Multimedia Đọc Báo in

Sau mưa lấp lánh (kỳ 5)

09:31, 04/01/2020

Giá như được quên. Quỳnh muốn mình chưa từng nhớ đến chuyện gì.

Y Long có muốn thế không? Quỳnh không rõ nữa.

 Quỳnh thích nghe anh hát. Thích cái cách anh ôm đàn hát mải miết ở lưng chừng đồi khi anh đưa Quỳnh về buôn. Tóc xoăn, bàn tay ấm, anh dắt Quỳnh băng qua những ghềnh đá của thác nước. Anh hỏi Quỳnh có muốn về nhà cùng anh không?

Người Êđê chỉ muốn con gái bắt rể về nhà.

Quỳnh cũng muốn thế.

Vì buôn của Y Long và buôn của Quỳnh cách nhau hàng trăm cây số.

Về nhà Y Long làm vợ, không biết bao lâu mới gặp a duôn, gặp mí, gặp chị hai và cả cu Phu được.

Nhưng những điều ấy không quan trọng. Mí đồng ý cho con gái về nhà người ta làm vợ. Mí muốn Quỳnh được quyền lựa chọn hạnh phúc của mình. Cả nhà Quỳnh cũng vậy.

Chỉ có điều gia đình Y Long không muốn nhận Quỳnh về. Họ đã chọn cho anh người con gái để làm vợ từ khi Y Long mới thiếu niên. Lời hứa của những người già trong nhà.

Ngày Y Long đi học. Cô gái ấy đến nhà, đi từ nhà trên xuống nhà dưới, từ nhà trước ra nhà sau, quét tước, dọn dẹp, nấu cơm, chăm sóc heo gà. Làm đủ mọi việc như người đàn bà đã lấy chồng.

Người buôn Y Long nghĩ cô gái ấy là vợ anh từ lâu rồi.

Cô gái không gặp ai nữa. Váy dệt mới chỉ để dành mặc khi Y Long về thăm nhà. Tóc chỉ xõa chỉ ngày Y Long bước lên nhà.

Y Long chưa từng nói với Quỳnh anh có một người con gái khác  trong nhà.

***

Sinh hoạt lớp hôm nào đó. Cô giáo chủ nhiệm bảo muốn đổi chỗ ngồi cho một số bạn. Cô không nói lý do, nhưng hình như chẳng đứa nào muốn đổi chỗ.

Cô bảo Đông đến ngồi ở bàn thứ 3 - chỗ hai bạn nữ. Bàn của Quỳnh với Thư.

Đông người gầy dong dỏng, da sạm nắng. Trái ngược với Quỳnh, Đông ít khi nào cười. Mặt anh chàng lúc nào cũng phảng phất đám sương mù xa tít.

Quỳnh xích vào trong một cách miễn cưỡng khi Đông ôm sách vở đứng sững trước mặt.

- Cậu ngồi trong được không?

- Sao lại phải thế? Hai đứa con gái ngồi gần nhau không thích hơn à?

- Nhưng mà tui thích ngồi ngoài. Tui thích cái cửa sổ này.

Thấy hai đứa có vẻ căng thẳng, cô giáo bước xuống, cười dàn hòa:

- Nào Quỳnh, phải có thiện chí chứ. Xích vô cho Đông ngồi với. Nhanh lên.

Quỳnh nhích vào một chút. Đông đứng yên không nhúc nhích. Quỳnh lại lì lợm nhích vô một chút nữa. Thái độ hơi dằn dỗi. Đông xếp sách vở ngồi xuống. Cũng là lúc mấy đứa xung quanh cười rộ lên. Lớp phó văn thể khúc khích:

- Quỳnh ơi, ghét của nào trời sẽ trao… hi hi.

Nếu như mọi khi, Quỳnh sẽ nguýt nó một cái thật dài, nhưng hôm nay Quỳnh thấy khó chịu quá, nước mắt cứ chực tuôn ra thôi. Cũng không rõ vì sao nữa.

Thực ra Quỳnh không thích sự thay đổi.

Trong lớp hình như đứa con trai nào cũng mến Quỳnh. Vì nhiều điều. Quỳnh dễ thương, lúc nào cũng cười. Mà cũng có thể vì Quỳnh có nhiều tài vặt. Chữ đẹp, vẽ đẹp, đan khăn rất khéo, mũi đan nào cũng đều tăm tắp. Bởi thế con trai trong lớp chỉ chờ cơ hội để giúp Quỳnh việc này việc nọ. Khi thì xách nước lên cầu thang lúc cúp nước, lúc khiêng bàn ghế hộ khi đến phiên Quỳnh trực nhật.

Riêng có Đông là chẳng bao giờ.            

Lúc tan học hôm trước, Đông thản nhiên làm bài tập khi Quỳnh mải loay hoay với cánh cửa sổ lúc tan học. Không thể với tay mạnh để kéo cánh cửa vào chốt lại vì như thế áo sẽ tuột khỏi quần nhìn chẳng giống ai. Đến khi Quỳnh bực bội gọi Đông à -  giọng như muốn khóc thì hắn ta mới ngẩng lên, vẻ ngơ ngác:

- Chuyện gì? -

- Giúp tôi đóng cái cánh cửa.

Khuôn mặt hắn giãn ra có vẻ như vừa hiểu được chuyện gì thú vị lắm.

- Thì ra nãy giờ Quỳnh loay hoay với việc cỏn con này thôi hả? Việc nhỏ như vầy mà cũng không làm được thì đáng lo thật. Con gái đồng bào đâu có ai ẻo lả như Quỳnh đâu.

Quỳnh sững sờ. Hai tai nóng bừng. Tại chưa bao giờ có ai nói với Quỳnh câu tương tự như thế. Có phải Quỳnh nũng nịu đâu. Nếu hắn không ngồi ở đấy thì Quỳnh đã mặc kệ áo tuột khỏi quần để đóng cửa từ lâu rồi. Con trai gì mà không ga lăng. Đã không giúp lại còn nhận xét này nọ.

Quỳnh thấy nghẹn ở cổ họng. Mặc kệ cửa sổ chưa đóng, cô bé quay lưng chạy một mạch về phòng.

Vì vậy mà ngay sáng hôm sau, cô bảo xích vào để Đông sang ngồi cùng bàn thì Quỳnh không thể chịu được. Giá như có thể nói được cái lý do vớ vẩn trẻ con ấy để cô thay đổi quyết định thì hay biết mấy.

***

Quỳnh nộp đơn xin phỏng vấn ở công ty quảng cáo, làm thư ký cho giám đốc điều hành.

Dung bảo Quỳnh có biết thư ký giám đốc là đối mặt với những việc gì không? Quỳnh lắc đầu. Mình không rõ tường tận. Nhưng mình muốn không phải là Quỳnh của ngày xưa nữa. Mình muốn thay đổi cuộc sống tẻ nhạt của mình lắm rồi Dung à.

Dung nói mà không nhìn người đối diện:

- Có lúc mình thèm cuộc sống mà Quỳnh bảo là tẻ nhạt đấy ghê gớm.

Quỳnh không thể hiểu tại sao mỗi lần nhắc đến cuộc sống êm ả đến tẻ nhạt ở quê, Dung lại buồn đến thế. Quỳnh thích được như Dung. Là lượt váy áo, trang điểm thật đậm, phảng phất nước hoa, váy công sở cách xa đầu gối. Tóc bới cao lộ gáy đầy đặn trắng nõn. Và nhất là lúc nào ví cũng dày cộm tiền.

Quỳnh muốn bắt đầu cuộc sống mới ở nơi ồn ào và náo nhiệt này.

Việc gì cũng được. Vì điều đó khiến Quỳnh không còn nhớ đến Y Long.

Hôm phỏng vấn, ông giám đốc bảo Quỳnh đứng dậy xoay hai vòng nhẹ nhàng. Gật gật đầu. Cuối giờ ông đến gần khen chân Quỳnh dài và thẳng. Một khuôn mặt sắc nét. Cô gái quyến rũ như Quỳnh rất phù hợp đi cùng ông đến những nơi quan trọng.

Cuộc phỏng vấn kết thúc nhanh gọn.. Quỳnh được tuyển vào vị trí thư ký cho giám đốc điều hành.

Nghe Quỳnh gọi điện về báo tin mà mí bần thần. Chị hai lo lắng:

- Em phải cẩn thận nha Quỳnh.

Mí và chị hai suốt đời chỉ quanh quẩn ở buôn. Lúc nào cũng thấy bất an, lo sợ trước mọi thứ. Mí khóc suốt mấy ngày khi con gái mí quyết định xuống Sài Gòn tìm việc. Mí sợ Quỳnh hiền lành. Sài Gòn phồn hoa và nhiều cạm bẫy, mà Quỳnh thì ngơ ngác như nai lạc mẹ.

Giá như Quỳnh nghe lời mí. Nhận lời làm vợ anh bác sĩ trạm y tế xã thì nhẹ nhàng biết mấy.

Quỳnh hiền lành nhưng sao bướng bỉnh quá. Quỳnh bảo không thể giống mí, giống chị hai ở mãi nơi góc làng, lấy một người được được không cần yêu, một hai năm sau đó sẽ bế một đứa trẻ con. Rồi hai đứa. Ba đứa. Những đứa trẻ nheo nhóc và suốt ngày quấy khóc.

Đông đăm chiêu khi Quỳnh được nhận vào công ty ngay lần phỏng vấn đầu tiên.

- Mình thấy không yên tâm đâu Quỳnh à.

- Vì sao?

- Không biết nữa. Tự nhiên cảm thấy thế thôi. Một thư ký cho giám đốc rất quan trọng, trình độ chuyên môn, rồi ngoại ngữ, rồi ngoại giao với khách hàng. Hàng trăm những công việc đòi hỏi kinh nghiệm. Sao họ lại tuyển người mới toanh như Quỳnh? 

Đông siết hai bàn tay vào nhau, nói mà không nhìn thẳng mặt Quỳnh. Thốt nhiên bối rối. Những điều chưa từng nghĩ đến. Chỉ thấy sung sướng khi ngày mai ngày mốt là nhân viên công sở. Váy ngắn. Chân dài. Mọi thứ đang chỉ mới là khởi đầu. 

Chỉ có Dung là bình thản. Bình thản nghe Quỳnh báo tin mình xin được việc. Bình thản nghe Quỳnh bực bội kể về Đông.

- Quỳnh nghĩ Đông nói sai à? Đông nghĩ cho Quỳnh nhiều hơn bản thân Quỳnh đấy. Quỳnh đi làm đi, sẽ nhanh chóng thấy mọi thứ không phải là màu hồng lãng mạn như trước giờ nữa.

 Hôm sau đó. Đông đỗ xịch trước cửa phòng với cái xe máy cũ kỹ ồn ào. Quỳnh thấy ngường ngượng. Váy công sở màu xám, áo sơmi trắng bỏ thùng, chân thẳng đuột. Nhìn nó không hợp với áo khoác xám cũ kỹ mà Đông đang mặc. Và nhất là chiếc xe ầm ĩ. Hình như bắt gặp ánh mắt Quỳnh, Đông im lặng, dừng xe ở góc rất xa trụ sở công ty. Lúc tạm biệt, vẫn trìu mến nhìn Quỳnh:

- Làm việc tốt nhé. Đông đi làm đây. Cẩn thận với mọi thứ nha Quỳnh.

Quỳnh gật. Và thấy hơi bối rối. Đông thông minh để nhìn thấy sự ngại ngần đâu đó.

(Còn nữa)

 Truyện dài của Niê Thanh Mai

[links()]


Ý kiến bạn đọc