Chuyện về người phụ nữ "Trung trinh tiết liệt"
Đến Côn Đảo, du khách sẽ được nghe người dân ở đây kể về bà Hoàng Phi Yến, người phụ nữ được người dân Côn Đảo tôn sùng, kính trọng và thờ tự như bậc thánh nữ linh thiêng.
Miếu Bà Hoàng Phi Yến hay còn gọi là An Sơn Miếu nằm cách trung tâm Côn Đảo khoảng 2 km về phía tây nam, là nơi thờ bà Phi Yến – thứ phi của chúa Nguyễn Phúc Ánh (Nguyễn Ánh). Ngôi miếu này gắn liền với một câu chuyện bi thương về người phụ nữ tài sắc, giàu lòng yêu nước.
Năm 1771, khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ và phát triển nhanh chóng. Từ năm 1776 trở đi, quân Tây Sơn nhiều lần tấn công vào căn cứ của chúa Nguyễn ở Gia Định. Tháng 3-1782, thủy quân của Nguyễn Ánh đại bại ở Cần Giờ. Tháng 6-1783, thủy quân Tây Sơn đánh Phú Quốc, Nguyễn Ánh trốn chạy sang đảo Côn Lôn, đem theo hơn 100 gia đình thuộc hạ để sau này trở thành những cư dân cư ngụ ở ba làng An Hải, An Hội và Cỏ Ống, xây dựng căn cứ, tính kế phục thù. Chiến thuyền Tây Sơn đuổi theo nhưng sau đó Nguyễn Ánh chạy thoát về Phú Quốc vì thuyền Tây Sơn gặp bão.
An Sơn miếu – nơi thờ tự bà Phi Yến, thứ phi của chúa Nguyễn Phúc Ánh. |
Sau thất bại này, theo lời khuyên của giám mục Bá Đa Lộc, Nguyễn Ánh đã chọn con đường cầu viện nước Pháp chống Tây Sơn để giành lại ngôi vị. Bá Đa Lộc là Khâm sai tòa Thánh ở Gia Định từ 1765, đã giúp Nguyễn Ánh khi bị quân Tây Sơn đánh đuổi vào đây, chính sự gắn bó giữa họ chính là nguyên nhân cho việc Pháp can thiệp ngày càng sâu vào Việt Nam. Tháng 12-1784, Nguyễn Ánh đã giao ấn tín và hoàng tử Cảnh cho Bá Đa Lộc sang Pháp cầu viện, chủ trương phản động này đã bị chính thứ phi Phi Yến phản đối, nhưng Nguyễn Ánh không nghe và đày bà lên hòn Côn Lôn nhỏ cho đến chết. Hòn đảo từ đấy mang tên hòn Bà.
Vừa truyền lệnh giam cầm thứ phi thì Nguyễn Ánh được tin quân Tây Sơn sắp đánh ra Côn Đảo. Ông cùng tuỳ tùng xuống thuyền chạy tiếp. Lúc bấy giờ, đứa con duy nhất của bà Phi Yến và chúa Nguyễn Ánh là Hoàng tử Hội An khóc đòi mẹ đã bị Nguyễn Ánh ném xuống biển, xác trôi tấp vào làng Cỏ Ống, người dân nơi đây chôn tại khu rừng gần bãi Đầm Trầu rồi lập miếu thờ ngay trước mộ. Ngày nay, làng Cỏ Ống còn ngôi mộ và miếu thờ Hoàng tử Hội An. Phần bà Phi Yến, sau khi được dân làng giải cứu và biết tin con trai mình đã mất, bà vô cùng đau xót. Một hôm, làng An Hải có cuộc đàn chay rất lớn và ban hội tề làng An Hải đã cử một bô lão cùng bốn dân phu đến tận làng Cỏ Ống để thỉnh bà về. Bà Phi Yến được bố trí nghỉ ngơi trong một gian phòng đặc biệt. Trước nhan sắc tuyệt trần của bà, tên đồ tể của làng An Hải là Biện Thi đã không ngăn nổi lửa lòng tà dục, dẫn đến làm liều. Chờ lúc bà đang ngon giấc, Biện Thi giả say rồi lén chui vào phòng bà. Khi hắn đụng đến cánh tay thì bà Phi Yến giật mình thức dậy và tri hô cho dân làng tóm cổ. Tủi nhục, dù tên đồ tể Biện Thi chỉ mới động đến cánh tay, bà Phi Yến đã tự chặt đứt cánh tay rồi sau đó liều mình tự vẫn để vẹn toàn danh tiết.
Chính sự trung trinh, ái quốc của bà Phi Yến đã được dân làng ở Côn Đảo ghi nhận và quý trọng. Họ xây dựng và thường xuyên nhang khói cho miếu Bà (tức Bà Phi Yến), miếu Cậu (tức Hoàng tử Hội An, còn gọi là Hoảng tử Cải). Khi thực dân Pháp chiếm Côn Đảo, thiết lập nhà tù đã di dời toàn bộ dân trên đảo về đất liền, ngôi miếu không được chăm sóc đã sụp đổ. Năm 1958, Côn Đảo trở thành tỉnh Côn Sơn dưới chế độ Mỹ - ngụy. Viên trưởng Ty ngân khố Côn Sơn là Nguyễn Kim Sáu đã xem lại “Sử lược Côn Đảo”, thấy có một người phụ nữ Việt Nam “Trung trinh tiết liệt” bỏ mình tại đây, bèn đề nghị trích một khoản tiền trong quỹ phúc lợi của tỉnh, sử dụng sức lao động khổ sai của tù nhân để xây dựng An Sơn Miếu, thờ bà Phi Yến ngay trên nền ngôi miếu ngày xưa.
An Sơn miếu được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh vào năm 2007. Hằng năm cứ vào ngày 17, 18 tháng 10 âm lịch, người dân Côn Đảo tổ chức Lễ giỗ bà tại An Sơn miếu. Ngoài phần lễ với nghi thức tế lễ trang trọng, dâng bà những sản vật của địa phương, người dân Côn Đảo còn thành tâm cầu nguyện những điều tốt lành, mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no, bình yên, hạnh phúc. Phần hội với các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao và các trò chơi dân gian, đờn ca tài tử, đặc biệt là tiết mục sân khấu hóa tái hiện lại cuộc đời gian truân, tiết hạnh của bà Phi Yến. Dịp này, bài vị của Hoàng tử Cải ở miếu Cậu cũng được tổ chức lễ rước về An Sơn miếu hội ngộ cùng với mẫu thân.
Cẩm Trang
Ý kiến bạn đọc