Dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội: Thêm cơ hội, lợi ích cho người tham gia
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) đang được triển khai lấy ý kiến theo hướng mở rộng cơ hội, gia tăng quyền, lợi ích cho các đối tượng tham gia.
Lần sửa đổi này được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá thực hiện lộ trình cải cách để BHXH thực sự là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.
Tăng sức hấp dẫn chính sách BHXH tự nguyện
Thời gian gần đây, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của người lao động với nhiều đề xuất cải cách, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tham gia; đồng thời, tăng cường tính bền vững cho hệ thống BHXH.
Cụ thể, theo Luật BHXH năm 2014, người tham gia BHXH tự nguyện hiện chỉ được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất. Tuy nhiên, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung chế độ thai sản vào nhóm quyền lợi mà người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng. Theo đó, người lao động tham gia BHXH tự nguyện được giải quyết hưởng chế độ thai sản gồm lao động nữ sinh con và lao động nam đang tham gia BHXH có vợ sinh con với số tiền 2 triệu đồng cho một con mới sinh. Nguồn kinh phí chi trả sẽ do ngân sách nhà nước đảm bảo và người tham gia BHXH tự nguyện không phải đóng thêm so với quy định hiện hành. Việc bổ sung quyền lợi này cho người tham gia không chỉ nhằm tăng thêm sức hấp hẫn của chính sách BHXH tự nguyện mà đây còn là giải pháp để đa dạng, linh hoạt các chế độ BHXH, thu hút người dân, đặc biệt là nhóm lao động trẻ tuổi tham gia.
Nhân viên thu BHXH thị xã Buôn Hồ tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. |
Trước thông tin này, chị Nguyễn Thị Dung (TP. Buôn Ma Thuột) đã tham gia BHXH tự nguyện hơn 3 năm nay phấn khởi nói: “Khi nghe thông tin Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đề xuất chế độ thai sản cho người tham gia BHXH tự nguyện, tôi rất vui. Hy vọng rằng, đề xuất này sẽ được thông qua để những lao động dự do đóng BHXH như tôi có thêm quyền lợi; đồng thời, cũng tạo động lực để tiếp thục tham gia trong thời gian tới”.
Ngoài ra, để tăng thêm tính hấp dẫn, thu hút người dân tham gia, BHXH Việt Nam cũng đề xuất tăng mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện từ 30% lên 50% đối với người thuộc hộ nghèo, từ 25% lên 30% đối với người thuộc hộ cận nghèo..., thay vì hiện tại người tham gia BHXH tự nguyện được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng 30% đối với hộ nghèo, cận nghèo là 25% và đối tượng khác là 10% (tính theo mức chuẩn hộ nghèo nông thôn) như hiện nay.
Hướng đến mở rộng bao phủ BHXH
Sau khi lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) sẽ được hoàn thiện trình Chính phủ cho ý kiến để trình Quốc hội thảo luận lần thứ nhất tại kỳ họp vào tháng 10/2023. |
Cũng tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu từ 20 năm hiện nay xuống còn 15 năm đối với cả nhóm người tham gia theo hình thức tự nguyện và bắt buộc. Tuy nhiên, Dự thảo cũng nêu rõ, người lao động tham gia BHXH bắt buộc rút tiền một lần sau thời điểm Luật mới có hiệu lực thì ở lần đóng bảo hiểm sau phải tích lũy đủ 20 năm đóng thì mới được hưởng lương hưu, trừ trường hợp nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động.
Việc sửa đổi này góp phần hướng tới mục tiêu mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH của Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 để ngày càng có thêm nhiều người được hưởng lương hưu. Đặc biệt, khuyến khích người lao động đang bảo lưu, tiếp tục tham gia đóng BHXH để hưởng lương hưu hằng tháng. Quy định này cũng tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45 - 47 tuổi mới bắt đầu tham gia), hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu hằng tháng.
Một nội dung đáng chú ý nữa là Dự thảo quy định người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thì có thể lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng (thấp nhất bằng với mức trợ cấp hưu trí xã hội) từ Quỹ BHXH cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Số tiền được hưởng tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH của họ; đồng thời trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Cán bộ BHXH huyện Ea Kar giải quyết thủ tục hành chính và chính sách BHXH cho người dân trên địa bàn. |
Ngoài những nội dung trên, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cũng đang lấy ý kiến về việc thay đổi một số nội dung khác như bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội cho người không có lương hưu; thêm một số đối tượng người lao động là công dân Việt Nam phải tham gia BHXH bắt buộc; điều chỉnh giới hạn tiền lương/thu nhập đóng BHXH; bỏ quy định về việc cho người mắc bệnh dài ngày nghỉ đến 180 ngày, thay vào đó, thời gian nghỉ chế độ ốm đau của người lao động đều được xác định thời gian đóng bảo hiểm và điều kiện làm việc, không phân biệt người đó mắc bệnh gì; ấn định mức trợ cấp bảo hiểm cụ thể thay vì tính theo lương cơ sở…
Theo thống kê của BHXH tỉnh, tính đến cuối năm 2022, số người tham gia BHXH bắt buộc trên địa bàn tỉnh là 106.946 người, tham gia BHXH tự nguyện là 18.431 người. Tuy nhiên, đến cuối tháng 3/2023, bên cạnh số người tham gia BHXH bắt buộc tăng lên 107.219 người thì số người tham gia BHXH tự nguyện giảm xuống còn 17.452 người. Cùng với đó, trong năm 2022, BHXH tỉnh đã giải quyết cho 18.280 lượt người hưởng trợ cấp một lần (trong đó hưởng chế độ BHXH một lần là 13.355 người, tăng 3.792 người so với năm 2021). Do đó, hy vọng rằng việc triển khai những nội dung mới, có lợi cho người lao động trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) sẽ tạo động lực thu hút đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc