Văn học - Nghệ thuật Đắk Lắk năm 2020: Vẫn đẹp một mùa hoa
Năm 2020 là một năm khó khăn song nhiều văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh đã phát huy nội lực, vốn sống, vốn chuyên môn đã được tích lũy và “chất men” sáng tạo bẩm sinh để tiếp tục cho ra đời các tác phẩm được dư luận trong tỉnh và cả ngoài tỉnh đánh giá cao.
Về văn xuôi, các nhà văn sáng tác khá đa dạng: có tiểu thuyết, truyện ngắn và có cả tản văn. Một số tác giả đã thể hiện được phong cách riêng. Trong đó, đáng chú ý có tác phẩm “Những mùa rẫy” của H’Xíu Hmok, “Nụ cười thiên nữ” của Bùi Minh Vũ, “Chớp bể mưa nguồn” của Bích Thiêm.
Tác giả H’Xíu Hmok tại chương trình ra mắt tập sách “Những mùa rẫy". |
“Những mùa rẫy” là tập truyện thể hiện những nỗ lực của một tác giả trẻ người dân tộc Êđê trong việc kể lại những câu chuyện mang màu sắc Tây Nguyên. Dẫu chưa có truyện gây được ấn tượng mạnh với người đọc, nhưng nhìn chung về ngôn ngữ, cách kể mang tính truyền thống, dễ đọc, có bản sắc. Tiểu thuyết “Nụ cười thiên nữ” của Bùi Minh Vũ thể hiện sự vươn lên của tác giả so với tiểu thuyết “Cõi hồng” trước đây. “Nụ cười thiên nữ” là một câu chuyện kể vừa mang tính đời thực vừa hư cấu kết hợp khá nhuần nhuyễn giữa vốn sống thực tế và hiểu biết văn hóa của tác giả, gợi cho người đọc nhiều liên tưởng thú vui về cuộc sống. Tập tản văn “Chớp bể mưa nguồn” của Bích Thiêm là góp nhặt, chắt chiu cảm xúc đời thường và được diễn đạt bằng ngôn ngữ chân thật nhẹ nhàng. Tuy nhiên tác phẩm chưa thật sự gây ấn tượng bằng ngôn ngữ đẹp và cảm xúc bay bổng, sâu sắc mà thể loại này đòi hỏi phải có.
Về thơ, đáng chú ý có tác phẩm “Linh hồn tiếng hú” của Đặng Bá Tiến. Đây là tập thơ được nhà thơ, nhà phê bình văn học, tiến sĩ Phạm Quốc Ca nhận xét: “Hồn thơ tác giả đã đạt tới độ chín, độ từng trải để đề cập tới nhiều đề tài, chủ đề. Hình ảnh đất nước và con người Việt Nam từ Tây Nguyên, Nam Bộ, Trung Bộ, Tây Bắc, Việt Bắc đến Trường Sa, Côn Đảo... vừa giàu chất thơ, vừa gắn với những triết lý nhân sinh, thể hiện hài hòa cái nhìn thấy với cái cảm nghĩ...”. Tập thơ “Biển và quê hương” của Bùi Minh Vũ đề cập tới nhiều vấn đề của cuộc sống, nhưng tập trung nhất vẫn là những cảm xúc về quê hương xứ biển và mẹ. Cát và mẹ là hai hình tượng thơ khá nổi bật trong tác phẩm này. Tập thơ “Đám mây màu cổ tích” của Đỗ Toàn Diện viết cho thiếu nhi có tính giáo dục, tính nhân văn cao, góp phần xây dựng nhân cách cho trẻ em. Đây cũng là tập thơ “hiếm hoi” viết cho thiếu nhi ở Đắk Lắk.
Về âm nhạc, đáng chú ý có ca khúc “Cao nguyên dấu yêu” của Hồ Tuấn, mang âm hưởng Tây Nguyên khá rõ nét, khúc thức gọn gàng, ca từ khá đẹp. Ca khúc “Có Bác trong tim ta” của Nguyễn Hưng mang âm hưởng dân ca, viết có cảm xúc, giai điệu khá hay, thể hiện rõ sự tiến bộ của tác giả này. Ca khúc “Chiếc gùi của em” của Châu Phan mang âm hưởng dân ca vùng Tây Bắc, phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi, hồn nhiên, dễ thuộc.
Một số tác phẩm nổi bật của văn nghệ sĩ Đắk Lắk năm 2020. |
Về mỹ thuật, tác phẩm thu hút sự quan tâm của người xem là “Đam San của mẹ” của Trần Thanh Long, “Nắng xuân” của Trương Văn Linh. Đây là những tác phẩm có chủ đề tư tưởng tốt, có bố cục, màu sắc hài hòa, gợi được cảm xúc của người xem. Tác phẩm tranh đồ họa - Monoprint mang tên “Tìm lối” của Nguyễn Hải Long dùng phương pháp in ấn đồ họa độc bản. Đây cũng là tác phẩm có nội dung đề tài tốt, bố cục sáng tạo, cách làm tranh khá mới mẻ, có phong cách riêng.
Về nhiếp ảnh, nổi bật có ba tác phẩm “Thân thiện” của Tôn Thất Tuấn Ninh, “Chung tay quyết thắng đại dịch Corona” của Xuân Chiến, “Thu hoạch và chế biến mủ cao su” của Trần Thị Mùi. Đây là những tác phẩm có nội dung tốt, bám sát thực tế đời sống sinh hoạt văn hóa, lao động sản xuất, những vấn đề thời sự của vùng đất Đắk Lắk; bố cục ảnh khá chặt chẽ, xử lý tông màu, tông ánh sáng chuẩn, gây được chú ý của người xem ảnh.
Về sân khấu - điện ảnh, tác phẩm được người xem đánh giá cao nhất là phim tài liệu “Trường Sa nơi đầu sóng” của Nguyễn Quốc Hưng. Tác phẩm có nội dung tư tưởng tốt, phản ánh sinh động về chủ đề biển đảo, về cuộc sống tinh thần lạc quan, sẵn sàng chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ hải quân Việt Nam. Tác phẩm có nhiều hình ảnh đẹp, nhiều góc quay sáng tạo. Kịch truyền thanh “Lỗ hổng” của Hoàng Huy Liêm có nội dung biểu dương các tấm gương sáng trong cuộc sống, phê phán các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng của một số cán bộ, đảng viên. Nhìn chung tác phẩm có bố cục khá chặt chẽ, chất lượng nghệ thuật tốt, lời thoại, diễn xuất, âm thanh, lồng nhạc khá hoàn chỉnh.
Có thể nói, các tác phẩm của văn nghệ sĩ Đắk Lắk sáng tác trong năm 2020 đã phản ánh được nhiều mặt của đời sống, nói lên được sự đa dạng, phong phú của hiện thực, những điều tốt đẹp mà con người ngưỡng vọng và đang vươn tới. So với mặt bằng chung về văn học nghệ thuật của các địa phương trong cả nước, chúng ta có thể tự tin khẳng định: Văn học - Nghệ thuật Đắk Lắk năm 2020 nằm trong số những tỉnh khá của cả nước.
Phan Vũ
Ý kiến bạn đọc