Multimedia Đọc Báo in

Vãn cảnh Tây Thiên

09:45, 10/03/2017

Nằm cách thủ đô Hà Nội 75 km về phía Tây Bắc, thắng cảnh Tây Thiên từ lâu đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách bốn phương.

Thuộc địa phận xã Đại Đình (huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc), danh thắng Tây Thiên là sự kết hợp độc đáo và tinh tế giữa văn hóa tâm linh và du lịch sinh thái. Ngọn núi Tây Thiên cao sừng sững là điểm đến cho hành trình về với huyền tích thời Hùng Vương, về nơi vốn được coi là một trong những cái nôi của Phật giáo Việt Nam và tín ngưỡng thờ Mẫu.

Đứng ở dưới chân núi nhìn lên, dễ choáng ngợp bởi sự hùng vĩ của ngọn núi Tây Thiên. Trong tấm thảm xanh của non ngàn, thấp thoáng những mái chùa, mái đền cổ kính khiến cho không gian trở nên thanh tịnh và ấm áp. Khói sương bảng lảng trên đỉnh núi càng làm cho không gian ở đây thêm linh diệu. Để lên đến đỉnh Tây Thiên, có hai con đường để du khách lựa chọn. Đó là cáp treo và đi bộ. Tuy cáp treo có nhanh hơn nhưng nhiều người đã chọn cách leo bộ, dạo bước thong dong để khám phá vẻ đẹp Tây Thiên. 

Du khách sẽ được chiêm bái, thắp hương, cầu may tại các ngôi đền, chùa suốt dọc con đường lên đỉnh Tây Thiên. Không tập trung một chỗ, theo hành trình từ dưới chân núi lên đến đỉnh non ngàn, mỗi ngôi đền, chùa ở Tây Thiên được xây dựng ở một vị trí cách xa nhau tạo nên một quần thể di tích mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa. Từ đền trình thờ Quốc Mẫu Năng Thị Tiêu ở điểm đầu tiên của quần thể Tây Thiên, du khách tiếp tục hành hương đến các ngôi đền thiêng như đền Thỏng, đền Mẫu Hóa, đền Cậu, đền Cô, đền Thượng, đền Tam Tòa Thánh Mẫu…

Vẻ đẹp cổ kính của cây đa chín cội bên đền Thỏng ở quần thể Tây Thiên.
Vẻ đẹp cổ kính của cây đa chín cội bên đền Thỏng ở quần thể Tây Thiên.

Dọc đường dạo bước lên đỉnh non Tây Thiên, khung cảnh thiên nhiên nơi đây khiến hồn người thư thái, xua tan đi bao nỗi ưu phiền. Đó là tiếng chim hót trong tán rừng bạt ngàn, tiếng suối chảy róc rách dưới khe, tạo vật như đang cựa mình, nhú những mầm non của măng trúc, của cây cỏ. Không gian núi rừng Tây Thiên như một bức họa được thêu dệt bởi hoa rừng đang đua nở, bởi màu xanh ngút ngàn và vẻ hoang sơ tĩnh lặng. Du khách sẽ được chiêm ngưỡng những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, cội rễ xù xì như cây đa chín cội tỏa bóng ngàn năm xuống ngôi đền cổ kính, những tán cổ thụ với cội rễ vươn dài như tạo thế vững chãi cho những ngôi đền trên sườn núi; hay thác Bạc, suối Giải Oan với dòng nước trong vắt, trắng xóa tạo nên một khung cảnh hữu tình. Giữa cỏ cây hoa lá và đền chùa miếu mạo trên đỉnh Tây Thiên dường như không có khoảng cách mà giao hòa lẫn nhau.

Đến Tây Thiên, dù ở mùa nào, du khách sẽ được thưởng thức vốn ẩm thực vừa dân dã, vừa đậm đà của cư dân nơi đây. Đó là những món ăn được chế biến từ những sản vật nông nghiệp địa phương như trứng gà nướng, gà đồi nướng, lợn mán, rau su su, măng trúc, cơm lam, khoai mật nướng, măng ớt… Mỗi món ăn đều có một dư vị hấp dẫn và làm ấm lòng du khách. Điều đặc biệt khi đến Tây Thiên là du khách không phải phiền lòng về nạn chèo kéo khách, chào hàng, “chặt chém” hay trộm cắp.

Hành trình về đỉnh non ngàn Tây Thiên, du khách sẽ cảm nhận được vẻ đẹp bất tận của danh thắng vốn nổi tiếng cả nước và có những trải nghiệm phong phú về miền đất tâm linh.

Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.