Multimedia Đọc Báo in

Hướng về cội nguồn tiên tổ

17:39, 18/04/2021

“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3” - từ bao đời nay, câu ca ấy vẫn in sâu trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam. Và dù ở bất cứ nơi đâu, cứ đến ngày Giỗ Tổ, hàng triệu người con mang dòng máu Việt lại hành hương hoặc hướng về đất Tổ, thắp nén nhang thơm, nhớ về nguồn cội với lòng thành kính.

Với người dân Đắk Lắk, từ lâu Đình Lạc Giao (TP. Buôn Ma Thuột) đã trở thành địa chỉ tìm đến trong ngày Quốc lễ để cùng nhau hướng về đất Tổ, dâng nén tâm hương, tri ân công đức của tiền nhân, gìn giữ nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc…

Cán bộ, chiến sĩ dâng hương tưởng niệm tại Đình Lạc Giao. Ảnh: Hồng Thủy
Cán bộ, chiến sĩ dâng hương tưởng niệm tại Đình Lạc Giao. Ảnh: Hồng Thủy
“Để chuẩn bị cho Ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, Ban Quản trị Di tích Đình Lạc Giao đang tập trung thực hiện các khâu chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này. Năm nay, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND TP. Buôn Ma Thuột và các đơn vị liên quan tổ chức Lễ Giỗ Tổ vào ngày 20 và 21-4. Trong đó sẽ thực hiện nghi thức Tế truyền thống, đọc chúc văn dâng lên các Vua Hùng và ôn lại lịch sử dựng nước, và giữ nước hào hùng của dân tộc...”.
ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Ban Quản lý các hoạt động văn hóa của Di tích lịch sử - văn hóa Đình Lạc Giao

Theo ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Ban Quản lý các hoạt động văn hóa của Di tích lịch sử - văn hóa Đình Lạc Giao, ngôi đình do người dân làng Lạc Giao cùng nhau xây dựng vào năm 1928, với mục đích dùng làm nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân. Đây được xem là nơi tụ hội quan trọng và là chứng tích cho tình đoàn kết của những người con đất Việt từ khắp các miền đến sinh sống tại Đắk Lắk. Hằng năm, Ban Quản trị Di tích Đình Lạc Giao tổ chức bốn lễ tế quan trọng: lễ tế Xuân (ngày 16 – 17 tháng Giêng âm lịch); lễ tế Thu (ngày 16 – 17 tháng Tám âm lịch); lễ tưởng niệm 100 chiến sĩ Nam tiến hy sinh và đồng bào tử nạn tại Buôn Ma Thuột vào ngày 1-12-1945 (27-10 âm lịch) và lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch).

Ngược dòng thời gian để thêm hiểu về những giá trị văn hóa, lịch sử của Đình Lạc Giao. Vào cuối thập niên 20 của thế kỷ trước, ông Phan Hộ (người làng Đại Cát, xã Ninh Phụng, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) và một số thương nhân tìm đường lên Buôn Ma Thuột để buôn bán, trao đổi hàng hóa với người Êđê. Qua các chuyến kinh thương, trao đổi hàng hóa, ông Phan Hộ đã gặp gỡ, giao lưu với nhiều già làng Êđê và gây được thiện cảm. Sau đó, nhận thấy Buôn Ma Thuột là vùng đất rộng, bằng phẳng, màu mỡ, thuận tiện cho việc chăn nuôi, trồng trọt, phát triển đời sống, đến năm 1928 ông quay về Khánh Hòa rủ thêm gần chục gia đình đến Buôn Ma Thuột thành lập làng, xây dựng mái đình và đặt tên là Lạc Giao với mong muốn an cư lập nghiệp, chung sống chan hòa, vui vẻ. Thuở ban đầu lập làng chỉ có vài ba chục người miền Trung sinh sống, dần dần những người từ các nơi đến ngày càng đông, chợ cũng xuất hiện, người Kinh, người dân tộc thiểu số bản địa giao lưu, buôn bán, trao đổi hàng hóa. Để ghi nhớ, gắn kết tình đoàn kết, ông Phan Hộ, khi ấy là Xã trưởng xã Lạc Giao đã chia đất cho một số đồng bào khai hoang, lập vườn, cất nhà trong phạm vi làng Lạc Giao.

Dâng hương tại Đình Lạc Giao. Ảnh: Hữu Nguyên
Dâng hương tại Đình Lạc Giao. Ảnh: Hữu Nguyên

Trong hành trình lịch sử dặm dài cùng đất nước, Đình Lạc Giao cũng là chứng tích của nhiều sự kiện quan trọng: là nơi hội họp và ra mắt của Ủy ban Cách mạng lâm thời thị xã Buôn Ma Thuột những ngày Cách mạng Tháng Tám đầy sôi động; là nơi chứng kiến những mất mát, nhiều thương đau của các cán bộ, chiến sĩ, đồng bào các dân tộc đã ngã xuống trên vùng đất này; là nơi ra mắt Ủy ban Quân quản thị xã Buôn Ma Thuột (ngày 18-3-1975) do cố Thiếu tướng Y Blốk Êban (khi ấy là Đại tá) làm Chủ tịch, tuyên bố chính quyền cách mạng về tay nhân dân… Từ ý nghĩa lịch sử ấy, ngày 2-3-1990, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã ra Quyết định số 168/QĐ-BVHTT công nhận Đình Lạc Giao là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.

Trải qua bao biến thiên của thời gian, dù phải sửa chữa, trùng tu vài lần do bị bom địch tàn phá và hư hỏng do năm tháng, ngày nay Di tích lịch sử - văn hóa Đình Lạc Giao vẫn nằm yên bình, thanh tĩnh giữa lòng thành phố, là điểm đến của đông đảo khách thập phương và mỗi người con của Đắk Lắk đi làm ăn xa khi trở về ghé thăm. Đặc biệt, vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10-3 hằng năm, người dân trong vùng lại hội tụ nơi đây, thành kính dâng hương nhớ về tiên tổ, về các bậc tiền hiền và các anh hùng, liệt sĩ có công với đất nước.

Và Di tích lịch sử – văn hóa Đình Lạc Giao vẫn luôn là chứng nhân lặng thầm, không chỉ mang trong mình những giá trị về mặt văn hóa, lịch sử, kiến trúc và những lễ hội cổ truyền đặc trưng vùng miền, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong phát triển đời sống xã hội, không chỉ ở Đắk Lắk mà còn của cả vùng Tây Nguyên…

Lan Anh

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.