Multimedia Đọc Báo in

Thăm Di tích lịch sử đền Rạch Già

08:13, 14/05/2021

Khu di tích lịch sử đền Rạch Già nằm trên đường Ấp 6 thuộc xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh (cách chợ Hưng Long khoảng 4 km). Đây là căn cứ cách mạng của người dân Hưng Long trong thời kháng chiến chống ngoại xâm.

Ngày trước, địa điểm Rạch Cầu Già được người dân ở xã Hưng Long quen gọi là Rạch Già, nằm sâu trong vùng heo hút, hoang vu. Nơi đây, một bên là rừng dừa nước um tùm, một bên là sông Cần Giuộc trong xanh. Đây là lợi thế để thuyền bè đi lại dễ dàng, thuận tiện cho người dân Hưng Long hoạt động cách mạng. Do vậy, Hưng Long đã trở thành vị trí quan trọng của vành đai Tây Nam Sài Gòn, vừa là tiền phương vừa là hậu phương để lực lượng cách mạng hoạt động trong hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Cổng đền Rạch Già.
Cổng đền Rạch Già.

Để ghi nhớ công ơn những đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh tại Rạch Già - Hưng Long, năm 2002 huyện Bình Chánh đã khởi công xây dựng Khu di tích lịch sử Rạch Già với diện tích 3.000 m². Công trình gồm đình Hậu Mỹ (bên trái) và đền tưởng niệm (bên phải). Đình được xây dựng trên nền đất cao, mái lợp ngói, đầu mái cong trang trí phù điêu hình rồng. Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh là nhân vật được thờ chính trong đình. Đền tưởng niệm cũng được xây dựng trên nền đất cao cạnh đình, mặt tiền đền hướng ra sông Cần Giuộc. Đặt trang nghiêm giữa đền là án thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên vách trái là bia khắc tên các chiến sĩ đã hy sinh tại vùng đất Hưng Long, trên vách phải là bia ghi tên các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của xã Hưng Long.

Khuôn viên đền.
Khuôn viên đền.

Hằng năm, tại di tích Đền Rạch Già có các ngày lễ lớn như: Lễ kỳ yên diễn ra vào hai ngày 15, 16-2 âm lịch; Lễ giỗ các anh hùng liệt sĩ vào ngày 26-3 âm lịch. Ngày 13-10-2008, UBND TP.Hồ Chí Minh đã ký quyết định công nhận đền Rạch Già là Di tích lịch sử cấp thành phố.

Nguyễn Hoàng Duy


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.