Multimedia Đọc Báo in

Đánh thức tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng (kỳ 2)

08:23, 01/02/2021

Vốn văn hóa truyền thống ngày càng mai một, không gian sống bị đô thị hóa nhanh chóng, cùng những xung đột lợi ích đang diễn ra sâu sắc giữa các ngành nghề… là những thách thức đặt ra đối với chủ trương, chính sách phát triển du lịch cộng đồng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Đắk Lắk hiện nay.

Tìm cách khôi phục vốn văn hóa - sinh thái

Bên cạnh tiềm năng, lợi thế có được để cộng đồng các dân tộc thiểu số phát triển du lịch cộng đồng, tạo sinh kế bền vững và từng bước cải thiện đời sống thì vẫn còn những thách thức hiện hữu, không dễ gì vượt qua.

Trống H'gơr và cồng chiêng được gìn giữ tại nhiều hộ gia đình buôn Kli A (phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ).
Trống H'gơr và cồng chiêng được gìn giữ tại nhiều gia đình ở buôn Kli A (phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ).
"Lấy vốn văn hóa - sinh thái để làm du lịch cộng đồng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là hướng đi đúng nhằm từng bước cải thiện đời sống cho người dân. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao gìn giữ và phát huy vốn quý ấy, bởi thực tế không ít buôn làng hiện nay bị mất mát, tổn thương đáng kể về nền tảng quan trọng trên”. 
Ông Y Lươm Knul, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Na, huyện Buôn Đôn

Ví như buôn Tuôr (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột), người dân ở đây đã từng làm du lịch cộng đồng từ nhiều năm trước nhờ tiềm năng có sẵn là nhà dài, văn hóa cồng chiêng, làng nghề thổ cẩm, vườn cây ăn trái và đặc biệt là thả thuyền theo dòng suối Đắk Tuôr…vốn được du khách yêu thích. Song, từ khi Khu công nghiệp Hòa Phú được xây dựng và đi vào hoạt động thì mọi thứ đều thay đổi do tác động tiêu cực từ đây gây ra. Trưởng buôn Y Wer Ktul phản ánh: Phía thượng nguồn của dòng suối bị chặn lại để phục vụ cho khu công nghiệp, nước thải từ các nhà máy đổ ra đã làm ảnh hưởng môi trường nghiêm trọng. Suối Đắk Tuôr không những bị khô kiệt mà còn đục ngầu vào những tháng mùa khô, khiến việc bơm tưới cho những vườn cây trong vùng trở nên nan giải - và quan trọng hơn là sản phẩm du lịch thả thuyền xuôi theo dòng suối đã đặt phải chấm dứt từ đó. Già làng Y Thít Byă cho biết, từ khoảng năm 2010 đến nay, hoạt động du lịch ở đây thưa vắng dần rồi biến mất do hệ lụy trên gây ra. Bây giờ, muốn khôi phục và phát triển du lịch cộng đồng thì nhất thiết phải cải tạo lại dòng suối Đắk Tuôr. Việc làm này không dễ, đòi hỏi sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền thành phố, thậm chí cấp có thẩm quyền cao hơn mới khả dĩ.

Ở buôn Trí A (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi công trình thủy điện Sêrêpốk 4A chặn dòng vào năm 2004, khiến đoạn sông chảy qua đây kiệt nước. Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Trưởng buôn Trí A cho hay: Hệ lụy từ công trình thủy điện này đã làm mất sinh kế của nhiều gia đình người dân tộc thiểu số tại chỗ. Trước đây, khi dòng Sêrêpốk chưa có thủy điện thì bà con trong buôn sống được với nghề đánh bắt thủy sản; đưa khách du lịch tham quan, trải nghiệm với cảnh quan thiên nhiên bằng thuyền độc mộc thông qua những đơn vị làm du lịch trên địa bàn. Đến nay, những sinh kế trên không còn và ít nhiều đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân - hơn thế, một khi tham gia làm du lịch cộng đồng theo chủ trương, chính sách của Nhà nước thì sẽ mất lợi thế do những sản phẩm du lịch đặc trưng kia không còn.

Ngôi nhà dài tại buôn Tuôr (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) được chính quyền thành phố  hỗ trợ  nâng cấp  vào cuối năm 2020 .
Ngôi nhà dài tại buôn Tuôr (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) được chính quyền thành phố hỗ trợ nâng cấp vào cuối năm 2020.

Rõ ràng, việc khai thác tài nguyên thiếu tính toán, quá mức, thậm chí chỉ vì lợi ích riêng của doanh nghiệp đã gây ra khó khăn cho các địa phương trong việc quy hoạch, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội trước mắt cũng như lâu dài; trong đó du lịch được xem là “cú hích” để giúp cộng đồng các dân tộc thiểu số cũng đang đối mặt với thực trạng trên vươn lên.

Đình Đối

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.