Multimedia Đọc Báo in

Phát triển lại người tham gia bảo hiểm y tế - cần sự vào cuộc đồng bộ

08:19, 23/02/2023

Dưới tác động của nhiều nguyên nhân như đời sống kinh tế người dân còn nhiều khó khăn; sự hiểu biết về chính sách, pháp luật còn hạn chế; chính sách hỗ trợ của Nhà nước thay đổi… khiến việc phát triển bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn tỉnh, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn.

Theo đó, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền nhằm phát triển lại số người tham gia BHYT.

Số lượng thẻ BHYT giảm sâu

Trong khoảng hai năm gần đây, việc triển khai các chính sách BHYT, BHXH tự nguyện trên cả nước nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng gặp không ít khó khăn, thách thức.

Đặc biệt, khi Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 và Quyết định số 433/QĐ-UBDT, ngày 18/6/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (sau thay thế bằng Quyết định số 612/QĐ-UBDT) có hiệu lực, trên địa bàn tỉnh có không ít người không còn được hưởng ngân sách Trung ương hỗ trợ đóng BHYT; trong đó hầu hết là người có cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhất là người dân tộc thiểu số. Từ đó, làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi khi đi khám chữa bệnh của người dân cũng như tác động rất lớn đến tỷ lệ bao phủ BHYT của tỉnh.

Cán bộ BHXH huyện Ea Kar giải quyết thủ tục hành chính cho người dân

Đơn cử như ở huyện Ea Kar, địa phương có 18.000 thẻ BHYT giảm do không thuộc đối tượng được ngân sách nhà nước đóng theo Quyết định 861/QĐ-TTg. Trong khi đó, việc vận động người dân tham gia BHYT gặp nhiều thách thức do đa phần kinh tế người dân còn khó khăn và là đồng bào dân tộc thiểu số nên họ thường có quan niệm chỉ khi có phát sinh ốm đau, bệnh tật mới mua thẻ BHYT.

 

Theo thống kê của BHXH tỉnh, thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg và Quyết định số 612/QĐ-UBDT, toàn tỉnh giảm 274.506 thẻ BHYT; trong đó đã rà soát, cấp lại được 124.902 thẻ BHYT theo các nhóm đối tượng khác, còn lại 149.604 người cần tham gia BHYT hộ gia đình.

Ông Bùi Đức Quyền, Phó Giám đốc BHXH huyện Ea Kar chia sẻ: “Trước thực trạng tỷ lệ tham gia BHYT giảm mạnh, thời gian qua, BHXH huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách BHXH nói chung, BHYT nói riêng bằng nhiều hình thức như phát tờ rơi, treo pa nô; tổ chức các buổi hội nghị, đối thoại để tuyên truyền. Tuy nhiên, do nhận thức của người dân còn hạn chế cũng như cuộc sống khó khăn nên việc phát triển đối tượng tham gia BHYT gặp rất nhiều trở ngại”. Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ bao phủ BHYT của huyện Ea Kar chỉ mới đạt trên 85% so với chỉ tiêu giao 93,7%. Tương tự, ở huyện Krông Pắc, thực hiện Quyết định 861/QĐ-TTg, toàn huyện cũng giảm đến trên 40.000 thẻ.

Tập trung phát triển đối tượng có mức sống trung bình

Để tiếp tục khai thác các đối tượng không còn được hưởng chính sách hỗ trợ tham gia BHYT đang là vấn đề khó đối với các địa phương hiện nay. Cụ thể như ở huyện Krông Pắc, một số nhóm đối tượng này ở các xã như Ea Knuếc, Ea Kênh, Ea Yông, Ea Phê phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, nhận thức còn hạn chế nên để phát triển BHYT toàn dân, theo ông Nguyễn Văn Thảo - Giám đốc BHXH huyện Krông Pắc, BHXH huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền chính sách BHYT đến tận từng thôn, buôn để nâng cao nhận thức của người dân; tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát đối tượng hộ nông lâm ngư nghiệp có mức sống trung bình để vận động họ tham gia BHYT vì đây là đối tượng được ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh hỗ trợ 60% mức đóng. Cùng với đó, cán bộ BHXH huyện sẽ bám sát, cùng các xã rà soát, lập danh sách để kịp thời xác nhận, hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định.

Đại diện BHXH Việt Nam trao tặng thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Trong những năm qua, đặc biệt là năm 2022, để phát triển tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân, ngành BHXH và các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực xã hội thực hiện việc mua thẻ BHYT cho các hộ dân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; nhất là hộ dân tộc thiểu số. Trong đó, ngoài nguồn hỗ trợ của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh cũng đã huy động các cán bộ, công nhân viên đơn vị và nguồn lực xã hội để trao tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho nhiều  người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Hay như tại thị xã Buôn Hồ, các tổ, đơn vị kết nghĩa với các buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ cũng đã trao tặng hàng nghìn thẻ BHYT cho các hộ dân khó khăn của các buôn…

Theo ông Nguyễn Khắc Tuấn, Giám đốc BHXH tỉnh, để phát triển đối tượng tham gia BHYT, thời gian tới ngành BHXH tỉnh sẽ phối hợp với các địa phương, đơn vị tập trung vào việc rà soát, xác định đối tượng không còn được hưởng chính sách hỗ trợ thuộc diện hộ nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình để vận động họ tham gia lại. Bên cạnh đó, đơn vị cũng rất cần sự chung tay, vào cuộc của các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức của người dân về ý nghĩa, lợi ích của việc tham gia BHYT; đồng thời, hỗ trợ trao tặng thẻ BHYT cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn nhằm giúp họ được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cũng như góp phần bảo đảm công tác an sinh xã hội…

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.