Multimedia Đọc Báo in

Lễ cúng cơm mới của người Êđê

18:56, 27/01/2020

Khi mùa màng đã xong, thóc lúa phơi đầy sân cũng là lúc người Êđê ở buôn Kram (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) náo nức với lễ hội mừng cơm mới (hay còn gọi là Lễ hội mùa Xuân của người Êđê).

Theo quan niệm của người Êđê, sau khi lúa được đưa về nhà, phải đem gạo mới nấu thành cơm cúng thần linh để báo cáo những thành quả lao động trong năm vừa qua, cảm tạ trời đất, ông bà tổ tiên đã cho một mùa bội thu, cây trái xanh tươi và cầu mong các thần linh tiếp tục phù hộ cho mùa vụ mới mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no, gia đình sung túc.

Với ý nghĩa tâm linh đó, dù được mùa hay mất mùa, mỗi gia đình Êđê đều làm lễ cúng cơm mới để cảm tạ thần linh. Mâm cỗ cúng tùy theo điều kiện của gia chủ nhưng nhất định phải có cơm được nấu từ gạo mới trong vụ mùa vừa gặt, thịt heo, canh và những sản phẩm nông sản gia đình sản xuất được trong năm qua. Tuy nhiên, do nhiều tác động khách quan, thời gian gần đây, lễ cúng cơm mới của người Êđê ở xã Ea Tiêu ít được tổ chức và có nguy cơ bị lãng quên, mai một.

Người dân buôn Kram thưởng thức rượu cần sau lễ cúng.
Người dân buôn Kram thưởng thức rượu cần sau lễ cúng.
 

“Huyện Cư Kuin đang lưu giữ rất nhiều lễ cúng mang đậm bản sắc tín ngưỡng và ý nghĩa nhân văn. Huyện sẽ cố gắng tái hiện, phục dựng các nghi thức, nghi lễ đã bị mai một, mở lớp dạy đánh các loại nhạc cụ cho thế hệ trẻ…

 
Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cư Kuin Nguyễn Mạnh Huấn

Với mục tiêu phục hồi, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, cuối tháng 10 năm 2019 vừa qua, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cư Kuin phối hợp với UBND xã Ea Tiêu đã tổ chức phục dựng lễ hội mừng cơm mới nên lễ hội năm nay được tổ chức bài bản, quy mô hơn. Để chuẩn bị cho lễ hội mừng cơm mới, người dân trong buôn Kram tập trung đông đủ về nhà văn hóa buôn để giã gạo nấu cơm, chuẩn bị rượu cần, mổ heo, gà… Sau khi lễ vật được bày biện đầy đủ, thầy cúng tiến hành làm lễ cúng. Trong bộ lễ phục chỉnh tề, thầy cúng đại diện cho người dân trong buôn đọc lời khấn cúng thần linh, cúng cơm mới và cúng sức khỏe.

Khi nghi lễ cúng kết thúc, tiếng chiêng vang lên cũng là lúc bắt đầu cuộc vui rộn ràng. Người dân buôn Kram trong trang phục truyền thống không phân biệt già trẻ, lớn bé, ngồi quây quần bên nhau cùng ăn cơm, thưởng thức rượu cần làm từ hạt lúa mới và chúc nhau những điều tốt lành. Bà H’Per Ênuôl chia sẻ: “Được chính quyền địa phương quan tâm phục dựng lại lễ cúng cơm mới người dân trong buôn mừng lắm. Đây không chỉ là nghi lễ truyền thống nhằm tạ ơn trời đất cho vụ mùa bội thu, thắt chặt thêm tinh thần đoàn kết mà còn là dịp để người Êđê được vui chơi, hưởng thụ thành quả sau một mùa vụ lao động vất vả, từ đó giáo dục con cháu luôn nhớ về cội nguồn”.

Theo ông Nguyễn Mạnh Huấn, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cư Kuin, lễ cúng cơm mới là một trong những lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào Êđê. Do đó để công tác bảo tồn, phục dựng lễ cúng được hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, tất cả mọi quy trình, kịch bản phục dựng, kế hoạch tổ chức lễ cúng đều được Ban tổ chức tìm hiểu, tham khảo ý kiến những người cao tuổi có uy tín và am hiểu phong tục tập quán, văn hóa dân tộc. 

Đặng Như

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.