Những cô gái Êđê đam mê nghề truyền thống
Trước nguy cơ những nghề truyền thống của dân tộc bị mai một, có những cô gái trẻ Êđê đã chịu khó học hỏi, rèn luyện với mong muốn gìn giữ vốn quý văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Sinh sống tại buôn Akô Dhông, TP. Buôn Ma Thuột, cũng là Bí thư Chi đoàn buôn, chị H’Tit Aliô (SN 1992) thường xuyên tổ chức sinh hoạt Đoàn gắn với các hoạt động văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Vừa qua, chị và các thanh niên trong buôn đã tham dự hội thi ủ rượu cần do Trung Nguyên Legend tổ chức. Với chị, đây cũng là một cách thực hiện bảo tồn, phát huy nghề truyền thống. Ngay từ nhỏ, khi phụ giúp mẹ ủ rượu cần, chị đã cảm thấy thích thú và để tâm học hỏi, dần dần tích lũy những kiến thức, kinh nghiệm quý giá. Theo chị, làm rượu cần về quy trình có thể giống nhau, nhưng bí quyết của mỗi gia đình, cá nhân là khác nhau, nhất là phải làm được men từ các loại lá cây tự nhiên để có được rượu ngon. Tiếc rằng hiện nay những loại cây này rất hiếm không tìm được để làm nên loại men quý từ thiên nhiên. Để khắc phục điều này, chị H'Tit đã lựa chọn đặt men tại một cơ sở uy tín, đảm bảo chất lượng rượu ngon.
Chị H’Tit Aliô (thứ hai từ trái sang) cùng các bạn thanh niên tìm hiểu về các vật dụng truyền thống. Ảnh: Bảo tàng Thế giới cà phê |
Đối với chị, làm rượu bây giờ không hẳn là vì giá trị kinh tế, mà đó chính là cách để bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Thực tế, hiện nay ở nhiều buôn làng đồng bào Êđê còn rất ít người biết ủ rượu cần. Trăn trở với thực trạng này, chị H'Tit đã cùng một số bạn bè học hỏi kinh nghiệm và tổ chức thành một nhóm lập nghiệp, làm rượu cần theo đơn đặt hàng. Họ cũng thường xuyên tham gia các lớp học về du lịch do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, nhằm bổ sung thêm nhiều kiến thức cũng như kỹ năng về lĩnh vực mà mình đam mê.
Chị H’Ơi Niê (SN 1996) ở buôn Tring 2, thị xã Buôn Hồ lại có sự say mê đặc biệt với nghề dệt vải truyền thống. Mới "bén duyên" với lớp dệt truyền thống của người Êđê do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên thị xã Buôn Hồ tổ chức, chị đã cảm thấy yêu thích công việc này. May mắn được làm học trò của nghệ nhân Amí Y Thin, người nổi tiếng về nghề dệt truyền thống ở Buôn Hồ, chị H'Ơi luôn cố gắng học hỏi, tiếp thu những tinh hoa của nghề dệt mà nghệ nhân truyền dạy. Với chị khó nhất trong dệt thổ cẩm là dệt hoa văn, ngoài sự cố gắng học tập thì còn phải có sự khéo tay mới có thể dệt ra những nét chỉ mượt mà, sắc sảo. Dù công việc mưu sinh bận bịu, chị H'Ơi vẫn tranh thủ thời gian bên khung cửi dệt nên những sản phẩm mình yêu thích.
Chị tâm sự, nếu so với công việc khác như nhổ cỏ làm rẫy, chăm sóc cà phê, làm công... thì việc dệt thổ cẩm không có thu nhập bằng nhưng chị vẫn tha thiết, vì nó mang đến niềm vui, làm sống lại những kỷ niệm đẹp một thời, lưu giữ những giá trị truyền thống của người Êđê. Chị mong rằng sản phẩm thổ cẩm được nâng cao giá trị hơn nữa để người dân có thể sống bằng nghề, cũng là cách để lưu giữ, phát triển nghề. Với mong muốn đó, hiện chị đang phối hợp với những nghệ nhân, bạn bè sáng tạo, dệt ra các sản phẩm khác biệt từ thổ cẩm nhằm mang lại giá trị cao hơn và có sức hút hơn.
Chị H’Tit Aliô (thứ hai từ phải sang) cùng các bạn thanh niên làm rượu cần. |
Trước thực trạng nhiều nghề truyền thống đang dần bị thất truyền, mai một thì những cô gái trẻ Êđê như H’Tit, H’Ơi với niềm đam mê của mình đã phần nào truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ cùng nhau học hỏi và giữ lại nghề truyền thống.
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc