Multimedia Đọc Báo in

Di tích quốc gia Huyện đường Ðức Phổ ở xứ Quảng

09:08, 14/03/2021

Di tích Huyện đường Đức Phổ được xem là một trong những biểu tượng cho tinh thần cách mạng quật cường của nhân dân Quảng Ngãi. Cách đây 91 năm, tại nơi đây đã diễn ra cuộc biểu tình chiếm Huyện đường của hơn 5.000 quần chúng nhân dân ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931).

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3-2-1930), Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi được thành lập do đồng chí Nguyễn Nghiêm (người xã Phổ Phong, huyện Đức Phổ) làm Bí thư. Tháng 4-1930, Chi bộ cộng sản đầu tiên của huyện Đức Phổ ra đời, do đồng chí Nguyễn Suyền (cũng người Phổ Phong) làm Bí thư. Chi bộ đã tập hợp, lãnh đạo nhân dân trong huyện tiến hành các cuộc đấu tranh, làm cho chính quyền thực dân - phong kiến phải kiêng sợ. Đặc biệt, trong cao trào cách mạng 1930 - 1931, hưởng ứng phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đảng bộ Quảng Ngãi đã chọn Đức Phổ làm địa điểm đấu tranh vì đây là nơi đặt cơ quan đầu não của Tỉnh bộ lâm thời, là một trong những huyện có phong trào đấu tranh mạnh mẽ nhất cả tỉnh.

 Bức phù điêu hình cờ  búa liềm tưởng niệm  về cuộc  đấu tranh  hào hùng ngày 8-10-1930.
Bức phù điêu hình cờ búa liềm tưởng niệm về cuộc đấu tranh hào hùng ngày 8-10-1930.

Theo kế hoạch, rạng sáng ngày 8-10-1930, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nghiêm, nhân dân các xã Phổ Văn, Phổ Thuận, Phổ Nhơn, Phổ Minh tập trung về gò Cây Thị để dự cuộc mít tinh. Tại đây, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã vạch trần tội ác của bọn thực dân - phong kiến, tuyên truyền đường lối của Đảng, cổ vũ tinh thần quần chúng đứng lên đấu tranh.

Sau buổi mít tinh, đoàn biểu tình đã tiến về Huyện đường Đức Phổ một cách có tổ chức, theo hàng lối chỉnh tề, tay cầm gậy gộc, dây thừng, biểu ngữ, cờ đỏ búa liềm. Lúc khởi hành, đoàn có hơn 3.000 người. Trên đường qua các làng, người tham gia ngày càng đông. Khi đến Huyện đường, lực lượng đã lên đến hơn 5.000 người, tạo khí thế cách mạng sục sôi khiến viên tri huyện cùng toàn bộ lại mục, lính tráng khiếp sợ mà bỏ trốn. Đoàn người biểu tình đã xông vào Huyện đường, đốt công văn, thả tù nhân, treo cờ Đảng, hô vang các khẩu hiệu “Đả đảo đế quốc Pháp và Nam triều phong kiến”, “Việt Nam độc lập, chính quyền về tay công nông binh”, “Giảm thuế điền, giảm thuế đinh, thuế đò”, “Ủng hộ liên bang Xô Viết”, “Ủng hộ Nghệ An đỏ, chống khủng bố Nghệ Tĩnh”.

Sau khi làm chủ huyện đường, đoàn biểu tình tiếp tục tuần hành quanh huyện lỵ và các xã lân cận, đến 8 giờ sáng thì giải tán. Cuộc biểu tình đã giành thắng lợi giòn dã, gây được tiếng vang lớn trong tỉnh và cả nước. Hưởng ứng cuộc biểu tình của nhân dân Đức Phổ, nhân dân các huyện Mộ Đức, Sơn Tịnh cũng đứng dậy đấu tranh, giành nhiều thắng lợi quan trọng.

Theo các tài liệu, trước năm 1930, Huyện đường Đức Phổ được xây dựng trên khu đất hình chữ nhật có diện tích 11 sào, với kiến trúc nhà ba gian hai chái, tường gạch, mái lợp ngói âm dương. Huyện đường tồn tại đến năm 1960 thì chính quyền Sài Gòn phá bỏ để xây dựng lại trụ sở mới của quận Đức Phổ. Sau ngày đất nước thống nhất, trụ sở quận Đức Phổ được cải tạo, nâng cấp để làm trụ sở UBND huyện Đức Phổ. Hiện phía trước trụ sở có một bức phù điêu lớn hình cờ búa liềm để tưởng niệm về cuộc đấu tranh hào hùng giành Huyện đường ngày 8-10-1930.

Huyện đường Đức Phổ được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm 1994. Đây là một trong những “địa chỉ đỏ” giáo dục về lịch sử, tinh thần cách mạng của nhân dân Quảng Ngãi.

* Bài viết có tham khảo tư liệu sách Lịch sử Ðảng bộ tỉnh Quảng Ngãi (1930 - 1975).

Phạm Vũ


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.