Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV thành công trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt

10:14, 12/08/2021

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Kết quả kỳ họp đã khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn để chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo các nội dung trình Quốc hội cũng như các điều kiện bảo đảm và tổ chức kỳ họp theo đúng quy định của pháp luật.

Kỳ họp thứ nhất với nhiều điều đặc biệt

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV diễn ra 9 ngày trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Các cơ quan hữu quan, bộ, ngành, địa phương vẫn phải tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch.

Trước tình hình đó, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ đã rất tích cực, khẩn trương, làm việc liên tục, ngoài giờ, không có ngày nghỉ để bảo đảm hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra với chất lượng tốt nhất và trong thời gian ngắn nhất, kết thúc kỳ họp sớm 3 ngày so với chương trình đã được thông qua, tạo điều kiện để các đại biểu Quốc hội là lãnh đạo các địa phương, các bộ, ngành chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Bên cạnh đó, Quốc hội đã bám sát tình hình thực tế và kịp thời quyết định bổ sung Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt hơn trong chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch COVID-19, kịp thời kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Đây là quyết định đúng đắn, đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tế, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Quốc hội trước Nhân dân; khẳng định Quốc hội luôn hành động, đồng hành cùng Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch, chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân.

Tại kỳ họp này, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã có Bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội, trong đó gợi mở, nhấn mạnh những định hướng lớn, quan trọng để Quốc hội khóa XV tiếp tục đổi mới, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Quốc hội đã ban hành 29 Nghị quyết, trong đó có 17 Nghị quyết về tổ chức bộ máy và nhân sự; 11 Nghị quyết chuyên đề (về các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025: phát triển kinh tế - xã hội, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công, đầu tư công trung hạn; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019; 2 chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, chương trình giám sát của Quốc hội, thành lập Đoàn giám sát chuyên đề năm 2022) và Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Xem xét các báo cáo về tổng kết công tác bầu cử và kết quả xác nhận tư cách của đại biểu Quốc hội khóa XV; đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2021; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Kỳ họp thứ nhất đã rất thành công, tạo tiền đề, động lực và mở ra một khởi đầu tốt đẹp của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Kết quả kỳ họp đã khẳng định tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn để chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo các nội dung trình Quốc hội cũng như các điều kiện bảo đảm và tổ chức kỳ họp theo đúng quy định của pháp luật.

Công tác điều hành của Đoàn Chủ tịch chủ động, linh hoạt, sáng tạo, duy trì không khí nghị trường sôi nổi trong tất cả các ngày làm việc. Các vị đại biểu Quốc hội đã phát huy trách nhiệm, trí tuệ, tâm huyết, thảo luận, tranh luận dân chủ, thẳng thắn, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, có chất lượng, góp phần tạo nên thành công của kỳ họp.

Đạt nhiều kết quả quan trọng

Kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV được thể hiện trên một số nội dung chủ yếu sau.

Thứ nhất, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thành công rất tốt đẹp và bầu được 499 đại biểu Quốc hội, 266.022 đại biểu HĐND các cấp.

Các đại biểu được bầu bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng và có cơ cấu hợp lý và tỷ lệ đại diện của các tầng lớp nhân dân trong Quốc hội; tỷ lệ đại biểu kiêm nhiệm làm việc trong các cơ quan hành pháp, tư pháp giảm, tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách tăng; tỷ lệ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp trúng cử là người dân tộc thiểu số, phụ nữ đạt cao hơn so với nhiệm kỳ trước; trình độ chuyên môn của những người trúng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp cao hơn so với nhiệm kỳ trước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước bỏ phiếu bầu Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước bỏ phiếu bầu Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN.

Thứ hai, Quốc hội đã bầu, phê chuẩn 50 chức danh lãnh đạo cấp cao của Nhà nước (Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm 9 Ủy ban của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước, 4 Phó Thủ tướng Chính phủ, 18 Bộ trưởng, 4 Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, 1 Phó Chủ tịch, 4 Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh). Đồng thời, phê chuẩn 4 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Sau khi được bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã tuyên thệ trước Quốc hội, trước đồng bào, cử tri cả nước theo quy định của Hiến pháp, thể hiện rõ trách nhiệm, cam kết mạnh mẽ, quyết tâm cao hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và Nhân dân.

Thứ ba, Quốc hội đã thảo luận, xem xét các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2021; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.

Quốc hội khẳng định, những tháng đầu năm 2021 đã thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt các nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, bảo đảm kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát; các giải pháp tiết kiệm chi được thực hiện triệt để nhằm bảo đảm nguồn lực cho việc phòng, chống dịch và thực hiện các chính sách an sinh xã hội; giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; tiếp tục tăng cường quan hệ đối ngoại,…

Quốc hội ghi nhận những kết quả tích cực nêu trên, đồng thời, yêu cầu Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương chủ động bám sát tình hình thực tế, tiếp tục tăng cường các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để vừa kiểm soát tốt dịch COVID-19 vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; đồng thời chủ động điều hành ngân sách nhà nước năm 2021 phù hợp với tình hình thực tế, thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp đã đề ra trong chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019; thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 với 23 chỉ tiêu và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; thông qua Nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, trong đó phấn đấu tổng thu ngân sách nhà nước cả giai đoạn khoảng 8,3 triệu tỷ đồng; tổng chi ngân sách nhà nước khoảng 10,26 triệu tỷ đồng, tỷ trọng chi đầu tư phát triển hàng năm đạt 28%, tỷ trọng chi thường xuyên bình quân khoảng 62-63% tổng chi ngân sách nhà nước.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Quốc hội giao chính phủ chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án quan trọng quốc gia và mức vốn bố trí cho từng dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu trên cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Thứ tư, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Theo đó, điều chỉnh bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; điều chỉnh thời gian trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) từ kỳ họp thứ 2 sang kỳ họp thứ 3. Chương trình năm 2022 gồm 9 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua và 2 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến, trong đó, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến hai lần.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập 2 Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2022.

Thứ năm, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, nhất là sự xuất hiện các biến chủng mới, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của Nhân dân, tác động tiêu cực đến đời sống của nhân dân, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương cần chủ động bám sát tình hình thực tế, tiếp tục tăng cường các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để kiểm soát tốt dịch COVID-19. Thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, tập trung cho công tác phòng, chống dịch.

Quốc hội làm lễ chào cờ, bế mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV_Ảnh: Thu Thanh/TCCS
Quốc hội làm lễ chào cờ, bế mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Thu Thanh/TCCS

Đồng thời, giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách trong phòng, chống dịch như: áp dụng biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn cần thiết; tổ chức các lực lượng để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong vùng có dịch; biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc và sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc và các biện pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan.

Ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước và huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác cho công tác phòng, chống dịch. Bảo đảm an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống Nhân dân, đặc biệt là người có công, gia đình chính sách, người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế và lực lượng tuyến đầu chống dịch; tiếp tục có biện pháp thiết thực, hiệu quả hỗ trợ cụ thể cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch,…

Hoạt động của Đoàn ĐBQH Đắk Lắk tại kỳ họp

Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk tham dự kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV gồm 9 đại biểu.

Tại kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn Trưởng đoàn ĐBQH, Phó Trưởng đoàn ĐBQH các tỉnh/thành phố, Ủy viên các Ủy ban/Hội đồng của Quốc hội.

Trong đó, đối với đại biểu trong Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk được phê chuẩn: Ông Y Vinh Tơr, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh và tham gia làm Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội;

Bà Lê Thị Thanh Xuân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Buôn Hồ (hiện đã được điều động về Văn Phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh) làm Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh và tham gia làm Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội;

Ông Lê Ngọc Hải, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu 5 làm Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội;

Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh (hiện đã được điều động, bổ nhiệm Bí thư Thị uỷ Buôn Hồ) làm Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội;

 Bà Phúc Bình Niê Kdăm,Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh làm Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn phân công ông Ngô Trung Thành làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; bà Nguyễn Thị Xuân làm Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; ông Lưu Văn Đức làm Ủy viên thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. Bên cạnh đó, bà Phúc Bình Niê Kdăm,Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh được giới thiệu và làm thành viên Ban Kiểm phiếu về công tác nhân sự của Quốc hội.

Ảnh Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Lắk
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội phát biểu ý kiến tại Kỳ họp (Ảnh: Đoàn ĐBQH Đắk Lắk cung cấp) 

Với tinh thần trách nhiệm cao với nhân dân cả nước nói chung, với cử tri tỉnh Đắk Lắk nói riêng, các đại biểu Quốc hội trong Đoàn đã tập trung trí tuệ, nghiên cứu, tham gia ý kiến có chất lượng cao tại các buổi thảo luận ở Đoàn, ở Tổ và ở Hội trường.

Tại các phiên thảo luận ở hội trường, đại biểu Quốc hội trong Đoàn đã có 2 lượt phát biểu với 7 ý kiến tham gia thảo luận đối với các nội dung: về tăng cường công tác phòng, chống COVID-19 trong thời gian tới; Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; có 1 lượt phát biểu tranh luận tại Hội trường về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; về triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Tại các Phiên thảo luận tại Tổ, đại biểu Quốc hội trong Đoàn đã có 13 lượt phát biểu với 34 ý kiến tham gia thảo luận đối với các nội dung: Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; Chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững; Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019; tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong thời gian tới; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020;...

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành 8 lần thảo luận ở Đoàn về công tác tổ chức, nhân sự cấp cao của Bộ máy nhà nước theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk tham dự kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk tham dự kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV (Ảnh Đoàn ĐBQH Đắk Lắk cung cấp).

Ngoài các phiên họp chính thức, các vị đại biểu Quốc hội tham gia tích cực các hoạt động do Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tổ chức mà mình là thành viên; Một số đại biểu trên cương vị công tác của mình đã gặp gỡ, trao đổi về những vấn đề cử tri trong tỉnh qua tâm, đề xuất nhiều nội dung nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và triển khai nhiệm vụ công tác tại địa phương; có 2 vị tham gia trả lời phỏng vấn của Đài truyền hình Việt Nam (VTV8). Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh cũng tích cực phối hợp với báo đài địa phương để đưa tin về hoạt động của Quốc hội, Đại biểu quốc hội tại kỳ họp để cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát.

Trong thời gian diễn ra kỳ họp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, các vị đại biểu Quốc hội đã tiếp nhận 28 đơn, thư khiếu nại tố cáo của công dân và đã xử lý, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.