Multimedia Đọc Báo in

Đánh thức tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng (kỳ 1)

06:55, 31/01/2021

Du lịch cộng đồng là lựa chọn phù hợp và đúng đắn nhằm giúp người dân cải thiện đời sống; đồng thời góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình một cách hiệu quả và bền vững hơn. Tuy nhiên, lựa chọn này cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, cuối tháng 11-2020 vừa qua, Sở VH-TT-DL phối hợp với các cơ quan, ban, ngành chức năng tiến hành đợt khảo sát thực tế tại 10 buôn làng người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ nhằm tham mưu cấp thẩm quyền xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại đây, qua đó từng bước tạo thêm sinh kế cho người dân, góp phần nâng cao đời sống kinh tế - xã hội cho cộng đồng theo hướng ổn định và bền vững hơn.

Thực tế cho thấy, hầu hết các buôn làng được khảo sát đều có tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng. Đó là cảnh quan, môi trường còn hoang sơ; vốn văn hóa truyền thống (như nhà dài, bến nước, nghi lễ và lễ hội gắn với diễn xướng cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc, hát múa dân gian, sinh hoạt làng nghề…) ít nhiều còn được giữ lại; đặc biệt ở một số nơi đã hình thành những điểm đến khá quen thuộc nhờ sự kết nối, mở rộng từ các tour - tuyến du lịch đã có từ trước trên địa bàn tỉnh.

 

Lễ hội – sản phẩm du lịch cộng đồng độc đáo và đặc sắc. Ảnh: Hoàng Gia 
Lễ hội – sản phẩm du lịch cộng đồng độc đáo và đặc sắc. Ảnh: Hoàng Gia

Chẳng hạn như buôn Tuôr (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột), buôn Trí B (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) và buôn Kuốp (xã Dray Sáp,  huyện Krông Ana), đồng bào dân tộc thiểu số ở đây đã được hưởng lợi từ hoạt động du lịch mang lại thông qua một số doanh nghiệp làm du lịch như: Công ty Thương mại - Du lịch Đam San, Công ty Cổ phần Du lịch Bản Đôn, Công ty Cổ phần Du lịch Đắk Lắk, Công ty TNHH Đầu tư - Thương mại và Du lịch Đặng Lê tổ chức đưa khách đến theo tour - tuyến. Du khách đến đây, bước đầu được cộng đồng đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, khám phá đời sống sinh hoạt của cư dân tại chỗ.

“Một khi chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được ban hành thì những buôn làng hội đủ điều kiện để thụ hưởng chính sách này sẽ có cơ hội vươn lên, thu hẹp khoảng cách đời sống giữa các vùng nông thôn và thành thị”. 
ông Đào Tấn Đồng, Chủ tịch UBND phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ.

Ông Nguyễn Thanh Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho biết: Vài năm trước, buôn Tuôr đã có 6 gia đình tham gia làm du lịch cộng đồng. Sản phẩm du lịch ở đây là tham quan vườn cây ăn trái, trải nghiệm làng nghề thổ cẩm, lưu trú nhà dài, thưởng thức văn nghệ, cồng chiêng và thả bè mạo hiểm trên suối. Nhờ vậy, có một số người như bà H’Nhé Byă, ông Y Thít Byă, anh Ywer Ktul... có thêm kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng, nếu được Nhà nước, doanh nghiệp hỗ trợ, giúp đỡ thì tin rằng họ sẽ phát triển tốt loại hình du lịch này.

Tương tự ở buôn Trí B, hiện có nhiều người đã tiếp cận, hiểu biết khá rõ về du lịch cộng đồng nhờ được Trung tâm Du lịch Buôn Đôn (buôn Trí A) mời tham gia trực tiếp các hoạt động diễn tấu cồng chiêng, hát múa dân gian và chế biến ẩm thực phục vụ du khách đến tham quan. Theo ông Y Lươm Knul, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Na, từ lợi thế đó cùng với vốn tài nguyên văn hóa cổ truyền giàu bản sắc, cũng như đời sống, cảnh quan bình yên và thơ mộng mà cộng đồng người Êđê ở cạnh dòng Sêrêpốk có được, chắc chắn bà con sẽ biến nơi đây thành điểm đến du lịch không thua kém gì so với buôn Trí A một khi họ nhận được sự giúp đỡ, chia sẻ của chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn Buôn Đôn.

Đoàn khảo sát tìm hiểu thực tế cảnh quan, môi trường buôn Tuôr (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột).
Đoàn khảo sát tìm hiểu thực tế cảnh quan, môi trường buôn Tuôr (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột).

Những nơi còn lại như buôn M’Liêng (xã Đắk Liêng, huyện Lắk), buôn Kli A (phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ), buôn Đắk Tuôr (xã Cư Pui - huyện Krông Bông), buôn M’Oa (xã Cư Huê , huyện Ea Kar) cũng có tiềm năng, lợi thế để làm du lịch cộng đồng nhờ bản sắc văn hóa truyền thống ở đây được gìn giữ, bảo tồn. Những địa danh này cũng đã được chính quyền địa phương đưa vào quy hoạch, phát triển du lịch từ nay đến năm 2030 với sự hình thành ngày càng rõ nét một số trung tâm du lịch cấp tỉnh như hồ Lắk (huyện Lắk), Buôn Hồ, hồ Ea Kar - đồi Chư Cúc (huyện Ea Kar) và Khu căn cứ cách mạng Đắk Tuôr (huyện Krông Bông). Theo ông Lê Minh Hảo, Phó Trưởng Phòng Quản lý du lịch (Sở VH-TT-DL), những trung tâm du lịch trên sẽ đóng vai trò hạt nhân, tạo động lực thúc đẩy các “vệ tinh” là buôn làng xung quanh kết nối, hợp tác để hiện thực hóa chính sách phát triển du lịch cộng đồng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk trong thời gian tới.

Đình Đối

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.