Multimedia Đọc Báo in

Xã Ea Drông (thị xã Buôn Hồ): Nỗ lực mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế

07:19, 25/11/2024

Thời gian qua việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) ở xã Ea Drông (thị xã Buôn Hồ) được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, việc mở rộng diện bao phủ BHYT ở đây vẫn còn gặp nhiều trở ngại.

“Sức ì” còn lớn

Xã Ea Drông có 19 thôn, buôn; trong đó có 13 buôn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ, tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm trên 70% dân số toàn xã. Toàn xã có 155 hộ nghèo (chiếm 5,52%) và 274 hộ cận nghèo (chiếm 9,77%), mặt bằng dân trí không đồng đều khiến nhiều người chưa hiểu hết giá trị, lợi ích mà bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT mang lại. Điều này đã trở thành thách thức không nhỏ với những người làm công tác BHXH và chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và chủ động tham gia.

Theo số liệu thống kê của UBND xã Ea Drông, toàn xã có trên 12.500 khẩu, năm 2024, chỉ tiêu phát triển BHYT được thị xã giao là 10.315 người (đạt tỷ lệ 88,62% dân số), nhưng đến cuối tháng 9/2024, chỉ mới có 9.017 người tham gia BHYT (đạt 77,47%). Như vậy, để đạt kế hoạch giao, địa phương phải phát triển thêm gần 1.200 người dân tham gia BHYT; trong đó, có trên 200 học sinh đang theo học các trường tiểu học và THCS trên địa bàn xã chưa tham gia BHYT.

Phó Chủ tịch UBND thị xã, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp thị xã Buôn Hồ Y Čing Mlô kiểm tra công tác BHYT tại xã Ea Drông.

Ông Y Manh M’lô, Phó Chủ tịch phụ trách UBND xã Ea Drông chia sẻ: “Trước đây, Ea Drông là xã vùng II nên người dân được Nhà nước cấp thẻ BHYT miễn phí. Tuy nhiên, đến cuối năm 2021, khi xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, toàn xã chỉ còn 1 thôn và 1 buôn thuộc diện đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 và được cấp thẻ BHYT, còn lại phần lớn bà con phải tự bỏ tiền để mua. Điều đáng nói, số người chưa tham gia BHYT chủ yếu là đồng bào DTTS tập trung ở 12 buôn còn lại. Trước thực tế đó, cán bộ BHXH thị xã và chính quyền xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và giải thích chính sách này đến người dân, nhưng đến nay việc huy động họ tham gia vẫn gặp rất nhiều trở ngại”.

 

"Mấu chốt của việc phát triển đối tượng tham gia, mở rộng bao phủ BHYT trên địa bàn xã Ea Drông là phải thay đổi nhận thức của người dân, nhất là đồng bào DTTS, không thể mãi trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước và nguồn lực xã hội, bởi chỉ có thay đổi suy nghĩ, tư duy mới có thể phát triển và duy trì tỷ lệ tham gia bền vững”- Phó Chủ tịch UBND thị xã, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp thị xã Buôn Hồ Y Čing Mlô.

Trong đó, việc nhiều người dân không tham gia BHYT ngoài số ít vì kinh tế khó khăn thì phần lớn là do nhận thức. Cụ thể, một số người chưa hiểu hết ý nghĩa của việc tham gia BHYT, số khác thì trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc chủ quan mình còn trẻ nên sức khỏe tốt, sẽ không bị ốm đau. Đến khi đi khám bệnh, phải nhập viện điều trị thì mới bắt đầu tham gia BHYT. Trong khi đó, nếu tham gia liên tục và có thời gian ngưng đóng dưới 3 tháng thì thẻ BHYT mới có hiệu lực tức thì; còn trên 3 tháng ngưng đóng thì 1 tháng sau khi mua mới có hiệu lực, người tham gia mới được hưởng quyền lợi chi trả từ BHYT.

Nỗ lực vì an sinh xã hội

Để mở rộng diện bao phủ BHYT, những năm qua, lãnh đạo xã Ea Drông đã thực hiện tốt công tác rà soát, lập danh sách các đối tượng thuộc diện hộ nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình để họ được hỗ trợ 30% mức đóng BHYT, giảm chi phí tham gia cho người dân, thế nhưng tỷ lệ người dân tham gia vẫn còn thấp.

Mới đây, HĐND tỉnh cũng đã ban hành nghị quyết quy định hỗ trợ mức đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, người DTTS đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2016 - 2020 mà không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ sẽ được ngân sách địa phương hỗ trợ 15% mức đóng bắt đầu từ ngày 18/11/2024.

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc BHXH thị xã Buôn Hồ cho biết: “Cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, với nghị quyết quy định hỗ trợ mức đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng trên địa bàn tỉnh, người dân ở một số vùng như xã Ea Drông khi tham gia BHYT sẽ chỉ phải đóng 198.000 đồng/thẻ BHYT có giá trị sử dụng 1 năm. Đây là tiền đề, động lực và là cơ hội để người dân tham gia BHYT được chăm sóc sức khỏe, ngành BHXH xã hội mở rộng diện bao phủ và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn xã”.

Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thị xã Buôn Hồ Nguyễn Hồng Tâm (bên trái) tuyên truyền chính sách bảo hiểm y tế tại xã Ea Drông.

Cùng với đó, để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu phát triển BHYT được giao, UBND xã Ea Drông đang phối hợp với BHXH thị xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động; “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động người dân tham gia; đặc biệt, tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp từng buôn vào các buổi tối để tư vấn, giải thích chính sách rõ ràng hơn đến từng người. Ngoài ra, UBND xã cũng gắn trách nhiệm của đảng ủy viên phụ trách địa bàn và các tổ chức hội, đoàn thể chính trị tại địa phương vào công tác phát triển BHYT tại từng thôn, buôn; trong đó, mỗi tổ chức đoàn thể phải phát triển 150 thẻ. Một kênh để phát triển BHYT nữa là địa phương đang thực hiện kêu gọi, huy động các nguồn lực xã hội, nhất là từ các tổ chức, đơn vị hỗ trợ thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn ở buôn kết nghĩa...

Hy vọng rằng, với sự hỗ trợ nguồn lực đóng BHYT từ Nhà nước và ngân sách địa phương cùng nỗ lực của cán bộ ngành BHXH, chính quyền địa phương sẽ góp phần thúc đẩy sự tham gia của người dân, thực hiện tốt mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.