Multimedia Đọc Báo in

Miền quê hội tụ tình ĐẤT NƯỚC

16:58, 25/05/2021

Đã có lần tôi bộc bạch cảm xúc của mình bằng những vần thơ sau một chuyến về thăm quê Bác ở làng Sen (Kim Liên) thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An:

Sáng hè nắng đẹp làm sao

Xanh trên nhà Bác, trời cao,

mây hồng

Lặng nhìn nước giếng Cốc trong

Bao nhiêu suối mát khơi dòng

từ đây?

Lối vào rợp bóng hàng cây

Đôi bờ râm bụt tháng ngày

đứng nghiêm

Miền quê ấy với những hình ảnh thật gần gũi, thân quen với mọi người, có thể bắt gặp ở bất cứ nơi đâu trên mọi miền đất nước: Hàng dâm bụt hay chè mạn hảo làm rào chắn hai bên lối đi được cắt tỉa thẳng tắp; lũy tre chạm những nét vẽ thủy mặc lên nền trời xanh trong lồng lộng; hàng cau rủ bóng, bao năm nay như tiêu binh đứng xếp hàng trước ngôi nhà tranh mộc mạc. Khung cảnh thật yên bình.

***

Từ quê ngoại sang quê nội của Bác, hai làng cách nhau chỉ một quãng đồng. Nắng tháng năm mỗi lúc một gắt.

Tôi chậm bước trên con đường bê tông với một bên là bờ rào mới dựng ngăn cách với ao sen. Ở đó, nổi bật trên nền xanh đậm của lá sen trải khắp mặt ao, đang lấp ló những bông sen phớt hồng đầu mùa. Lòng bồi hồi, mường tượng cảnh mấy chục năm về trước khi còn tuổi học sinh, tôi cũng đã từng đi trên con đường nhỏ uốn lượn quanh co này, đất cát phẳng phiu…

Nhà Bác đây, giản dị đơn sơ giữa một khu vườn rộng rãi, bốn bề tỏa bóng cây xanh. Cây bưởi trước sân chi chít những chùm quả nhỏ trên cành. Tiếng cô thuyết minh giọng Nghệ nghe thật dễ thương, cái oi bức của trưa hè dường như cũng dịu bớt.

Lần này về thăm nhà Bác thấy có nhiều đổi thay. Khu Di tích Lịch sử Văn hóa Kim Liên phục dựng thêm ba ngôi nhà láng giềng của gia đình Bác tại làng Sen. Đó là nhà của các cụ Nguyễn Danh Khai, Vương Hoàng Mỹ và Hoàng Xuân Tiệng. Tôi rẽ lối qua khu nhà lưu niệm bề thế, vào thắp hương tưởng nhớ Người rồi dạo một vòng quanh khuôn viên rợp mát bóng cây. Tôi để ý không còn thấy những tấm bảng gắn trên thân cây như mấy năm trước, ghi danh các vị lãnh đạo về thăm đã trồng lưu niệm. Bỗng thấy khu vườn có vẻ như thoáng hơn. Tôi thầm cảm ơn Ban Quản lý khu di tích đã làm được cái điều tưởng như rất đơn giản nhưng lại không dễ chút nào bởi nó “nhạy cảm” lắm, “tế nhị” lắm! Bỏ đi một chi tiết thừa, để cho không gian văn hóa đẹp hơn, ấy là một hành động rất văn hóa của người làm văn hóa nơi đây vậy.

Trời tháng năm càng về trưa càng nắng gắt. Dòng người và xe cộ vẫn đổ về làng Sen không ngớt. Nhìn biển số xe, tôi biết họ đến từ xa lắm, tận trên “quê hương cách mạng dựng nên cộng hòa” ở Pác Bó hay tít mù Tây Bắc - nơi “chín năm làm một Điện Biên” lừng lẫy địa cầu, tận TP. Hồ Chí Minh xa xôi hay Cà Mau đất mũi vời vợi. Làng Sen những ngày này đúng là nơi hội tụ tâm hồn, tình cảm dân tộc. Cả nước non tụ họp quanh Người. “Sen Vàng quê Bác – Kim Liên/Hương thơm tỏa ngát khắp miền quê xa”.

Đến Kim Liên mà chưa ghé núi Chung thì chưa nỡ rời chân. Ngọn núi nhỏ ấy cách làng Sen khoảng một cây số về phía đông nam, nơi đã từng gắn bó với tuổi thơ của Bác.

Núi Chung xưa được ví như cái chuông khổng lồ úp nghiêng. Tên núi bắt nguồn từ hình thể này chăng? Xung quanh núi, quần tụ bảy làng của xã Kim Liên. Thế chữ “Vương”, núi Chung là "Kim Qui phù đạo" - đất thiêng nổi tiếng cả nước, mọi thời.

Núi Chung bây giờ rợp bóng cây xanh. Rừng nhân tạo đã bao phủ khắp địa danh có bề dày lịch sử - văn hóa này. Đến núi Chung, du khách lại đắm mình trong trầm tư, mặc tưởng khi thắp nén nhang tưởng nhớ các bậc tiền nhân ở đền thờ gia tộc Bác dựng bên triền núi phía nam vừa mới khánh thành.

Tôi lắng nghe trong gió tiếng thầm thì của đất trời Chung sơn. Và hình như cả âm hưởng của giọng thơ La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp thuở nào: “Chung sơn tam đỉnh hình vương tự/ Kế thế anh hùng vượng tử tôn” (nghĩa là: Núi Chung có ba đỉnh, hình chữ “Vương”/ Con cháu đời đời nối nghiệp anh hùng).

Nguyễn Duy Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.