Multimedia Đọc Báo in

Hội làng đầu xuân ở xứ Quảng

06:01, 28/01/2020

Hội làng đầu xuân xứ Quảng rất đa dạng, phong phú.

Đây là dịp tri ân các bậc tiền nhân, các vị thành hoàng làng, những vị thần bảo hộ như: Lễ hội khai sơn ở làng Nghi Sơn (xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn), hay những người có công khai phá vùng đất như: Lễ hội rước cộ Bà Chợ Được (xã Bình Triều, Thăng Bình), hoặc dạy truyền nghề như Bà chúa Tầm tang Đoàn Thị Quý Phi (Duy Xuyên), tri ân những vị tổ của làng nghề như Lễ hội Cầu Bông, Lễ hội làng mộc Kim Bồng, Lễ tế tổ nghề yến Thanh Châu (TP. Hội An), lễ giỗ tổ làng đúc đồng Phước Kiều (xã Điện Phương, Điện Bàn)... hoặc thể hiện lòng biết ơn những người giàu lòng cứu nhân độ thế mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân như: Lễ hội Bà Thu Bồn (xã Duy Tân, Duy Xuyên), Lễ hội Dinh Bà Chiêm Sơn (xã Duy Trinh, Duy Xuyên), Lễ hội Bà Phường Chào (xã Đại Cường, Đại Lộc)... Lễ hội đầu xuân thường được tổ chức trong 2 - 3 ngày. Phần lễ bao gồm lễ nhập tịch (mở cửa đình, lăng), lễ rước ngai kiệu, tế lễ, dâng hương, lễ tế dã... Phần hội bao gồm các hoạt động văn hóa - thể thao và tổ chức các trò vui như: hát bài chòi, hát bả trạo, đua ghe, chọi gà, ẩm thực chợ quê...

Đua ghe trong Lễ hội rước cộ Bà Chợ Được.
Đua ghe trong Lễ hội rước cộ Bà Chợ Được.

Những hội làng được tổ chức sớm ngay sau dịp Tết ở xứ Quảng có thể kể đến là Lễ giỗ tổ làng mộc Kim Bồng (xã Cẩm Kim, Hội An) vào ngày mồng 6 tháng Giêng hằng năm; Lễ hội Cầu Bông được tổ chức vào mùng 7 tháng Giêng âm lịch hằng năm ở tại làng Trà Quế (xã Cẩm Hà, Hội An), một nghi lễ mở mùa cho một năm mới, cầu mong một năm mưa thuận, gió hòa, cây trái quanh năm sum sê, tươi tốt bội thu, nhà nhà no ấm.

Vào ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch dân làng Nghi Sơn, xã Quế Hiệp (Quế Sơn) long trọng tổ chức Lễ hội khai sơn được giữ gìn qua hàng trăm năm nay. Đây là dịp dân làng tri ân các vị tiền hiền, hậu hiền đã có công khai sơn phá thạch, gây dựng cơ đồ, đồng thời thể hiện niềm xót thương những người không may tử nạn tại chốn núi rừng...

Ngày 11 tháng Giêng, bà con xứ Quảng gần xa nô nức đổ về xã Bình Triều (Thăng Bình) tham dự Lễ hội rước cộ Bà Chợ Được có mặt trong đời sống của người dân Thăng Bình hàng trăm năm qua. Lễ hội mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc tái hiện quá khứ sầm uất của vùng sông nước Trường Giang cách đây hàng trăm năm. Tháng Giêng âm lịch còn có một lễ hội được tổ chức vào ngày 12 tại làng Chiêm Sơn (xã Duy Trinh, Duy Xuyên), đó là Lễ hội Dinh Bà Chiêm Sơn. Đây là một trong những lễ tín ngưỡng dân gian phổ biến trong nhân dân về thờ Mẫu - Mẹ xứ sở, mà người địa phương thường gọi chung là Bà như các vùng khác ở Quảng Nam. Lễ hội gắn với các nghi thức tín ngưỡng nông nghiệp rất độc đáo mà ít nơi ở Quảng Nam còn giữ được...

Qua tháng hai âm lịch, lễ hội làng mùa xuân ở xứ Quảng được tiếp nối với Lễ hội Bà Thu Bồn được tổ chức từ ngày 10 đến 12 tại làng Thu Bồn (xã Duy Tân, Duy Xuyên). Bà Thu Bồn - vị thần luôn gắn với hình ảnh con sông Thu Bồn và được xem là Mẹ xứ sở tại làng Thu Bồn, nơi có con sông Thu Bồn chảy qua. Sau đó là lễ hội Bà Phường Chào được tổ chức vào ngày 25 tháng hai âm lịch tại thôn Phiếm Ái (xã Đại Cường, Đại Lộc). Đây là lễ hội lớn mang màu sắc tín ngưỡng dân gian có từ bao đời thể hiện tinh thần đoàn kết các dân tộc Chăm, Kinh, là dịp người dân nơi đây tỏ lòng thành kính biết ơn sự che chở của Bà cho dân làng sống trên bờ cũng như trên sông nước được bình an, ấm no...

Lễ hội Thanh minh tại Điện Quang được tổ chức vào cuối tháng 2, đầu tháng 3 âm lịch.
Lễ hội Thanh minh tại Điện Quang được tổ chức vào cuối tháng 2, đầu tháng 3 âm lịch.

Tháng ba âm lịch, dòng chảy lễ hội mùa xuân xứ Quảng tiếp nối với Lễ giỗ tổ nghề yến Thanh Châu được tổ chức tại Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, Hội An) vào ngày 10 tháng ba nhằm tri ân các bậc tiền nhân đã có công tìm kiếm, khai phá, bảo quản và lưu truyền nghề yến mấy trăm năm qua cho đến bây giờ; cầu siêu cho những vong hồn ngư dân bỏ mạng trên biển do gió bão… Từ miền biển Hội An ngược về xã Duy Trinh (Duy Xuyên) để tham dự Lễ hội Bà chúa Tằm Tang được tổ chức vào rằm tháng ba nhằm tri ân người có công khuyến khích, phát triển nghề tằm tang và để quảng bá thương hiệu một làng nghề truyền thống đã ra đời cách đây gần 400 năm....

An Trường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.