Khi lễ hội được phục dựng và tôn vinh
Lễ hội truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn Đắk Lắk được xem là tài nguyên quý báu, góp phần quan trọng vào việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của chủ thể sở hữu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Từ nhận thức ấy, ngành văn hóa đã phối hợp với chính quyền các cấp nỗ lực khảo sát, nghiên cứu và phục dựng nhiều lễ hội đặc sắc và tiêu biểu của đồng bào các tộc thiểu số tại chỗ nhằm phục vụ mục tiêu trên.
Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2016 - 2020 cho thấy đã có hơn 115 nghi lễ, hội của đồng bào các dân tộc trên địa bàn được khảo sát, phục dựng theo vốn văn hóa truyền thống. Trong đó có Nghi lễ vòng đời của dân tộc M’nông ở huyện Lắk được lập hồ sơ khoa học đề nghị Bộ VH-TT-DL đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (cùng với 2 di sản khác là Lời nói vần của dân tộc Êđê ở huyện Cư M’gar và Các bài chiêng cổ của dân tộc Êđê ở huyện Ea H’leo).
Theo ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL, hy vọng đây là lễ hội truyền thống đầu tiên ở vùng đất giàu bản sắc này góp mặt trong danh sách 96 lễ hội cấp quốc gia được công nhận và tôn vinh trên địa bàn cả nước. Việc ghi danh các di sản trên là động lực thúc đẩy chính quyền địa phương cùng với cộng đồng các dân tộc ở đây tích cực xây dựng và triển khai giải pháp, kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu ấy, góp phần vào việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, đồng thời đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.
Lễ cúng bến nước của dân tộc Êđê được cộng đồng duy trì, thực hành hằng năm. Ảnh: Hữu Hùng |
Nghệ nhân Ưu tú Ama H’Loan (buôn Ea Kô Dhông, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột)
|
Nhiều người cho rằng, việc làm này là hết sức kịp thời và cần thiết trong bối cảnh các giá trị văn hóa truyền thống của hầu hết các dân tộc đang đứng trước nguy cơ mai một và dần biến mất khỏi đời sống sinh hoạt của cộng đồng. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên - Linh Nga Niê Kdăm chia sẻ: Làm sống lại các lễ hội truyền thống ở đây, đồng nghĩa với động thái tiếp thêm sức mạnh nội sinh cho cộng đồng các dân tộc trước đời sống xã hội có quá nhiều biến chuyển như hiện nay. Trong đó nổi lên những vấn đề đáng quan ngại như sự đứt gãy, nhạt nhòa mạch nguồn và bản sắc văn hóa; môi trường sống gắn kết với niềm tin, thực hành tâm linh, tín ngưỡng cổ xưa bị tác động theo hướng tiêu cực do đời sống văn minh, hiện đại dẫn dắt và chi phối ngày càng mạnh mẽ, dữ dội hơn.
Vì thế sự hiện diện trở lại của các lễ hội truyền thống tại buôn, làng ở Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung sẽ góp phần khắc phục và vượt qua những quan ngại nêu trên. Bởi trong các loại hình di sản văn hóa phi vật thể được định danh, định tính thì lễ hội truyền thống ở đây được xem là một loại hình di sản tiêu biểu, nổi bật với các giá trị được tuyên bố và phổ quát: đó là một thực hành (sinh hoạt) tín ngưỡng, tâm linh thể hiện tính cố kết sức mạnh cộng đồng, giáo dục tinh thần dân tộc; mọi hoạt động diễn ra trong lễ hội còn hướng đến việc phổ biến, phát huy các giá trị văn hóa đính kèm như phong tục, tập quán, âm nhạc, vũ điệu, trang phục và ẩm thực của cộng đồng các dân tộc. Những giá trị, sắc thái ấy thể hiện rõ tâm tư, tình cảm, cách ứng xử và quan niệm sống của mỗi thành viên với môi trường cư trú - và dĩ nhiên nó luôn được gìn giữ, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác với sự tác động tích cực đến nhận thức của chủ thể trong quá trình gìn giữ, bảo tồn vốn di sản này.
Tái hiện nghi lễ kết nghĩa anh em của người Êđê tại Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Đắk Lắk năm 2020. |
Với chức năng và vị trí quan trọng đó, lễ hội truyền thống ở đây hoàn toàn xứng đáng để chúng ta tìm cách bảo tồn, tôn vinh ở mọi cấp độ; đồng thời không ngừng phát huy các giá trị văn hóa hàm chứa trong đó nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh một cách hiệu quả và bền vững hơn.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc