đẹp đến với dân bản: “Đầu tay cầm chắc tiền tài/Cuối tay cầm chặt tiền vốn/Làm gì cũng được/Muốn gì cũng thành/Cơm gạo đủ đầy/Phú quý chứa chan/Về trần thế được an/Về dương gian được mạnh”. Tiếng hát, tiếng đàn mang hồn cốt dân tộc, khi cất lên thì “hoa thêm sắc, cỏ cây xanh tươi, gió bay nhẹ lướt, mây lượn theo gió, suối reo thì thầm, lúa vàng đâm bông, ngô vui bắp lớn” (Dân ca Tày - Nùng). Hát Then, đàn tính đã ăn sâu trong huyết quản người Tày, Nùng, Thái. Lời Then đi theo suốt cuộc đời mỗi người từ khi còn là bào thai đến lúc từ giã cõi đời.
Nét độc đáo của lễ Then chính là sắc màu trang phục của thầy Then và những người tham gia thực hành nghi lễ, diễn xướng. Khi hát Then, đồng bào mặc những loại trang phục truyền thống đặc trưng của dân tộc. Thầy Then đội chiếc mũ có nhiều tua màu sặc sỡ, tạo nên nét trang nghiêm, huyền bí. Phụ nữ với chiếc áo dài, váy, khăn, thắt lưng đều đồng màu xanh chàm hay tím hồng, ít trang trí, thêu thùa, làm nổi bật vòng cổ, vòng tay, xà tích trên nền vải chàm. Nhóm nữ tham gia múa hát phụ họa. Đàn ông giản dị trong bộ quần dài, áo cánh ngắn vải bông nhuộm chàm.
Phụ nữ Thái trắng biểu diễn đàn tính trong lễ Then. |
Với giá trị nghệ thuật đặc sắc, thời gian qua, các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta đã có những hoạt động gìn giữ và quảng bá hát Then thông qua việc tổ chức những hội diễn văn nghệ, tham gia các liên hoan đàn tính – hát Then. Năm 2015, tỉnh Tuyên Quang đã đăng cai tổ chức Liên hoan nghệ thuật hát Then - đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái Việt Nam lần thứ V để tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế về loại hình nghệ thuật hát Then.
Các bài then có sức sống trường tồn và đang tiếp tục phát triển, trở thành nếp nghĩ, sức sáng tạo văn hóa, nghệ thuật của dân tộc vùng Đông Bắc và Tây Bắc. Đến với bản làng các dân tộc Tày, Nùng, Thái vào dịp lễ hội, sẽ thấy hình ảnh ấn tượng, đó là các cô gái tay cầm đàn tính, ngân nga những câu hát Then. Tiếng đàn thánh thót và giọng ca ngọt ngào, trong trẻo của các “cô gái áo chàm” mãi níu chân du khách…
Tấn Vịnh
Ý kiến bạn đọc