Dành trọn tình yêu cho văn nghệ dân gian
Bao năm qua, Nghệ nhân Ưu tú Y Toen Niê Kđăm (SN 1974, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) vẫn miệt mài nuôi dưỡng tình yêu âm nhạc dân tộc cho thế hệ trẻ, với mong muốn âm thanh diệu kỳ từ những chiếc cồng, chiêng được ngân vang mãi giữa đại ngàn Tây Nguyên.
Mang trong mình hai dòng máu Êđê và M’nông, nhưng nghệ nhân Y Toen lại am hiểu và chơi thành thục chiêng Jarai. Lý giải điều này, ông cho hay, cha là người Êđê, mẹ là người M'nông, sinh ra và lớn lên ở buôn Tul, nơi có sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc tại chỗ nên suốt thời niên thiếu ông được sống cùng các lễ hội, đêm thì bập bùng cùng ánh lửa, ngày thì say mê cùng nhịp chiêng. Từ nguồn văn hóa độc đáo đó, ông trở nên gắn bó với chiêng, ngay từ nhỏ đã đến lễ hội, lân la tiếp cận các bậc già làng để lắng nghe, quan sát cách diễn tấu chiêng. Với năng khiếu bẩm sinh, cộng thêm niềm đam mê âm nhạc truyền thống, chỉ mới 15 tuổi ông đã thuộc được hết nốt nhạc của từng chiếc chiêng và trở thành người chơi chiêng giỏi của buôn Tul.
Nghệ nhân Ưu tú Y Toen Niê Kđăm chỉ dạy kiến thức về chiêng cho con trai. |
Niềm đam mê ấy theo ông đến nay đã hơn 20 năm. Am hiểu về văn hóa cồng chiêng và không muốn những giá trị văn hóa này bị mai một, nghệ nhân Y Toen đã lặn lội khắp buôn trên, làng dưới vận động mọi người tham gia học đánh chiêng do đích thân ông chỉ dạy. Ban đầu lớp chỉ có những người lớn tuổi tham gia, nhưng dần dần sự nhiệt tình của ông đã khiến nhiều người cảm động, xin được học, từ đó số người theo học ngày càng đông, trong đó có khá nhiều thanh thiếu niên.
Năm 2010, được sự cho phép của chính quyền địa phương, nghệ nhân Y Toen đã thành lập 2 đội chiêng của buôn Tul. Đều đặn mỗi khi rảnh rỗi việc nương rẫy, hay những ngày cuối tuần, mọi người lại tập trung tại Nhà văn hóa cộng đồng của buôn để tập luyện. Cho dù nhiều lớp thanh niên được truyền dạy đã lập gia đình và đi buôn khác sinh sống, nhưng nghệ nhân Y Toen vẫn luôn gây dựng đội chiêng với những lớp thế hệ thanh niên kế tiếp. Với sự truyền dạy liên tục không ngừng nghỉ qua nhiều năm như vậy, rất nhiều thanh niên trong buôn biết đánh và am hiểu chiêng Arap. Không chỉ vậy, họ còn luôn có ý thức trân trọng, giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc.
Năm 2019, Y Toen Niê Kđăm là người trẻ nhất trong 24 cá nhân của tỉnh Đắk Lắk được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian. |
Anh Y Kem Ênuôl (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn), một thành viên của đội chiêng buôn Tul cho hay: “Trước đây, tôi khá thờ ơ với cồng chiêng. Nhưng khi gặp anh Y Toen, tiếp cận với lớp học đánh chiêng do anh hướng dẫn, không chỉ tôi mà rất nhiều người ở đây đều trở nên yêu thích môn nghệ thuật này và cố gắng tập luyện”. Nhờ sự cố gắng đó mà các đội chiêng buôn Tul đã được nhiều người biết đến và có nhiều đóng góp trong phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương. Mỗi lần ở xã, huyện có lễ hội, hội diễn thì đội chiêng đều có mặt, tấu lên những bài chiêng hay. Khi tham dự các hội thi, hội diễn ở huyện và tỉnh, đội cũng đã mang về nhiều giải thưởng và được đánh giá cao.
Nghệ nhân Ưu tú Y Toen Niê Kđăm (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn kỹ thuật sử dụng chiêng cho thành viên đội chiêng buôn Tul. |
Từ khi được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch HĐND xã, dù bận bịu với công việc chuyên môn, nhưng ông Y Toen vẫn vẹn nguyên tình yêu với cồng chiêng, sẵn lòng sắp xếp công việc để tham gia truyền dạy cồng chiêng cho lớp trẻ. Ông mong muốn không chỉ con em đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ mà nhiều dân tộc khác cũng được biết và am hiểu về cồng chiêng và biết đâu trong số những em học sinh được ông truyền dạy, sẽ có người đam mê, gắn bó và sẵn sàng đảm nhiệm sứ mệnh gìn giữ và nối dài âm nhạc dân gian Tây Nguyên cho thế hệ mai sau.
Với tài năng, tâm huyết của người nghệ nhân, ông Y Toen được xem như là một trong những “báu vật” của địa phương trong việc truyền dạy lại cho thế hệ trẻ kỹ năng đánh cồng chiêng; qua đó góp phần bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Trong nhịp sống hiện đại hối hả, nhiều buôn, làng tiếng chiêng dần thưa thớt, nhưng ở buôn Tul vẫn vẹn nguyên những âm thanh ngọt ngào đó, bởi đã có những nghệ nhân như Y Toen Niê Kđăm luôn giữ cho mạch nguồn văn hóa dân tộc chảy mãi .
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc