Thăm nhà lưu niệm Tiến sĩ Trần Văn Dư
Trần Văn Dư (hay còn gọi là Trần Dư) hiệu là Hoán Nhược, người làng An Mỹ Tây, huyện Hà Đông, nay là thôn An Thọ, xã Tam An, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.
Ông sinh ngày 31-12-1839, tức ngày 15-11 năm Kỷ Hợi (1839), xuất thân trong một gia đình khoa bảng. Năm 19 tuổi (1858), ông đỗ tú tài; năm 1868 vừa tròn 28 tuổi, ông đỗ cử nhân. Sau khi đỗ trường III ở kỳ thi Hội (1872), ông được bổ nhiệm chức Sơ khảo ở trường thi Bình Định, rồi Hành tẩu Viện Cơ mật. Vào kỳ thi Hội năm Ất Hợi (1875), ông trúng tuyển và được sắc phong Đệ tam Giáp đồng tiến sĩ. Năm Tự Đức thứ 29 (1876), ông được bổ nhiệm Tri phủ Ninh Giang, rồi Tri phủ Quảng Oai (1878). Năm 1880, ông được thăng Hàn lâm viện thị độc, rồi sung Dục đức đường giảng tập, Chánh mông đường tán thiện, bổ Án sát sứ đạo An Tịnh (1882), cải thụ Biện lý Bộ Lại, Hồng lô tự khanh, phong Trung Thuận đại phu, Thương bạc sự vụ (1883) rồi giữ chức Sơn phòng sứ Quảng Nam (1884)...
Nhà lưu niệm Tiến sĩ Trần Văn Dư. |
Vào thời điểm 1884 - 1885, triều đình nhà Nguyễn ngày càng tỏ ra bất lực trước giặc ngoại xâm, đã lần lượt cắt đất dâng cho thực dân Pháp. Khi vua Hàm Nghi xướng hịch Cần Vương, Trần Văn Dư liền hưởng ứng, từ bỏ con đường làm quan, cùng với các phó bảng Nguyễn Duy Hiệu, cử nhân Phan Bá Phiến, ấm sanh Tiểu La Nguyễn Thành... và các sĩ phu yêu nước trong tỉnh, tập hợp lực lượng quyết tâm đứng lên chống Pháp. Ông đã trực tiếp chỉ đạo và cầm quân nhiều trận đánh lớn nhỏ khắp vùng Quảng Nam gây cho quân Pháp và triều đình tay sai nhiều tổn thất nặng nề.
Tháng 11-1885 (Ất Dậu), Tiến sĩ Trần Văn Dư không may bị giặc Pháp bắt. Trước khi bị chém, ông tức khẩu đọc một bài thơ bộc lộ tâm tư, là lời nhắn gửi của ông đối với nhân dân và những người đã sát cánh cùng ông trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, trong đó có hai câu nói lên khí khái của một người con trung kiên, quyết một lòng xả thân vì quê hương, đất nước: “...Lòng mưu việc lớn không ranh giới/ Quyết chí chờ chi thuận ý trời...”.
Hiện nay, bên cạnh ngôi mộ của Tiến sĩ Trần Văn Dư được xây dựng và tu sửa khang trang nằm ngay sát Quốc lộ 1A, tại quê hương xã Tam An, huyện Phú Ninh (tỉnh Quảng Nam) vẫn còn một ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi của gia đình ông đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh và được tu bổ làm nhà lưu niệm.
Trần Văn Dư là lãnh tụ chống Pháp ở đất Quảng Nam sau khi kinh thành Huế thất thủ vào đầu tháng 7-1885. Ông cũng là bậc Đại khoa thời Tự Đức, thầy dạy của cả hai vua Dục Đức và Đồng Khánh. |
Hiện nay, ngôi nhà lưu niệm nằm giữa một khu vườn rộng lớn với tổng diện tích gần 1.360 m2, trong đó diện tích ngôi nhà trên 70 m2, xung quanh được bao bọc bởi những hàng cây che bóng mát và cây ăn quả lâu năm. Nhà được thiết kế, xây dựng theo kiểu chữ Nhất gồm 3 gian, 2 chái, tường vôi, mái lợp ngói âm dương. Đây là lối kiến trúc truyền thống khá phổ biến lúc bấy giờ ở Quảng Nam, do những người thợ mộc tài hoa của làng mộc Văn Hà xây dựng. Toàn bộ cấu kiện bên trong nhà đều làm từ gỗ mít lâu năm và được liên kết với nhau theo bởi kèo tam đoạn gồm kèo lòng một (còn gọi là kèo nóc), kèo lòng hai, kèo lòng ba và một kèo ngắn ở hiên gọi là cái ngạo; trên thân và đuôi mỗi vì kèo trang trí hoa văn rất đẹp. Những hoa văn bên trong ngôi nhà được chạm trổ rất công phu và đẹp mắt.
Cách bày trí bên trong gian nhà cũng như bao ngôi nhà cổ xưa khác ở Quảng Nam, tuy đơn giản nhưng đảm bảo công năng sử dụng. Ba gian chính giữa ngôi nhà bố trí rầm hạ (gác thấp bằng gỗ) dùng để bày trí bàn thờ tổ tiên, gia tộc ngay chính giữa. Hai bên là hai buồng dùng làm nơi cất trữ lương thực và đồ dùng sinh hoạt của gia đình. Hai bộ ván gỗ được đặt ở hai gian bên dùng làm nơi nghỉ ngơi. Bộ trường kỷ đặt ở gian giữa ngay trước bàn thờ để tiếp khách.
Ngoài ngôi nhà chính thì trước đây còn có một ngôi nhà nhỏ nằm kế bên (nhà ngang) dùng làm nơi nghỉ ngơi của phụ nữ hoặc của người làm. Nơi đây còn dùng để cất giữ nông cụ, đồ sinh hoạt hoặc dùng làm nơi bếp núc, sửa soạn đồ lễ mỗi dịp giỗ chạp, tết nhất...
Hằng năm cứ đến ngày đám giỗ tộc Trần, con cháu khắp nơi tụ tập về đây ngoài việc thắp nén hương tri ân, tưởng nhớ những bậc tiền nhân còn cùng nhau ôn lại truyền thống yêu nước tham gia chống Pháp của cụ Trần Văn Dư. Qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào về tộc họ, về quê hương đất nước cho lớp hậu thế.
An Trường
Ý kiến bạn đọc