Multimedia Đọc Báo in

Tây Nguyên qua nét vẽ họa sĩ trẻ

09:06, 05/02/2021

Tây Nguyên là “mảnh đất màu mỡ” đề tài đối với các họa sĩ, nhất là những người sinh ra và lớn lên ở đây. Mỗi sáng tác của họ chứa đựng nét sáng tạo riêng nhưng có chung một tình yêu đối với buôn làng, quê hương.

Họa sĩ Y Luê Adrơng (SN 1985) sinh ra và lớn lên tại TP. Buôn Ma Thuột. Dù gia đình không có có truyền thống làm nghệ thuật, nhưng ngay từ nhỏ Y Luê đã bộc lộ năng khiếu vẽ tranh, thường vẽ bằng than, que củi trên những nền bằng phẳng như mặt đất, bờ tường… Khi lớn lên anh quyết định theo học chuyên ngành Hội họa tại Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Đắk Lắk để theo đuổi ước mơ của mình.

Họa sĩ Y Luê Adrơng say mê sáng tác.
Họa sĩ Y Luê Adrơng say mê sáng tác.

Khi mới tốt nghiệp, để ổn định cuộc sống, Y Luê theo nghề vẽ tranh tường. Các bức tranh có nội dung phong phú, tùy theo nhu cầu của khách hàng, cũng truyền tải được cảm xúc cho người xem. Tuy nhiên, sau một thời gian theo đuổi anh đã tạm dừng lại và quyết định đi theo hướng sáng tác nghệ thuật. Y Luê chia sẻ: “Thật ra, tôi vẫn rất thích vẽ tranh tường, nó cũng như một bức tranh sáng tác, phải có cảm xúc và truyền tải được ý nghĩa đến với công chúng. Tuy nhiên, tranh tường nhanh bị phai mờ do không được bảo quản tốt, khi gia chủ chuyển nhượng quán xá hay mục đích kinh doanh, chúng lại bị xóa bỏ đi. Khi chứng kiến điều ấy, tôi rất buồn, cảm giác như mất đi một điều gì đó quý giá của mình, vậy nên tôi đã quyết định chuyển hướng”.

 

Một bức tranh lấy chất liệu từ thực tế của họa sĩ Y Luê Adrơng 
Một bức tranh lấy chất liệu từ thực tế của họa sĩ Y Luê Adrơng.

Khi chuyển sang sáng tác tranh, anh Y Luê chọn ngay buôn làng, văn hóa truyền thống là chủ đề cho các tác phẩm của mình. Đơn giản vì anh cảm nhận được từng nếp nhà dài, trang phục truyền thống hay khung dệt vải… đang ít dần đi, nếu không lưu giữ lại thế hệ sau này sẽ khó hình dung được. Họa sĩ Y Luê hy vọng, những tác phẩm của mình sẽ phần nào lưu giữ được những ký ức đẹp về buôn làng.

Từ suy nghĩ ấy, công chúng thưởng lãm sẽ nhận thấy tranh của anh không chỉ phản ánh cái đẹp đơn thuần mà còn chứa đựng cả một tình yêu thầm kín và sâu lắng về quê hương. Từ hình ảnh người phụ nữ dệt vải mộc mạc, chân chất hay cô gái Êđê đằm thắm cho đến cảnh vật buôn làng… qua những nét vẽ sơn dầu của Y Luê một cách rất tự nhiên và say mê.

Cùng chí hướng, cùng niềm đam mê với họa sĩ Y Luê là họa sĩ trẻ Y Buih Niê Kđăm (SN 1997), sinh ra và lớn lên tại xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar). Hầu như các sáng tác của Y Buih xoay quanh chủ đề hướng về Tây Nguyên. Nhờ lợi thế tuổi trẻ, anh luôn xông xáo, đi thực tế và chắt lọc những gì hay nhất, cảm xúc nhất để vẽ lên các tác phẩm, truyền tải thông điệp về vẻ đẹp của Tây Nguyên, của buôn làng.

Họa sĩ Y Buih Niê Kđăm trong một lần đi thực tế sáng tác.
Họa sĩ Y Buih Niê Kđăm trong một lần đi thực tế sáng tác.

Họa sĩ Y Buih tâm sự, chưa bao giờ anh thấy chán khi vẽ về Tây Nguyên, trái lại càng vẽ lại càng say; chất men từ buôn làng luôn giúp anh thêm phấn khởi để sáng tác. Những hình ảnh quen thuộc, gắn bó từ ấu thơ được anh đưa vào trong tranh bằng gam màu vàng ấm, nóng, gây ấn tượng với người xem. Sau đó, những chủ đề khác như phong tục tập quán, lễ hội truyền thống đặc sắc… đã được anh lấy làm chất liệu cho những sáng tác của mình. Ngoài việc thể hiện vẻ đẹp của cuộc sống vào trong tranh, đây còn là một cách chàng trai truyền tải thông điệp bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc đến công chúng.

Họa sĩ Y Buih Niê Kđăm giới thiệu về tác phẩm của mình.
Họa sĩ Y Buih Niê Kđăm giới thiệu về tác phẩm của mình.

Với sự nỗ lực, cố gắng của mình, cả hai họa sĩ trẻ đã đạt được những thành công nhất định. Những tác phẩm do các anh sáng tác đã được trưng bày tại các triển lãm, một số tác phẩm đoạt các giải thưởng và cũng được các nhà sưu tập trong và ngoài nước tìm đến giao lưu… Cho dù trong tương lai sẽ có những hướng đi và phát triển mới, nhưng theo họa sĩ Y Luê, Y Buih thì Tây Nguyên, Đắk Lắk, buôn làng vẫn là đề tài chủ đạo để sáng tác.

Hy vọng rằng, sự sáng tạo của các họa sĩ trẻ sẽ mang đến cho công chúng yêu mỹ thuật nhiều hơn nữa những tác phẩm hội họa đặc sắc về vùng đất, con người và nét văn hóa đặc trưng của Tây Nguyên.

ngc Mai


Ý kiến bạn đọc